19/01/2025 | 09:31 GMT+7, Hà Nội

Thú vị chuyện không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ: Nhân văn và... rất khó!

Cập nhật lúc: 20/12/2018, 02:01

Luật Chăn nuôi 2018 có điểm mới, không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ được dư luận ủng hộ. Song cũng không ít ý kiến cho rằng, việc đưa ra quy định trên ở thời điểm hiện nay là chưa phù hợp.

Quy định hướng đến tính nhân văn…

Không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết mổ là điểm mới và đáng chú ý tại Luật Chăn nuôi 2018, bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. Cụ thể, tại mục đối xử nhân đạo với vật nuôi (bao gồm gia súc, gia cầm và động vật khác trong chăn nuôi), tổ chức, cá nhân có hoạt động chăn nuôi phải hạn chế gây sợ hãi, đau đớn cho vật nuôi, không đánh đập, hành hạ, có biện pháp gây ngất vật nuôi trước khi giết mổ…

Đặc biệt, khi vận chuyển vật nuôi phải sử dụng phương tiện, trang thiết bị vận chuyển vật nuôi phù hợp, bảo đảm không gian thông thoáng, hạn chế chấn thương, sợ hãi cho vật nuôi. Phải cung cấp thức ăn, nước uống và không đánh đập, hành hạ vật nuôi khi vận chuyển. Đối với vật nuôi trong nghiên cứu khoa học và các hoạt động khác cũng phải được đối xử nhân đạo theo các quy định nêu trên.

 Dư luận đang tranh cãi về điểm không để vật nuôi nhìn thấy đồng loại bị giết mổ. Ảnh: Bộ NN&NT

Dư luận đang tranh cãi về điểm không để vật nuôi nhìn thấy đồng loại bị giết mổ. Ảnh: Bộ NN&NT

Quy định này được ban hành nhằm thiết lập khung pháp lý điều chỉnh các quan hệ kinh tế - xã hội, môi trường, an toàn thực phẩm, phát triển ngành chăn nuôi. Từ đó, tạo ra việc làm, tăng thu nhập cho người dân, đáp ứng nhu cầu an ninh thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vì vậy, từ khi thông tin về điểm mới này được công bố, nhiều người dân đã hoàn toàn ủng hộ. Đây là sự tốt lành đối với loài vật nuôi, bởi chúng cũng cần được đối xử nhân đạo và ít đau đớn khi giết mổ. Thậm chí, nhiều người mong muốn luật này áp dụng sớm hơn, chứ không phải đợi đến năm 2020 và cũng mong, luật sẽ được thực thi rõ ràng, tránh luật lệ đặt ra cho có.

Ông Đoàn Văn Minh (55 tuổi, ở Việt Trì, Phú Thọ) cho rằng, đây là một bước ngoặt mới nói lên tinh thần, trách nhiệm, ý thức và đạo đức của người Việt. Tuy nhiên, hơn hết vẫn là ở mỗi bản thân người chăn nuôi, những người nhận thức được điều này có lẽ không phải chờ khi luật ban hành mới thực hiện. Vì vậy, việc ban hành quy định này là hoàn toàn nhân văn. Kể cả ở các lễ, hội tồn tại hủ tục giết vật nuôi cũng cần dẹp bỏ. Nói chung, về hành vi vô nhân đạo đối với vật nuôi thì không nên để tồn tại, mà cần phát huy những giá trị mang tính nhân ái, nhân văn.

…Nhưng có phù hợp ở thời điểm hiện nay?

Bên cạnh những ý kiến đồng tình, ủng hộ điểm mới trong Luật Chăn nuôi 2018 là không để vật nuôi chứng kiến đồng loại bị giết, mổ, vẫn có không ít ý kiến cho rằng, nên ra quy định mang tính nhân văn như trên, nhưng ở điều kiện nước ta hiện nay thì chưa đúng thời điểm. Đơn cử như việc hành quyết vật nuôi phục vụ nhu cầu trong gia đình hay giết mổ ngoài chợ, rất khó để đáp ứng tính nhân văn với vật nuôi.

Chia sẻ về vấn đề này, TS Trần Thị Dung, chuyên gia công nghệ chế biến và bảo quản thủy sản, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư vấn và quy hoạch thủy sản (Bộ NN&PTNT) thẳng thắn: “Khi xã hội phát triển thì những quy định như trên được đưa ra và áp dụng là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, việc áp dụng đối với xã hội Việt Nam hiện nay thì đã phù hợp với điều kiện thực tế của nước ta hay chưa. Và liệu rằng, việc ban hành quy định như thế này có thực hiện được và có kiểm soát được các hoạt động giết mổ hay không? Nếu không thực hiện được thì không nên đưa ra.

Việc không để vật nuôi nhìn thấy đồng loại bị bắt, giết là điều khó tránh khỏi. Thực tế, điều này cũng khó tránh khỏi với các dây truyền giết mổ hiện đại ở các nước Châu Âu. Bởi cho vật nuôi vào dây truyền để xử lý thì chúng vẫn nhìn thấy nhau. Châu Âu còn không làm được, vậy tại Việt Nam, có chắc rằng đưa ra quy định như trên là phù hợp với thực tế?”.

TS Trần Thị Dung thẳng thắn: “Quan điểm của tôi ở khía cạnh nhân văn thì quy định trên là tốt, văn minh, hiện đại. Với giết mổ vật nuôi, ta xét ở góc độ hiện đại trước, tức là giết mổ theo dây truyền hiện đại, vật nuôi trước khi được xử lý thì được qua vách ngăn, để ngăn những con chưa xử lý với những con đang được xử lý. Khi đưa ra quy định trên, bắt buộc phải có sự tách biệt tại nơi giết mổ. Nếu như tất cả các cơ sở làm được điều này thì rất tốt. Với lò mổ công nghiệp tập trung, tôi nghĩ có thể đáp ứng.

Tuy nhiên, trong phạm vi gia đình, hoặc những lò mổ nhỏ lẻ thì khó có thể đến mà phạt. Vì vậy, khi đưa ra một quy định, một điều khoản nào đó thì trước tiên là phải phù hợp với đất nước hiện nay. Nếu như lò mổ hay nhà mổ nào chỉ đáp ứng nhu cầu xuất khẩu, mà nước nhập khẩu yêu cầu phải đảm bảo các quy định như trên thì hoàn toàn có thể đáp ứng. Tuy nhiên, quy định tất cả các hoạt động giết, mổ trên cả nước phải đáp ứng, trong khi dân trí, mặt bằng, hạ tầng của ta chưa tốt thì việc ra quy định chưa hẳn phù hợp. Nghĩa là nên ra quy định như trên, nhưng chưa phải ở thời điểm này”.

Nhân đạo với vật nuôi là điều kiện để hội nhập

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho biết: “Những nội dung trong luật này không phải là vấn đề mới. Nó thể hiện tính nhân văn của người Việt. Tôi còn nhớ khi nhỏ tuổi, trước khi hành quyết một con vật nào đó để phục vụ nhu cầu của gia đình, các cụ đều niệm thần chú hóa kiếp cho vật nuôi. Các cụ có câu: “Khuyển mã chi tình” - chó và ngựa là giống vật có tình. Vì vậy, quy định trên hướng đến sự nhân văn cũng là điều kiện để hội nhập, trao đổi sản phẩm chăn nuôi với thế giới, vì một số nước phát triển coi đây là một trong những điều kiện để trao đổi với nhau.

Nếu như chỉ có năng suất cao, giá thành hạ, chất lượng tốt mà không đối xử nhân đạo với vật nuôi thì người ta cũng từ chối sản phẩm đó. Đơn cử như nước Úc đã từ chối cung cấp bò thịt sang các nước không có quy trình giết mổ nhân đạo với vật nuôi. Ngoài ra, một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Mỹ… cũng đã đưa vào luật những quy định về việc đối xử nhân đạo với vật nuôi để đảm bảo con vật được đối xử tốt nhất”.

Ông Dương cho biết thêm: “Về mặt khoa học, vật nuôi bị hành quyết đau đớn sẽ tiết ra nhiều độc tố trong cơ thể, ảnh hưởng lớn đến chất lượng thịt và ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu thụ. Trên thực tế, ở nước ta hiện nay, điều kiện giết mổ vật nuôi chưa đáp ứng được yêu cầu về đối xử nhân đạo và thiếu các biện pháp gây chết.

Vì vậy, việc đưa ra quy định nhân đạo với vật nuôi không những đáp ứng được vấn đề an toàn thực phẩm, mà còn đáp ứng được tính nhân văn với vật nuôi với các nước trên thế giới. Hiện tại, ở nước ta có một số cơ sở giết mổ công nghiệp tập trung đã đáp ứng được điều này, như cơ sở giết mổ tập trung Masan, Biển Đông, Dabaco CP, Bình Minh, Magin…”.

Về các chế tài đi kèm, ông Nguyễn Xuân Dương - quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho hay: “Khi đã có luật hóa thì sẽ có chế tài xử phạt. Tổ chức, cá nhân nào không đối xử nhân đạo với vật nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính. Việc xử phạt như thế nào thì luật vẫn còn đang xây dựng, sẽ nghiên cứu và đưa vào Nghị định. Việc trước mắt bây giờ là chúng ta phải tuyên truyền cho người chăn nuôi và cán bộ quản lý, phải tạo mọi điều kiện để người chăn nuôi đáp ứng được, tạo dựng được cho vật nuôi một môi trường sinh trưởng tốt nhất. Đây là cả một quá trình. Bởi Luật ban hành ra là một sự định hướng để chúng ta phải đáp ứng”.

 

Bảo Loan