Thỏa sức mua sắm, lãi suất 0%...
Cập nhật lúc: 04/01/2016, 20:51
Cập nhật lúc: 04/01/2016, 20:51
Mua trả góp đang là phương án được không ít “tín đồ công nghệ” lựa chọn, khi có nhu cầu mua sắm đồ công nghệ nhưng do chưa tích lũy đủ số tiền chi trả. Và thực tế đã chứng minh, phương án này đã mang lại nhiều lợi ích cho người tiêu dùng, giúp họ linh hoạt sử dụng đồng tiền vào những việc cần thiết khác. Nắm bắt tâm lý đó, càng gần Tết Nguyên Đán - khi nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao, nhiều tập đoàn tài chính kết hợp với các cửa hàng điện thoại di động đưa ra chính sách mua trả góp lãi suất 0%. Đây cũng là cơ hội hiếm có để khách hàng sở hữu ngay những sản phẩm ưng ý.
Hưởng ứng “luồng gió mới”, Công ty Tài chính Home Credit vừa phối hợp với FPT Shops, Thế giới Di động và Viettel tung ra 3 chương trình áp dụng lãi suất 0% cho nhiều mặt hàng khác nhau. Cụ thể, Home Credit tung ra chương trình cho vay mua iPhone 6 64 GB, iPhone 6 Plus 64 GB và iPhone 6 Plus 128 GB với lãi suất 0% tại các cửa hàng thuộc hệ thống FPT Shops. Đồng thời, khách hàng mua một số mẫu điện thoại và máy tính bảng của các hãng Samsung, HTC, LG, OPPO, Sony tại hệ thống các cửa hàng thuộc FPT Shops, Thế Giới Di Động và Viettel trên cả nước có hợp tác với Home Credit, cũng sẽ được vay với lãi suất ưu đãi 0%.
Không kém cạnh, FE Credit cũng đang triển khai chương trình “Mua điện thoại và máy tính bảng đẳng cấp - lãi suất 0%”. Khách hàng sẽ có cơ hội mua trả góp những dòng sản phẩm thương hiệu Apple, Samsung, Sony, OPPO cùng nhiều dòng sản phẩm khác mà không phải trả lãi. Khi tham gia chương trình này, khách hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân, bằng lái xe/hộ khẩu và trả trước 30% giá trị sản phẩm là đã có thể sở hữu ngay một trong những chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng với lãi suất vay 0%, thời hạn vay 6 tháng cùng thủ tục xét duyệt nhanh chóng, chỉ trong khoảng 30 phút.
Theo các chuyên gia kinh tế, tiếp cận các gói dịch vụ trên thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhiều nhất. Với sản phẩm mang tính đột phá này, các ngân hàng dù có lợi thế về nguồn vốn cũng khó có thể cạnh tranh được với các công ty tài chính, bởi vì thủ tục của các công ty tài chính đơn giản và họ có sẵn một đội ngũ nhân viên luôn luôn túc trực tại những điểm bán lẻ, để kịp thời hỗ trợ tư vấn cho khách hàng. Khách hàng tham gia chương trình thì sẽ được nhận sản phẩm ngay tại điểm bán hàng, không mất thời gian chờ đợi.
Nhiều doanh nghiệp bán lẻ đã nhận thức được những lợi ích đạt được từ việc kết hợp với các công ty tài chính, lợi nhuận trên một sản phẩm tuy giảm chút ít nhưng đổi lại các doanh số bán hàng của các doanh nghiệp tăng lên, cho nên họ rất hăng hái hợp tác với công ty tài chính. Đó là lý do vì sao mà các công ty tài chính lại có thể đưa ra được mức lãi suất 0%. Để có mức lãi suất ưu đãi đến khó ngờ này, các công ty tài chính đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất để chia sẻ lợi nhuận. Với những sản phẩm lãi suất 0%, khách hàng được vay lãi suất thấp, nhà sản xuất bán được nhiều hàng,Nhà nước theo đó cũng thu được nhiều thuế hơn.
Số liệu thống kê cho thấy, lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tại Việt Nam hiện dao động trong ngưỡng từ 20-30%/năm, trong khi lãi suất cho vay tiêu dùng của các ngân hàng thương mại (NHTM) chỉ từ 8-14%/năm. So sánh với dải lãi suất cho vay tiêu dùng qua công ty tài chính của các nước, như: Mỹ là từ 8-36%/năm; EU là 15-25%/năm; Trung Quốc là10-40%/năm; Brazil là 30-70%/năm; Nhật là 9-17%/năm... có thể thấy, mặt bằng lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính ở Việt Nam vẫn còn khá cao.
Tuy nhiên, theo lý giải của TS. Bùi Quang Tín, giảng viên Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, khi một dịch vụ có rủi ro lớn thì lãi suất cao là tất yếu. Ở đây, các công ty tài chính thường không kiểm soát được dòng tiền trả nợ của khách hàng, do đó khả năng món vay trở thành nợ xấu rất cao, khi không ít người vay có tâm lý “muốn xài tiền nhưng không muốn trả nợ”. Lý do thứ hai khiến lãi suất cho vay tiêu dùng cao là bởi chi phí dịch vụ đắt đỏ. Các công ty tài chính phải đầu tư xây dựng hệ thống công nghệ thông tin hiện đại để đánh giá và quản lý khách hàng; ngoài ra còn phải chi trả chi phí cho các kênh phân phối trung gian. Chưa kể, đối tượng vay vốn của họ có thu nhập thấp hơn, dư nợ nhỏ và thời hạn vay ngắn, hình thức trả nợ định kỳ… làm tăng chi phí quản lý các khoản vay. Tất cả những nhân tố trên đã khiến cho lãi suất của vay tiêu dùng cao hơn so với bình thường.
Giải thích rõ hơn về điều này, TS. Bùi Quang Tín gói gọn trong hai từ cầu và cung. Các sản phẩm tín dụng tiêu dùng với đặc thù là số tiền nhỏ, không có tài sản đảm bảo, thời gian giải ngân nhanh, chủ yếu do các công ty tài chính cung cấp, trong khi ngân hàng (trừ vài ngân hàng thời gian qua mua lại công ty tài chính) lại bỏ qua phân khúc này. Sản phẩm ít, nhu cầu lại quá lớn, cho nên giá dịch vụ (ở đây là lãi suất khoản vay) sẽ bị đẩy lên rất cao, do thị phần của mảng này đang nằm trong tay các công ty có uy tín, chẳng hạn như Home Credit, FE Credit, HD SAISON Finance…
Lãi suất cao nhưng các công ty tài chính vẫn hút được khách là bởi vì họ biết khai thác dịch vụ theo hướng phục vụ nhu cầu, thay vì bán những gì mình có – hướng đi của các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp.
Giờ đây, khách hàng có thể dễ dàng để tiếp cận được các khoản vay từ công ty tài chính qua các nhà cung cấp sản phẩm, qua các điểm bán hàng (POS), qua internet, điện thoại, mạng xã hội… một cách dễ dàng. Các đại diện cung cấp dịch vụ có thể ngay lập tức xử lý hồ sơ và thẩm định tín dụng, phê duyệt hồ sơ tại chỗ, giúp khách hàng tiếp cận ngay với sản phẩm và giải ngân khoản vay nhanh chóng.
Và dù được đánh giá với quy mô tầm 10,4 tỷ USD nhưng thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam vẫn đang được xem là mảnh đất hết sức màu mỡ và còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhận ra điều này, các ngân hàng thương mại đang đẩy mạnh mua lại hoặc thành lập mới các công ty tài chính để mở rộng hoạt động và cạnh tranh thị phần lẫn nhau. Các chuyên gia đánh giá, khi thị trường trở nên cạnh tranh buộc các công ty tài chính phải điều chỉnh lãi suất sao cho phù hợp và hướng tới người tiêu dùng nhiều hơn.Tuy nhiên, với yếu tố đặc thù liên quan rủi ro và chi phí như đã phân tích thì lãi suất cho vay tiêu dùng sẽ không thể duy trì ở mức thấp như các khoản vay thương mại thông thường.
Mặc dù lãi suất của các công ty tài chính không ở mức cạnh tranh trên thị trường, song so với việc sử dụng tín dụng “đen”, khách hàng vẫn có thể an tâm rằng, khi ký kết hợp đồng vay vốn không sợ bị siết nợ theo kiểu xã hội đen. Dù lãi suất cho vay tiêu dùng ở các công ty tài chính hiện nay trung bình cao nhất dao động trên dưới 40%, song trên thực tế cũng có những sản phẩm vay tiêu dùng có lãi suất thấp hơn tại các NHTM. Đặc biệt, có công ty tài chính còn cho biết, trong giai đoạn 2016-2017, sẽ có khoảng 70% sản phẩm của công ty được tung ra thị trường với mức lãi suất 0%/năm.
05:12, 02/01/2016
05:12, 01/01/2016
14:01, 28/12/2015
03:08, 25/12/2015