22/11/2024 | 00:28 GMT+7, Hà Nội

Thiết kế nội thất trong thời đại 4.0: Khi khách hàng tự trở thành kiến trúc sư

Cập nhật lúc: 20/08/2018, 23:01

Với nền tảng ứng dụng trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo, người dùng có thể tự sắp xếp đồ nội thất trong nhà và tạo thiết kế riêng cho mình.

Reatimes đã có cuộc trò chuyện với ông Bùi Sỹ Nguyên, Giám đốc điều hành House 3D về xu thế thiết kế trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo - một xu thế mới hiện nay trong lĩnh vực nội thất.

PV: Là một trong những người đi đầu và theo đuổi lĩnh vực trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo, Ông đánh giá thế nào về xu thế mới này tại Việt Nam trong thiết kế và mua sắm nội thất?

Ông Bùi Sỹ Nguyên: Xu thế thiết kế trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo bắt đầu manh nha cách vài năm. Châu Âu và Mỹ là nơi đã tổ chức những hội thảo về ứng dụng công nghệ này trong thiết kế và lĩnh vực nội thất. House3D là nền tảng đầu tiên tại Việt Nam áp dụng hai công nghệ xu thế mới này.

Bản thân tôi là người có hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ và tiếp xúc nhiều với giới kiến trúc sư. Tôi nhận thấy xu thế thiết kế trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo là xu thế tất yếu và quyết định đầu tư, dồn tâm huyết cho nó.

Ông Bùi Sỹ Nguyên.

Ông Bùi Sỹ Nguyên, Giám đốc điều hành House 3D.

PV: Xu thế mới này sẽ tác động ra sao đến các đối tượng tham gia vào thị trường nội thất Việt Nam hiện nay, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Nguyên:Trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo mang lại công cụ nền tảng cho thị trường mà ở đó các đối tượng đều hưởng lợi. Một người thiết kế sẽ có thể hoàn thành bản vẽ của mình nhanh hơn từ 10 – 50 lần so với phương pháp truyền thống.

Người bán đồ nội thất sẽ có cơ hội bán trực tiếp sản phẩm của mình cho khách hàng. Bởi lẽ, nền tảng house3D sẽ cho phép kiến trúc sư sử dụng sản phẩm trực tiếp làm trực quan cho người tiêu dùng nhìn như một phương thức marketing cho công ty nội thất.

Trong quá trình thiết kế, chính kiến trúc sư là người có vai trò đặt các mẫu nội thất thật của các hãng vào các căn hộ một cách trực quan.

Người tiêu dùng cũng nhận được nhiều lợi ích khi họ có cơ hội trải nghiệm, tìm kiếm một nguồn cung đa dạng. Họ có thể lựa chọn và cân nhắc các sản phẩm trong kho nội thất và tìm kiếm câu trả lời: đâu mới là sản phẩm thực sự hợp với căn hộ của mình. Hoặc khách hàng có thể tự sắp xếp đồ nội thất trong nhà và tạo thiết kế riêng cho mình.

PV: Như ông vừa chia sẻ, khách hàng có thể tự sắp xếp đồ nội thất trong nhà và tạo thiết kế riêng cho mình. Liệu có phải trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo sẽ biến mỗi khách hàng trở thành một nhà thiết kế cho căn hộ của riêng mình?

Ông Bùi Sỹ Nguyên: Hiện nay, nền tảng house3D sẽ nhắm tới đối tượng quan trọng đầu tiên là người tiêu dùng trên sự phát triển của công nghệ điện toán đám mây. Chỉ cần ở nhà với một thiết bị đơn giản như máy tính bảng, máy để bàn hay điện thoại di động, khách hàng có cơ hội trải nghiệm thực tế về cách bố trí nội thất trong căn hộ.

Họ có thể tự thiết kế lại ngôi nhà của mình, lựa chọn đặt đồ vật này hoặc khác, của bất kỳ một hãng nội thất nào, xem mức độ phù hợp với sở thích và nhu cầu của mình. Nền tảng house 3D còn cho khách hàng quan sát trực tiếp căn hộ của mình khi nhờ các kiến trúc sư thiết kế.

Tuy nhiên, muốn thiết kế trên nền tảng house 3D phải là đối tượng sinh viên kiến trúc, có hiểu biết căn bản về máy tính, kỹ năng thiết kế cơ bản.

Nhưng tôi tin người dùng vẫn cảm nhận được tính hữu ích khi có cơ hội được tự sắp đặt các nội thất trong nhà… còn tính thẩm mỹ phụ thuộc vào “con mắt” của họ.

PV: Một vấn đề khiến không ít người e ngại khi các đối tượng như nhà phân phối và sản xuất đồ nội thất hay các kiến trúc sư sử dụng nền tảng house 3D với công nghệ trải nghiệm thực tế 3D và thực tế ảo, đó chính là câu chuyện bản quyền. Thưa ông, làm thế nào để giải quyết được bài toán nan giải này?

Ông Bùi Sỹ Nguyên: Đối với các nhà phân phối và sản xuất nội thất, khi họ đưa các sản phẩm của mình công khai thì buộc phải có trách nhiệm với “đứa con” của chính mình. Họ tự chịu trách nhiệm về bản quyền thiết kế của mình.

Tuy nhiên, trong thời gian tới, chúng tôi đang nghiên cứu áp dụng công nghệ blockchain cho việc bảo vệ bản quyền của các bản thiết kế, các mẫu thiết kế và kiểu dụng. Tôi hy vọng điều này sẽ hiện thực hóa trong 1 - 2 năm. Nếu áp dụng công nghệ blockchain thì việc bảo vệ bản quyền gần như là giải pháp triệt để.

PV: Mặc dù ở trên thế giới, trải nghiệm dựa trên 3D và thực tế ảo đã xuất hiện nhưng tại Việt Nam, đó dường như vẫn là thuật ngữ đầy mới mẻ. Ông đánh giá ra sao về sự đón nhận cũng như chuyển biến của thị trường nội thất khi nền tảng house3D xuất hiện?

Ông Bùi Sỹ Nguyên:Tôi đã nhận được nhiều bài học từ các thị trường quan trọng như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản. Khách quan thấy, kể từ khi áp dụng công nghệ này, sự chuyển biến của thị trường nội thất rất thần tốc. Nó gần như ảnh hưởng ngay tức thì đến thị trường, Vì vậy, tôi tin tưởng tại Việt Nam, mức độ thâm nhập của công nghệ này sẽ lớn, tác động tới các đối tượng như kiến trúc sư, nhà sản xuất và phân phối nội thất, người tiêu dùng.

PV: Vậy xu thế mới này có phải là một phần của cuộc cách mạng 4.0, thưa ông?

Ông Bùi Sỹ Nguyên: Một trong những chủ đề quan trọng của cuộc cách mạng 4.0 đó là vừa có mô hình thông minh, vừa có mạng xã hội, vừa có thiết bị di động, vừa có sự phân tích và cuối cùng là xu hướng điện toán đám mây. Với xu thế mới này, người dùng chỉ cần ứng dụng công nghệ điện toán đám mây và thiết bị phần cứng rất rẻ tiền thay vì sử dụng máy tính đắt tiền và cồng kềnh.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Công nghệ thực tế ảohay còn gọi làthực tại ảo(tiếng Anh làvirtual reality, viết tắt làVR) là thuật ngữ miêu tả mộtmôi trườngđược giả lập bởi con người. Các môi trường giả lập này là hình ảnh do con người chủ động thiết kế qua các ứng dụng phần mềm chuyên dụng, được hiển thị trên màn hình máy tính hoặc thông qua kính thực tại ảo nhằm đem lại những trải nghiệm thực tế nhất cho người xem như họ đang ở trong chính không gian đó. Để gia tăng tính trải nghiệm môi trường, các môi trường giả lập đều được tích hợp thêm giác quan khác như thính giác (âm thanh).