19/01/2025 | 18:21 GMT+7, Hà Nội

Thủ tướng Chính phủ: Cần thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng

Cập nhật lúc: 06/12/2022, 09:42

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng.

Nâng hạn mức tín dụng để kiểm soát lạm phát

Trong chương trình công tác tại Bạc Liêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu về tình hình phát triển kinh tế-xã hội năm 2022, nhiệm vụ năm 2023 và những năm tiếp theo, thực hiện các nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế-xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh và quy hoạch vùng ĐBSCL.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương phát biểu đánh giá những kết quả phát triển kinh tế-xã hội của Bạc Liêu; làm rõ tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; góp ý các giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để Bạc Liêu phát triển xanh hơn, nhanh hơn, bền vững hơn; đồng thời phát biểu giải đáp các đề xuất, kiến nghị của tỉnh...

Phát biểu tại buổi làm việc, Thủ tướng cho biết, vừa qua Chính phủ đã thành lập 3 tổ công tác gồm: Tổ công tác liên quan đến thanh khoản tín dụng do Phó Thủ tướng Lê Minh Khái làm tổ trưởng; Tổ công tác liên quan đến xử lý khó khăn với thị trường Bất động sản do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị làm tổ trưởng; Tổ công tác để xử lý các vấn đề liên quan đến trái phiếu doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm tổ trưởng. Các địa phương phải phối hợp với các tổ công tác này, có gì cần trao đổi, cần báo cáo để tìm hiểu đúng nguyên nhân bản chất của nó, góp phần xử lý những vấn đề còn đang khó khăn, vướng mắc, tiềm ẩn rủi ro. Nếu trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có vấn đề liên quan thì phối hợp với các tổ công tác của Chính phủ để xử lý.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Bạc Liêu. (Ảnh: VGP/Nhật Bắc)

Thủ tướng chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước và các tổ chức tín dụng tiến hành rà soát, phân loại các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động hiệu quả, lành mạnh, an toàn, bền vững, nghiên cứu và thực hiện ngay việc nâng hạn mức tín dụng phù hợp, hiệu quả để vừa kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm, tập trung vào 3 động lực tăng trưởng là tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu, hỗ trợ doanh nghiệp trong lúc khó khăn. Thủ tướng lấy ví dụ ngành hàng tôm đang hoạt động tốt, có thị trường xuất khẩu.

Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tỉnh Bạc Liêu tập trung bảo đảm an sinh xã hội, quan tâm người nghèo, người yếu thế, làm tốt chính sách với người có công, không để ai bị bỏ lại phía sau, không để ai không có Tết; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường, tạo việc làm, sinh kế cho người dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội.

Tỉnh phải tăng cường bảo đảm quốc phòng - an ninh, giữ vững an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội tạo điều kiện và môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế-xã hội.

Thủ tướng đề nghị tỉnh Bạc Liêu triển khai nghiêm túc, quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; 3 chương trình mục tiêu quốc gia và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.

Trong đó, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từng dự án, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, huy động cả hệ thống chính trị cho công tác này, làm tốt công tác phối hợp với các địa phương khác… tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; phân công cụ thể từng đồng chí chỉ đạo kiểm tra, rà soát từng dự án cụ thể để có biện pháp xử lý ngay các vướng mắc; thực hiện cơ chế phân công, phối hợp rõ ràng, cụ thể theo thẩm quyền, gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị trong việc giải ngân vốn đầu tư công.

Về các đề xuất, kiến nghị của Bạc Liêu, Thủ tướng Chính phủ cơ bản đồng ý xem xét và cơ bản đồng tình với ý kiến của các Bộ, ngành. Thủ tướng khẳng định ủng hộ việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc nhưng mặt khác, tỉnh phải nêu rất rõ các vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, xác định rõ vấn đề gì, ở đâu, trách nhiệm thuộc về ai để xử lý.

Cùng với cho ý kiến đối với từng kiến nghị cụ thể, Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành căn cứ chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Bạc Liêu để giải quyết, trên cơ sở đảm bảo đúng quy định, phù hợp với tình hình chung và đặt trong mối quan hệ với cả vùng ĐBSCL và cả nước, trên tinh thần tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc để khơi thông cho sự phát triển, không vướng mắc nào là không thể xử lý.

Những vấn đề thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó xử lý; những vấn đề thuộc nhiều Bộ, ngành, địa phương thì phải phối hợp xử lý; những vấn đề vượt thẩm quyền thì tổng hợp trình Chính phủ và cấp có thẩm quyền để xử lý.

NHNN sẽ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cho cá ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh

Theo báo cáo triển vọng vĩ mô và chiến lược đầu tư của CTCP Chứng khoán VNDirect, tín dụng hệ thống ngân hàng đã tăng 16,5% so với cùng kỳ và 11,5% so với đầu năm tính đến hết tháng 10/2022, cao hơn mức tăng trưởng trong cùng kỳ năm ngoái (tăng 8,8% so với đầu năm). Tuy nhiên, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 2% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 10 (6 tháng đầu năm 22 tăng 9,44% so với đầu năm) cho thấy tín dụng tăng chậm lại một cách rõ rệt khi kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô vẫn đang là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong thời gian còn lại của năm 2022.

VNDirect dự báo, tăng trưởng tín dụng cũng sẽ chậm lại và đạt 11-12% trong năm 2023 do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu chậm lại, và lãi suất tăng. Đối với bất động sản, các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động thêm nguồn vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn trầm lắng và lãi suất tăng cao sẽ ảnh hưởng lên nhu cầu vay mua nhà. Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ tăng trưởng chậm lại 9- 10% trong năm 2023 (từ mức 14% trong năm 2022). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh của họ trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.

Ngoài ra, lạm phát dự kiến vẫn sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng VNDirect cho rằng lạm phát tại Việt Nam vẫn có thể duy trì mức cao do (1) mức tăng tiền lương 20,8%, có hiệu lực từ tháng 7/2023 và (2) sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng...

Căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý 3/22, các ngân hàng thương mạiđều ghi nhận chỉ số LDR (tỷ lệ dư nợ cho vay/huy động) tăng mạnh, một số ngân hàng đã gần chạm ngưỡng quy định (85%).

VNDirect cho rằng, trong năm 2023, NHNN sẽ ưu tiên cấp hạn mức tín dụng cho cá ngân hàng có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.

Dựa trên những yếu tố này, nhóm phân tích đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng: VPBank (24%), MB (18%), HDBank (16%), ACB (13%), Vietcombank (12%), VIB (11%), TPBank (10%), Techcombank (10%),…

VPBank, MB, HDBank và Vietcombank là 4 ngân hàng tham gia vào việc cơ cấu lại tổ chức tín dụng yếu kém, vì vậy các ngân hàng này sẽ được nhận hạn mức tín dụng cao hơn so với các ngân hàng khác, theo đó cải thiện thị phần tín dụng trong năm 2023.

VNDirect cho rằng, NIM của các ngân hàng sẽ chịu áp lực thu hẹp do lãi suất huy động tiếp tục tăng mạnh. Tuy nhiên, một số ngân hàng vẫn có khả năng chống chọi tốt với áp lực này. Cụ thể, những ngân hàng có tỷ trọng cho vay bán lẻ và tỷ lệ tiền gửi không kỳ hạn (CASA) cao sẽ có khả năng chống chọi với việc NIM bị thu hẹp. Hiện VIB và ACB là hai ngân hàng có tỷ trọng bán lẻ cao nhất. VietinBank, VPBank, TPBank, và MB cũng là những cái tên đáng chú ý khi đã thành công trong việc nâng tỷ trọng bán lẻ trong năm nay.

Trên phương diện CASA, Techcombank, MB và Vietcombank là những ngân hàng có tỷ lệ CASA tốt nhất hệ thống. Vietcombank đặc biệt gây ấn tượng khi đã là một trong số ít ngân hàng cải thiện được tỷ lệ CASA từ đầu năm, với động lực chính đến từ chính sách “zero-fee” ngân hàng đã triển khai từ đầu năm nay.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thu-tuong-chinh-phu-can-thuc-hien-ngay-viec-nang-han-muc-tin-dung-74035.html