19/01/2025 | 12:08 GMT+7, Hà Nội

Thị trường TPDN: Tăng trưởng mạnh về lượng nhưng chưa có nhiều bước tiến về chất

Cập nhật lúc: 27/03/2022, 06:20

Quy mô thị trường TPDN tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây, chiếm 16,6% GDP của Việt Nam. Tuy nhiên, theo đánh giá, dù tăng trưởng mạnh về lượng nhưng thị trường này chưa có nhiều bước tiến về chất.

Mới đây, tại Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp năm 2021, Trung tâm Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) đã có những phân tích sâu về sự tăng trưởng của nhóm ngành này.

Theo đó, trong năm 2021, các doanh nghiệp đã phát hành 723.000 tỷ đồng trái phiếu, tăng 56% so với năm 2020. Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng bình quân 46%/năm trong 5 năm gần đây và đã chiếm 16,6% GDP của Việt Nam.

Số trái phiếu phát hành ròng 2021 (lượng phát hành trừ đi lượng đáo hạn và mua lại trước hạn) ước tính là 438.000 tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng năm 2020.

Tổng lượng trái phiếu lưu hành tại cuối năm 2021 ước tính khoảng 1,39 triệu tỷ đồng, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 46%/năm trong giai đoạn từ 2017 - 2021. Quy mô thị trường cũng đã tăng mạnh từ 4,93% GDP (2017) lên tới 16,6% GDP (2021).

Quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp

"Trái phiếu ngân hàng đang dần thu hẹp tỷ trọng trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp đang lưu hành", báo cáo cho hay. Cụ thể, các ngân hàng phát hành tổng cộng 226.000 nghìn tỷ đồng - chiếm 31,3% tổng lượng trái phiếu và tăng 73% so với năm 2020 một phần để bù đắp lượng mua lại trước hạn lên tới 67.000 tỷ đồng.

Tổng số ngân hàng đang lưu hành tại cuối năm 2021 ước khoảng 540.000 tỷ đồng, chiếm 39% quy mô thị trường - thấp hơn rất nhiều so với mức 48% tại cuối năm 2018. Điều này đồng nghĩa với quy mô thị trường trái phiếu phi ngân hàng đang tăng nhanh, ước khoảng 854.000 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2021 - gấp 3,4 lần cuối năm 2018 và chiếm khoảng 10,2% GDP.

Cơ cấu phát hành trái phiếu doanh nghiệp năm 2021

Không chỉ bị thu hẹp tỷ trọng, ngân hàng cũng đang giảm dần vai trò trong thị trường trái phiếu doanh nghiệp, đi cùng với lãi suất kém hấp dẫn. Trên thị trường sơ cấp, các ngân hàng và công ty chứng khoán vẫn là những nhà đầu tư lớn nhất khi mua tổng cộng 373.000 tỷ đồng - chiếm 52% tổng số phát hành năm trước.

Trong phạm vi 15 ngân hàng thương mại SSI Research theo dõi với tổng dư nợ tín dụng chiếm khoảng 75% thị phần tín dụng toàn hệ thống (không tính Agribank), tổng số dư trái phiếu các tổ chức kinh tế mà các đơn vị này đầu tư tại 31/12/2021 là khoảng 214.000 tỷ đồng, tăng 17% so với cuối năm 2020.

SSI đánh giá, việc các ngân hàng đang thu hẹp vai trò ở cả khía cạnh tổ chức phát hành và nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy sự tăng trưởng thực chất của thị trường này với định hướng dần trở thành kênh dẫn vốn trung và dài hạn thay thế cho kênh tín dụng.

Về cơ cấu, các doanh nghiệp bất động sản vẫn là nhóm phát hành nhiều nhất, tổng cộng 318.200 tỷ đồng trong năm 2021 - chiếm 44% tổng lượng phát hành và tăng 66,3% so với năm 2020. Ngoài ra, theo đánh giá của SSI Research, trái phiếu bất động sản vẫn là nhóm lãi suất hấp dẫn nhất thị trường. 

Nhóm các doanh nghiệp bất động sản phát hành trên 5.000 tỷ đồng trái phiếu trong năm 2021

Theo đánh giá, nhóm trái phiếu bất động sản có lãi suất duy trì ở mức cao trong cả 3 năm gần đây (10,3 - 10,6%), trong bối cảnh mặt bằng lãi suất giảm thấp thì mức giảm của nhóm này vẫn nhỏ nhất và một phần đến từ kỳ hạn phát hành ngắn hơn (0,33 năm). Nhu cầu huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu của các doanh nghiệp ngành này ngày càng tăng do khó tiếp cận tín dụng ngân hàng hơn.

Số lượng các doanh nghiệp bất động sản phát hành tăng từ 141 doanh nghiệp năm 2020 lên 193 doanh nghiệp trong năm 2021. Để hấp dẫn nhà đầu tư khi mà chất lượng tài sản đảm bảo không cao, nhóm này phải duy trì lãi suất phát hành tốt hơn các nhóm khác.

Bên cạnh đó, trái phiếu đảm bảo bằng cổ phiếu và không có tài sản đảm bảo vẫn chiếm hơn một nửa. Gần như toàn bộ 226.000 tỷ đồng trái phiếu ngân hàng và 28.500 tỷ đồng trái phiếu các định chế tài chính khác (chủ yếu là công ty chứng khoán) phát hành trong năm 2021 đều không có tài sản đảm bảo. 

Cũng theo báo cáo, trong năm 2021, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua tổng cộng 48.200 tỷ đồng trái phiếu sơ cấp, tăng 288% so với lượng mua năm 2020. Nếu loại trừ số trái phiếu phát hành quốc tế, số nội địa mà nhóm này mua năm qua là 8.000 tỷ đồng - tăng 80% so với năm 2020. Mặc dù lượng mua vẫn khá nhỏ bé, chỉ chiếm 6,7% lượng phát hành cả năm nhưng đã tăng đáng kể so với tỷ trọng chỉ 2,7% trong năm 2020 cho thấy sức hấp dẫn của thị trường này.

Về dự báo cho năm 2022, nhóm nghiên cứu SSI Research kỳ vọng thị trường trái phiếu vẫn có tiềm năng tăng trưởng tốt do cả cung và cầu duy trì ở mức cao nhưng có thể bị tác động mạnh bởi 4 yếu tố cơ bản: Một là các thay đổi về pháp lý; Hai là lãi suất phát hành trái phiếu có thể nhích tăng; Ba là vai trò của các ngân hàng sẽ tiếp tục thu hẹp và thứ tư là hoạt động xếp hạng tín nhiệm có nhiều tiềm năng phát triển.

"Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm 2022 có thể tăng nhẹ 20 - 25bps nên chênh lệch lãi suất kênh trái phiếu so với kênh tiền gửi vẫn duy trì ở mức hấp dẫn, nhu cầu đầu tư thị trường này vẫn cao", SSI Research dự đoán.

Mặt khác, số đáo hạn năm nay ước khoảng 266.000 tỷ đồng, tăng 39% so với năm 2020 và chiếm khoảng 19% lượng đang lưu hành. Nhu cầu phát hành để đảm bảo vòng quay vốn của các doanh nghiệp khá cao. Cùng với đó, hoạt động sản xuất kinh doanh được kỳ vọng sẽ sôi động hơn 2021 khi nền kinh tế đang mở cửa trở lại sau đại dịch. Bởi vậy, theo SSI Research, nguồn cung trái phiếu dự kiến vẫn rất dồi dào./.

Nguồn: https://reatimes.vn/thi-truong-tpdn-tang-truong-manh-ve-luong-nhung-chua-co-20201224000010743.html