19/01/2025 | 15:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường văn phòng Hà Nội đổi xu hướng mới sau Covid-19

Cập nhật lúc: 21/10/2020, 13:30

Thị trường văn phòng tại Hà Nội được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt vào cuối năm 2021 đến đầu năm 2022. Trong đó, văn phòng chia sẻ (co-working space) sẽ có sự bành trướng.

Theo ông Lê Tuấn Bình, Trưởng bộ phận Cho thuê thương mại Savills Hà Nội, Việt Nam vẫn là điểm đến tốt nhất trong khu vực châu Á trong dài hạn. So với các thành phố lớn trong khu vực châu Á Thái Bình Dương, thị trường văn phòng tại Hà Nội vẫn được kỳ vọng có tốc độ phục hồi nhanh sau đại dịch, đặc biệt là vào nửa cuối năm 2021 cho đến đầu năm 2022 với nhiều dự án mới đi vào hoạt động và sự mở rộng danh mục đầu tư vào thị trường Việt Nam của các doanh nghiệp nước ngoài lớn.

Đại diện Savills Hà Nội cũng dự báo, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thu hút nguồn FDI lớn và nằm trong top 5 tỉnh, thành phố có lượng FDI cao nhất cả nước với việc được Chính phủ xác định là địa phương đi đầu trong việc phục hồi kinh tế sau đại dịch. Một số ngành được kỳ vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ trong thời điểm này gồm có: Thương mại điện tử, tài chính, ngân hàng, logistics và công nghệ thông tin.

Dự báo đến năm 2022, Hà Nội sẽ cho ra thị trường khoảng 192.000m2 từ 17 dự án gia nhập, với phần lớn nguồn cung thuộc hạng A và nằm ở khu vực nội thành.

Các dự án đáng chú ý bao gồm Century Tower ra mắt trong quý IV/2020, Vinfast Tower và BRG Grand Plaza ra mắt trong năm 2021, Lotte Mall Hà Nội ra mắt trong năm 2022. Cùng với đó, ngày càng có nhiều diện tích văn phòng tại khối đế các tòa chung cư. Nguồn cung tương lai đáng kể có thể khiến công suất thuê trung bình giảm đi trong hai năm tới.

Ông Bình cho rằng, trong thời gian này, thị trường cần thêm các yếu tố tạo động lực phát triển đến từ chủ nhà và khách thuê, liên quan đến các điều khoản và chính sách ưu đãi.

Đơn cử, trong trường hợp khách thuê muốn có thêm các chiết khấu và giảm giá thuê trong dài hạn, khách thuê cần có những động thái sớm để cam kết thời hạn thuê dài hơn, đảm bảo công suất thuê của tòa nhà, đồng thời giảm thiểu rủi ro cho phía chủ nhà trong quá trình cho thuê.

Đáng chú ý, sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, các doanh nghiệp “phình” nhân sự để tăng trưởng trở lại, song tài chính chưa đủ lớn nên các không gian làm việc chia sẻ sẽ được cân nhắc lựa chọn. Theo đó, co-working space trở thành sự lựa chọn hàng đầu.

Co-working space trở thành sự lựa chọn hàng đầu của các doanh nghiệp hậu Covid-19.

Với mặt bằng văn phòng truyền thống, người thuê phải ký 1 - 2 năm, có tiền cọc với thời hạn thanh toán 3 tháng một lần. Chi phí trung bình chỗ ngồi cố định là 2,5 - 3 triệu đồng một người một tháng và chỉ còn 1 - 1,2 triệu đồng nếu thuê chỗ ngồi linh động. Hiện các co-working space nhận được khá nhiều yêu cầu thuê theo tháng cho những doanh nghiệp 2 - 6 người. Theo quan sát trên thị trường, tăng trưởng của nhóm khách hàng này khoảng 10%, không quá nhiều nhưng có thể trở thành xu hướng mới. Đặc biệt, khách thuê có thể tiết kiệm đến 90% chi phí nếu chuyển từ không gian làm việc truyền thống sang không gian làm việc linh hoạt. Như vậy, hậu Covid-19 cũng đặt ra bài toán mới nhiều thay đổi cho không gian làm việc.

Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam cho rằng, sau dịch bệnh, thị trường văn phòng có thể được định hình lại từ các xu hướng mới. Theo đó, khách thuê có thể sẽ đề cao các phương pháp làm việc linh hoạt hơn như thuê không gian làm việc chung hoặc phân bổ nhân lực ra nhiều văn phòng tại nhiều khu vực khác nhau trên địa bàn thành phố.

Với xu hướng này, việc 80% số công ty tại Việt Nam muốn sử dụng không gian làm việc chia sẻ là hoàn toàn hợp lý, bởi họ có thể linh hoạt trong bố trí cách làm việc, mở rộng được không gian cho nhân viên và tiết giảm được chi phí.

Bên cạnh đó, thị trường văn phòng sẽ có những chuyển biến nhất định. Nguồn cung văn phòng Hà Nội cũng như TP.HCM đang ngày càng đi xa khỏi trung tâm. Ở Hà Nội đã hình thành 3 khu vực trọng điểm của thị trường văn phòng: khu vực trung tâm Hoàn Kiếm, Đống Đa - Ba Đình và khu vực phía Tây. 

Trong 2021 và những năm kế tiếp, thị trường sẽ xuất hiện những dự án nằm ngoài 3 khu vực truyền thống này. Tại TP.HCM, xu hướng này đã diễn ra và các dự án nằm ngoài khu vực truyền thống đều thu hút được đối tượng khách thuê thuộc ngành thương mại điện tử, công nghệ thông tin. Đây là những ngành nghề không nhất thiết nằm tại khu vực trung tâm mà thường nằm gần tuyến đường cao tốc, quốc lộ, gần khu vực cảng biển, sân bay… tiện cho vấn đề liên quan đến kho vận, logistics… Vì thế, đây có thể là xu hướng cho những năm tiếp theo tại Hà Nội.

Bà An nhận định thêm: “Trên cơ sở 3 quý đã qua của năm 2020, chúng tôi cho rằng từ nay đến cuối năm sẽ ít có thay đổi lớn. Trong quý IV, chúng ta có thể có thêm một số nguồn cung mới, nâng tổng số căn hộ được chào bán ra thị trường lên 15.000 căn. Tuy nhiên, con số này chỉ bằng khoảng 50% so với năm 2019 cũng như các năm 2018, 2017. Với các phân khúc khác như thị trường văn phòng, bán lẻ… những tháng cuối năm cũng sẽ đón thêm nguồn cung mới. Do dịch bệnh, thị trường văn phòng, bán lẻ đang gặp rất nhiều khó khăn. Giá thuê điều chỉnh theo hướng sụt giảm. Và từ giờ đến cuối năm, mặt bằng giá thuê có thể sẽ vẫn duy trì như thế”./.