19/01/2025 | 05:52 GMT+7, Hà Nội

Thịt gà tẩm vàng, lươn vỗ béo bằng thuốc tránh thai

Cập nhật lúc: 10/10/2015, 04:43

Hàng loạt công nghệ, chiêu trò lợi dụng các loại thuốc cấm sử dụng trong chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm được phát hiện. Người tiêu dùng cần cảnh giác trước những cách thức kiếm lời này.

Làm tươi thịt từ phân bón

Theo thông tin từ Infonet, công nghệ săm pết không còn quá xa lạ với những người bán thịt, nhất là vào những ngày trời nóng, độ ẩm thấp, thịt dễ bị hư hỏng. Chị Trần Thị Hòa trú tại Lĩnh Nam, Hà Nội tâm sự, cách đây vài hôm, chị mua một miếng thịt ở chợ Mai Động, Hai Bà Trưng, Hà Nội về nhà để nấu cơm tối.

Miếng thịt còn rất tươi. Tuy nhiên khi nấu lên thịt lại rất hôi và có mùi thiu. Chị lấy một phần còn dư lúc trước bỏ vừa bỏ vào tủ lạnh mang ra kiểm tra. Thấy miếng thịt không còn dẻo như mọi khi. Chị nghi nghi nên chia sẻ với bạn bè.

Ảnh minh họa

Ngay sau chia sẻ của chị Hòa, nhiều người cho rằng thịt đó là thịt tồn từ hôm trước hoặc thịt lợn bệnh người bán hàng phù phép để bán cho khách.

Chị Vũ Thị Đông, một người bán thịt ở chợ Tân Mai, cho rằng thịt lợn ôi ngâm trong nước có chứa chút phân đạm là có thể biến đổi màu ngay, sẽ thành tươi ngon.

Mọi người đều cho rằng việc thịt không tươi ngon bị người bán làm hàng như thế này không phải hiếm ở Hà Nội, điều quan trọng là người tiêu dùng biết để tránh và chọn được thịt an toàn cho gia đình mình. Chính vì thế, nhiều bà nội trợ lo lắng thịt đang trở thành độc dược, vì ngoài chất tăng trọng, giờ lại thêm hóa chất săm pết.

Trao đổi với PV, PGS TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện công nghệ thực phẩm – Đại học Bách khoa cho biết, việc người bán hàng ngâm thịt trong chất hay gọi là phân bón là có. Công nghệ săm pết đã tồn tại rất lâu trong ngành thực phẩm vì được phép sử dụng với một liều lượng nhỏ nhất định. Hiện nay hóa chất này bán rất rộng rãi trên thị trường, nhiều người mua về dùng vô tội vạ, coi đó là giải pháp, làm ăn không chân chính.

Từ xa xưa, người ta đã sử dụng KNO3 để bảo quản thịt và các thực phẩm khác. KNO3 về hóa học có thành phần giống như các chất làm phân bón trong nông nghiệp nhưng chức năng khác nhau nên mục đích sản xuất cũng khác nhau. Khi sử dụng KNO3 cho phân bón họ sẽ làm đại trà, không tinh khiết. Còn dùng cho thực phẩm thì KNO3 được sản xuất chặt chẽ hơn. Dù thành phần giống nhau nhưng mục đích sử dụng khác nhau nên nó cũng có chu trình sản xuất khác nhau.

Sử dụng vàng ô trong chăn nuôi có nguy cơ gây ung thư cao

Phòng thanh tra chuyên ngành thuộc Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết trên báo Sức khỏe và Đời sống, đơn vị này vừa phối hợp cùng Cục Chăn nuôi và lực lượng công an điều tra, phát hiện tình trạng sử dụng một loại hóa chất mới trong chăn nuôi rất độc hại có tên vàng ô. Điều này cho thấy diễn biến phức tạp của tình hình an toàn thực phẩm trong thời gian gần đây bất chấp nỗ lực ngăn chặn của cơ quan chức năng.

Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT cho biết, trong đợt thanh tra về chất cấm diễn ra cuối tháng 8 vừa qua, đoàn thanh tra đã phát hiện một số cơ sở sử dụng chất vàng ô để nhuộm màu cho thức ăn chăn nuôi - chủ yếu là thức ăn cho gà. Vàng ô vốn là loại hóa chất nhập khẩu dùng trong công nghiệp nhuộm vải và xây dựng.

Chủ cơ sở chăn nuôi lấy chất này trong ve quét tường  trộn vào thức ăn chăn nuôi - đặc biệt là thức ăn cho gà. Vàng ô không phân hủy mà tồn dư trong cơ thể vật nuôi. Khi con người sử dụng vật nuôi làm thức ăn, vàng ô sẽ tích tụ lại, gây nguy cơ ung thư cao.

Nhiều người tiêu dùng e ngại trước màu sắc vàng của thịt gà

Năm 2014, chất vàng ô cũng đã được phát hiện sử dụng trong chăn nuôi tại Hải Phòng. Thực tế, chất này không có tác dụng tăng trọng mà chỉ có khả năng tạo màu. Khi sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số doanh nghiệp không mua các chất tạo màu sử dụng trong thực phẩm mà lấy chất vàng ô của công nghiệp, xây dựng để trộn vào thức ăn, từ đó tạo màu vàng cho gà trong thời gian vỗ béo. Điều nguy hiểm là khi vật nuôi sử dụng loại thức ăn có trộn vàng ô trong thời gian dài sẽ không bị tẩy trừ.

Qua thực nghiệm trên động vật của Học viện Nông nghiệp I cho thấy, vàng ô có gây tồn dư trong vật nuôi và gây ung thư. Tuy nhiên, việc phát hiện loại chất này sử dụng trong chăn nuôi rất khó. Theo ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra Bộ NN&PTNT, chất này gây tồn dư và thử nghiệm trên động vật cho thấy chất này gây ung thư.

Vỗ béo lươn bằng thuốc tránh thai

Trong vai những người đi tìm hiểu mô hình nuôi lươn, PV báo Lao động được người dân giới thiệu đến nhà ông Hồ Văn Lương, xóm 9, xã Lý Thành (huyện Yên Thành). Anh Trung, con trai ông Lương dẫn chúng tôi vào xem các bể nuôi lươn theo mô hình không bùn.

Có khoảng chục bể xây bằng gạch, bên trong lươn được nuôi với mật độ khá cao. Tương tự hộ ông D ở Hưng Nguyên, lươn ở đây cũng được nuôi bằng cách mua con giống bắt từ ruộng, sau đó cho ăn thức ăn chế biến sẵn từ cá, ốc. Nước được hút từ cái hồ gần đó, yêu cầu phải thay thường xuyên. 

Nuôi lươn không đơn giản đâu, nhiều người cũng về đây học hỏi, xây bể nhưng sau đó phải bỏ”, anh Trung nói. Theo anh Trung con lươn rất dễ bị bệnh, gồm nhiều loại bệnh phức tạp như lở loét, tiêu hóa, đỏ đít, rồi bị gan, đen một vùng trước bụng... Để phòng chữa bệnh cho lươn, anh Trung phải nhập thuốc từ Đà Nẵng về, gồm rất nhiều loại như thuốc sát trùng, thuốc kháng sinh... Thuốc được pha, tạt vào nước trước hoặc sau khi thay bể, hoặc trộn vào thức ăn cho lươn như thuốc tiêu hóa.

Anh Trung bê ra một thùng carton lớn trong đó có nhiều loại thuốc sát trùng, kháng sinh ghi bằng tiếng Việt. “Những loại này đều được phép, không độc, giống như thuốc sát trùng hoặc thuốc tiêu hóa vậy thôi”, anh Trung trấn an.

Bể nuôi lươn và thùng đựng thuốc phòng, trị bệnh cho lươn của hộ ông Hồ Văn Lương, xã Lý Thành (Yên Thành)

Kỹ sư Phan Thị Tư Lan (Trạm Khuyến nông huyện Yên Thành) cho biết, có một số mô hình nuôi lươn tại các xã Thọ Thành, Đô Thành, Lý Thành... năng suất bình quân 40kg/m2 (bể) và nhiều hộ nuôi nhỏ lẻ khác. Lươn nuôi được xuất qua thương lái đi các địa phương như Vinh, Hà Nội...

“Lươn bị bệnh được điều trị bằng thuốc kháng sinh. Những mô hình của trung tâm quản lý thì không sử dụng kháng sinh một tháng trước khi xuất bán. Nhưng hộ dân nuôi nhỏ lẻ thì khó kiểm soát” - bà Lan cho hay. Về chuyện cho lươn uống thuốc tránh thai của người, bà Lan cho rằng đây là điều có thật, nhưng ở bên Trung Quốc, chứ ở Yên Thành thì không có. Bà Lan cho biết, hiện nay trung tâm chưa có cơ chế kiểm tra dư lượng kháng sinh và hóa chất trong thịt lươn nuôi thành phẩm trước khi bán ra thị trường.

Cũng trong vai một người ở Diễn Châu cần học hỏi kỹ thuật nuôi lươn để sao cho “nhanh lớn, mau thu hồi vốn”, chúng tôi được ông N.V.C ở xã Mỹ Thành (Yên Thành) nhiệt tình “tư vấn”: “Phải chọn được giống tốt, giống trong nước hiện nay không có lời, anh đang đặt một tạ lươn giống từ Campuchia, chuyển về bằng máy bay.

Thức ăn cho lươn xay từ cá, trộn với 30% cám công nghiệp. Nhưng để lươn nhanh lớn hơn nữa thì phải có một loại thuốc kích thích đặc biệt, phải mua ở nơi khác”. Ông N.V.C hứa hôm sau gặp trực tiếp sẽ chỉ cho nơi mua và cách sử dụng loại thuốc kích thích “đặc biệt” này.

Thông tin dân nuôi lươn bằng thuốc tránh thai của người được kỹ sư Trần Trung Thành - Trưởng Phòng Kỹ thuật khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông tỉnh Nghệ An)xác nhận: “Tôi đi làm việc tại các mô hình ở Yên Thành, thấy nhiều vỏ vỉ thuốc tránh thai tại các trang trại nuôi lươn, biết chắc là người dân có sử dụng, trộn vào thức ăn cho lươn”.

Về nguyên nhân, kỹ sư Thành giải thích: “Lươn là loài lưỡng tính, lươn đực nhanh lớn hơn lươn cái, nên người dân dùng thuốc tránh thai để ức chế quá trình lươn biến thành lươn cái”.

Kỹ sư Thành cho biết thuốc tránh thai là chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi lươn, vì sẽ không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. “Chúng tôi đã khuyến cáo nhiều lần, nhưng bà con có chấp hành hay không thì không kiểm soát được” - kỹ sư Thành nói./.