20/01/2025 | 18:23 GMT+7, Hà Nội

Thiết kế trụ sở xã, phường Hà Nội: Không phải “mặc đồng phục”

Cập nhật lúc: 02/10/2018, 07:20

Trước những ý kiến trái chiều về thông tin “đồng phục hóa” gần 500 trụ sở xã, phường tại Hà Nội, Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định, việc xây dựng các trụ sở phường xã sẽ dựa trên các tiêu chí để có công năng giống nhau chứ không phải thay “đồng phục”, giống nhau hoàn toàn về mặt kiến trúc.

Hà Nội hiện có 73 phường, xã đang làm việc ở trụ sở tạm, chưa có trụ sở chính. Từ đó, một số quận, huyện có đề xuất xây dựng các trụ sở cho các xã. Tuy nhiên, có nơi đề xuất dự toán 40 - 50 tỷ đồng, nơi chỉ 13 - 14 tỷ đồng. Vì thế, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc cùng các quận huyện rà soát, tính toán lại để đưa ra phương án phù hợp. Việc này nhằm không để tình trạng phòng xây dựng thừa thãi, mà đảm bảo công năng chung trên cơ sở biên chế, xây dựng theo đúng tiêu chuẩn, quy mô.

Trao đổi với báo chí, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết: “TP. Hà Nội không mặc áo chung cho các trụ sở mà là đảm bảo công năng giống nhau. Khi xây dựng dự án, TP. Hà Nội phải lựa chọn vật liệu bền vững, đảm bảo chất lượng lâu dài, tiết kiệm”.

Theo đó, thành phố đã yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc, Sở Xây dựng kiểm tra, để việc xây dựng các trụ sở này có chung một công năng, đảm bảo phục vụ đúng chức năng nhiệm vụ, quy mô hoạt động của xã, phường. Đồng thời, trong quá trình thiết lập hồ sơ để xây dựng các dự án phải tính toán đến vật liệu đảm bảo bền vững.

Dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề xuất các trụ sở xã phường phải đầu tư xây dựng mới theo 3 phương án dựa trên vị trí từng khu vực trong đó phải thống nhất hình ảnh nhận diện, thống nhất về tiêu chuẩn vật liệu, thống nhất diện tích, không trang trí các chi tiết rườm rà...

Một mô hình trụ sở phường, xã được đưa ra lấy ý kiến. Ảnh: HRAP.

Một trong 6 mô hình trụ sở phường, xã được đưa ra lấy ý kiến. Ảnh: HRAP.

Ở khu vực đô thị trung tâm, diện tích tối thiểu là 300m2, mật độ xây dựng tối đa 70%, tầng cao tối đa 6 tầng (kể cả tầng để xe nếu có) theo quy hoạch khu vực cho phép, diện tích tối đa nên trong khoảng 2.000m2.

Ở khu vực đô thị trung tâm mở rộng, các đô thị vệ tinh, thị trấn, nơi mật độ dân cư cao: Ngưỡng diện tích đất phù hợp để xây dựng trụ sở là khoảng 880 đến 3.900m2, mật độ xây dựng khoảng 40%, tầng cao tối đa 5 tầng.

Tại khu vực các xã và thị trấn mật độ dân cư thấp: Ngưỡng diện tích đất phù hợp khoảng 1.530 đến 4.100m2, mật độ xây dựng khoảng 25-30%, chiều cao không quá 3 tầng.

Bên cạnh đó, thiết kế trụ sở có hình khối ngôn ngữ đơn giản mà hiện đại, không trang trí các chi tiết rườm rà và sử dụng vật liệu bền vững phù hợp với điều kiện khí hậu Việt Nam.

Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội Lê Vinh nhấn mạnh, việc đề xuất các phương án trên không phải là đập đi xây lại các trụ sở mà chỉ đưa ra tiêu chuẩn đảm bảo các công năng, phù hợp với điều kiện thực tế, có nhận diện riêng để người dân thuận tiện tìm kiếm. “Mục tiêu của đề án đưa ra mẫu kiến trúc chung theo đúng quy chuẩn của thành phố. Từ đó, khi triển khai xây dựng mới những trụ sở ở cấp xã, phường, thị trấn, thành phố sẽ áp dụng theo mẫu chung này, đảm bảo tính thống nhất”.

Các chuyên gia cho rằng, việc thiết kế mẫu trụ sở xã phường ở Hà Nội là cần thiết không chỉ để phục vụ nhân dân tốt hơn mà còn góp phần xây dựng bộ mặt đô thị hiện đại cũng như chấm dứt sự lộn xộn trong xây dựng công trình công sở…

Bởi hiện tại, việc thiết kế trụ sở các cơ quan chính quyền rất quan trọng với kiến trúc đô thị tuy nhiên vẫn chưa có sự thống nhất, mỗi nơi làm một kiểu. Dẫn đến nơi thừa, nơi thiếu, chưa thực sự đảm bảo công năng, gây phiền hà cho người dân.

Theo các chuyên gia kiến trúc, phương án thiết kế phải hiện đại, hướng tới sự lâu dài, bền vững, khuyến khích các giải pháp tiết kiệm năng lượng và các giải pháp thiết kế thông minh, giải pháp ứng dụng khoa học và công nghệ mới (chiếu sáng, thông gió tự nhiên, quản trị tổ hợp công trình, thông tin liên lạc…) để phục vụ người dân tốt nhất trong công tác hành chính/./