18/01/2025 | 18:06 GMT+7, Hà Nội

Thịt lợn ngoại ồ ạt về Việt Nam, ngành chăn nuôi lo lắng

Cập nhật lúc: 21/06/2019, 02:06

Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, trong 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã chi ra trên 1 tỉ USD để nhập khẩu các sản phẩm chăn nuôi bao gồm thịt gà, lợn, trâu, bò, phụ phẩm và nội tạng động vật...

Giữa tâm bão dịch tả lợn châu Phi, cộng với lượng nhập khẩu thịt tăng nhanh là khó khăn không nhỏ đối với ngành chăn nuôi.

Cụ thể, tháng 1/2019, Việt Nam chi 3,23 triệu USD, xấp xỉ giá trị nhập khẩu thịt lợn trong 4 tháng đầu năm 2018 (3,51 triệu USD). Con số này trong tháng 3 là 10 triệu USD, tháng 4 là 9 triệu USD khi dịch tả lợn châu Phi (ASF) lan rộng tại miền Bắc.

Lo ngại về sự an toàn của nguồn thịt lợn trong nước, nhiều công ty chế biến thực phẩm, các bếp ăn công nghiệp, trường học và người tiêu dùng đã chuyển qua sử dụng thịt lợn nhập khẩu. Xu hướng này còn tăng do nguồn cung lợn đã giảm mạnh khi lượng lợn tiêu hủy do ASF đã trên 2,5 triệu con.

Giám đốc một công ty kinh doanh thực phẩm tại TP.HCM cho biết phần lớn thịt lợn nhập về để bán cho các công ty đưa vào chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp, ít bán lẻ ra ngoài thị trường. Nếu có là thịt lợn đặc sản hay thịt lợn cao cấp.

Ngoài thịt lợn, các doanh nghiệp cũng nhập khẩu nhiều thịt gà, trâu bò, phụ phẩm chăn nuôi..., trong đó nhiều nhất là phụ phẩm sau giết mổ với tổng giá trị xấp xỉ 450 triệu USD. Tiếp đến là trâu bò (trên 228 triệu USD), thịt gia cầm (trên 82 triệu USD)...

thit lon ngoai o at ve viet nam nganh chan nuoi lo lang
Thịt lợn ngoại ồ ạt về Việt Nam. Hình minh họa

Nói về tác động của thịt nhập với chăn nuôi lợn trong nước, ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai cho rằng, nhập khẩu thịt là quyền của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu lượng thịt nhập về ồ ạt thời điểm này sẽ gây bất lợi rất lớn cho chăn nuôi trong nước.

Theo ông Đoán, các trang trại khi biết thông tin thịt nhập về nhiều sẽ dễ chán nản, chùn bước trong việc tái đàn tới đây. Mặt khác, nếu lượng thịt nhập khẩu về giá thấp hơn thịt lợn trong nước, người chăn nuôi sẽ thêm phần kiệt quệ.

Ông Đoán đặt vấn đề, liệu 100% nguồn thịt lợn và các sản phẩm thịt lợn có an toàn khi mà khâu kiểm soát của chúng ta vẫn còn yếu, chưa chặt chẽ?

Ông Đoán cho rằng, để giúp ngành chăn nuôi lúc này, cần điều tiết, hạn chế nhập khẩu thịt lợn. “Nếu chúng ta cho nhập ồ ạt, chỉ cần một thời gian nữa, lượng thịt nhập tràn về, không còn cách nào ngăn được, bóp nghẹt ngành chăn nuôi trong nước”- ông Đoán nói.

Ông Nguyễn Xuân Dương, quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết, tổng đàn lợn cả nước khoảng 28 triệu con, số lợn chết, tiêu hủy do bệnh dịch tả lợn châu Phi hiện khoảng 7-8% và khả năng có thể lên đến 10-15%, nên nguy cơ thiếu hụt nguồn thịt lợn vào dịp cuối năm và thời gian tới.

Theo ông Dương, để bù đắp lượng thịt lợn thiếu hụt, ngành chăn nuôi tìm mọi cách để bảo vệ, duy trì đàn lợn còn lại, các trang trại chăn nuôi lớn, trang trại lợn giống, cần sẵn sàng khôi phục đàn khi thuận lợi. Bên cạnh đó, ngành chăn nuôi cũng dần tăng nguồn cung thịt gia cầm, trứng, gia súc và sữa (trâu, bò, dê, cừu…) và thủy sản.

Lãnh đạo Cục Chăn nuôi cho biết, đang tổng kết 10 năm (2008-2018) thực hiện chiến lược chăn nuôi và điều chỉnh chiến lược đến năm 2030, tầm nhìn 2040. Trong đó, sẽ giảm nuôi lợn, tăng nuôi gia cầm, gia súc ăn cỏ, trâu bò, dê, thỏ…Chăn nuôi phải có điều kiện, với sự tham gia của các doanh nghiệp, trang trại lớn nhiều hơn, hộ chăn nuôi chuyên nghiệp.

Nguồn: https://tbck.vn/thit-lon-ngoai-o-at-ve-viet-nam-nganh-chan-nuoi-lo-lang-39838.html