20/01/2025 | 00:03 GMT+7, Hà Nội

Thu ngân sách nội địa về đích mùa “đi trên dây”

Cập nhật lúc: 23/12/2021, 13:42

2021 được xem là năm khó khăn chung của tất cả các ngành, nhưng thu ngân sách Nhà nước vẫn về đích sớm và đạt 103,4% dự toán.

Doanh nghiệp lấy đà từ các chính sách hỗ trợ

Mặc dù trải qua thời gian dài giãn cách, nhưng năm 2021, Công ty CP Đầu tư Phát triển Đô thị Kiến Hưng vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả quan, hoàn thành vượt kế hoạch đề ra và đóng góp vào ngân sách Nhà nước (NSNN) 150 tỷ đồng. Ông Trần Mạnh Hùng – đại diện công ty chia sẻ, do DN đã làm tốt công tác dự báo trước diễn biến của dịch bệnh, từ đó có các chiến lược kinh doanh phù hợp với tình hình mới. Bên cạnh đó, chính sách gia hạn về thuế và tiền thuê đất, chính sách giảm thuế cũng giúp cho DN sớm ổn định sản xuất, kinh doanh.

Là một trong những DN có quy mô nộp NSNN nhiều nhất năm 2021, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam đã vượt khó và có kết quả kinh doanh, lợi nhuận dự kiến vượt kế hoạch. Theo ông Lê Hoàng Tùng - Kế toán trưởng Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam, để đạt được kết quả trên, bên cạnh nỗ lực của DN, còn có sự tác động từ các yếu tố khách quan, là những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, bộ ngành đã giúp DN khắc phục được khó khăn, khôi phục sản xuất trở lại và có kết quả kinh doanh tương đối tích cực.

Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, tổng thu NSNN lũy kế 11 tháng năm 2021 do cơ quan thuế quản lý ước đạt 1.180 nghìn tỷ đồng, bằng 105,1% so với dự toán pháp lệnh, bằng 107,5% so với cùng kỳ năm 2020. Nếu loại trừ yếu tố gia hạn và một số khoản thu đột biến thì bằng 104,1% so với cùng kỳ. So với dự toán, có 14/18 khoản thu, sắc thuế đảm bảo tiến độ thực hiện dự toán (đạt trên 91%); 8/18 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng thu.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn cho biết, thu thuế, phí nội địa đạt khá so với dự toán là do các địa phương đã mở cửa trở lại, kinh tế dần phục hồi, trong đó có một số khối ngành như: Ngân hàng thương mại, hoạt động kinh doanh đất động sản, hoạt động chuyển nhượng vốn và đầu tư vốn, hoạt động kinh doanh chứng khoán... có tốc độ tăng trưởng cao và đóng góp lớn cho NSNN.

Bên cạnh đó, thực hiện Nghị định số 126/2020/NĐ-CP của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Quản lý thuế, các DN đã tạm nộp trước số thuế TNDN trong 3 quý đầu năm 2021 (ước tính số thuế TNDN tạm nộp trước khoảng 51.600 tỷ đồng) để đảm bảo không thấp hơn 75% số thuế TNDN dự kiến phải nộp của năm 2021. Nếu loại trừ khoản thu này thì thu thuế phí nội địa bằng 100,5% so với cùng kỳ.

Thu ngân sách nội địa về đích mùa “đi trên dây”
Thu ngân sách nội địa về đích mùa “đi trên dây”

Đáng chú ý, để hỗ trợ người dân và DN vượt qua khó khăn của đại dịch, đẩy nhanh tốc độ hồi phục nền kinh tế Chính phủ đã ban hành các chính sách về giảm, giãn, miễn thuế cho người nộp thuế đã tạo đà cho DN nộp thuế có sức bật. Cụ thể, Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về việc thực hiện gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất cho trong năm 2021, theo đó thực hiện gia hạn thuế GTGT phải nộp từ tháng 3 đến tháng 8/2021, thuế GTGT quý I và quý II/2021, thuế TNDN tạm nộp quý I và quý II/2021, gia hạn tiền thuê đất kỳ 1 năm 2021 cho các DN bị ảnh hưởng và gia hạn thuế GTGT, TNCN năm 2021 đối với hộ, cá nhân kinh doanh thuộc các ngành, lĩnh vực gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.

Ước tính tính đến cuối tháng 11/2021, tổng số đơn đề nghị gia hạn: 139.190 đơn, trong đó có 119.708 DN và tổ chức và 19.482 hộ, cá nhân kinh doanh. Tổng số thuế, tiền thuê đất được gia hạn là 92.825 tỷ đồng. Giải pháp này đã tháo gỡ khó khăn về vốn cho DN, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và tạo nguồn thu cho ngân sách.

Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp

Mặc dù thu ngân sách đã về đích trước 1 tháng so với kế hoạch, tuy nhiên, để đảm bảo thu đúng, thu đủ vào NSNN, hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN năm 2021 được Quốc hội, Chính phủ giao ở mức cao nhất, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Phi Vân Tuấn từ nay đến cuối năm, cơ quan thuế các cấp sẽ tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện tốt Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính về thuế, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh điện tử hóa quản lý thuế theo tinh thần Nghị quyết số 02-2021/NQ-CP của Chính phủ.

Toàn ngành thuế sẽ theo dõi chặt chẽ, đôn đốc thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu đã được gia hạn theo Nghị định số 52/2021/NĐ-CP khi hết thời gian gia hạn, tránh việc phát sinh nợ thuế và tiền chậm nộp làm tăng thêm khó khăn về tài chính cho DN. Tiếp tục tổ chức thực hiện tốt việc miễn, giảm tiền thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất cho DN và người dân theo các nghị quyết, nghị định của Quốc hội, Chính phủ để tháo gỡ, hỗ trợ kịp thời những khó khăn cho DN và người dân, hồi phục và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, từ đó góp phần tăng thu bền vững cho NSNN.

Trong thời gian tới, ngành thuế sẽ đẩy mạnh công tác quản lý thu trên nền tảng số, đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế, đẩy mạnh điện tử hóa trên phạm vi cả nước ở tất cả khâu quản lý thuế. Đảm bảo hệ thống công nghệ thông tin thông suốt 24/7 để hỗ trợ người nộp thuế thực hiện nghĩa vụ với NSNN từ khâu đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử mà không cần phải đến trực tiếp cơ quan thuế, giảm thời gian thực hiện các thủ tục. Triển khai thực áp dụng đơn điện tử tại các địa phương, góp phần thay đổi phương thức quản lý hóa đơn, tiết kiện chi phí cho DN và tạo thuận lợi trong quản lý thuế.

Cơ quan thuế các cấp sẽ tập trung triển khai thực hiện các giải pháp quản lý thu NSNN, bám sát diễn biến tình hình hoạt động kinh doanh của các DN, quản lý chặt chẽ công tác kê khai, nộp thuế, hoàn thuế của các DN, đôn đốc DN thực hiện nộp đúng, đủ, kịp thời các khoản thu vào NSNN, nâng cao chất lượng công tác thanh tra, kiểm tra, chống thất thu, quản lý chặt chẽ tình hình nợ đọng thuế; đặc biệt là tại những địa bàn ít bị ảnh hưởng của dịch bệnh, những địa bàn đã mở cửa trở lại, tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những DN có rủi ro cao về thuế, DN thuộc những lĩnh vực được hưởng lợi trong thời gian đại dịch (thương mại điện tử, kinh doanh qua mạng…).

Bên cạnh đó, ngành thuế sẽ tăng cường công tác phối hợp với các cơ quan công an, hải quan, quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ về giá, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng, chống thất thu NSNN, nhất là trong tháng cuối năm, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng lành mạnh qua đó khuyến khích, thu hút đầu tư.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/thu-ngan-sach-noi-dia-ve-dich-mua-di-tren-day-444396.html