22/11/2024 | 08:15 GMT+7, Hà Nội

Thị trường tài chính tiêu dùng vẫn còn những mảnh đất mới để khai phá

Cập nhật lúc: 01/04/2021, 06:26

Tài trợ chuỗi cung ứng hay cho vay đối tượng sinh viên là những gợi mở được TS. Cấn Văn Lực đưa ra hướng đến sự đa dạng hóa hoạt động, sản phẩm của các công ty tài chính.

TS. Cấn Văn Lực nhận định tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.
TS. Cấn Văn Lực nhận định tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.

10 năm, dư nợ cho vay tăng 33,7%

Ngày 25/3/2021, tại trụ sở Báo Đầu tư - 47 Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội sẽ diễn ra Tọa đàm thường niên năm thứ 5 về tài chính tiêu dùng nhìn lại chặng đường phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng sau hơn 10 năm phát triển. Hoạt động cho vay tiêu dùng thực tế không phải chỉ mới xuất hiện trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Theo TS. Cấn Văn Lực – Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách Tài chính - Tiền tệ Quốc gia & Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, từ sự sụp đổ của các quỹ tín dụng nhân dân gắn với đại án liên quan đến ông chủ nước hoa Thanh Hương Nguyễn Văn Mười Hai hồi năm 1990, tín dụng tiêu dùng đã bắt đầu xuất hiện. Nhưng giai đoạn phát triển thăng hoa lại là trong hơn 10 năm qua.

Số liệu từ Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN cho biết tăng trưởng cho vay tiêu dùng bình quân giai đoạn 2010-2020 đạt 33,7%, trong khi tốc độ tăng dư nợ tín dụng chung toàn nền kinh tế đạt 17,3%.

“Trong xu thế nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng cao, với việc triển khai đồng bộ các giải pháp nêu trên đã giúp tăng trưởng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng trong 10 năm qua luôn cao hơn tăng trưởng dư nợ cho vay chung toàn nền kinh tế”, bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - NHNN nhận định.

Tỷ trọng dư nợ cho vay phục vụ nhu cầu đời sống, cho vay tiêu dùng cũng đã tăng từ 8,17%/dư nợ nền kinh tế năm 2010 lên trên 20%/dư nợ nền kinh tế năm 2020. Con số này thực tế bao trùm cả khoản tín dụng tiêu dùng trong lĩnh vực bất động sản.

Theo quy định từ năm 2019 và cũng theo thông lệ của nhiều quốc gia, nếu thực hiện bóc tách tín dụng nhà ở, con số này thực tế chỉ  chiếm 8,7% tổng dư nợ nền kinh tế. Với mức tỷ trọng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng các công ty tài chính vẫn còn dư địa lớn.  Khi quy mô tài chính tiêu dùng còn khiêm tốn trong khi triển vọng phục hồi, tăng trưởng kinh tế (6,5-7% giai đoạn 2021-2030), tăng thu nhập của người dân (khoảng 6%/năm đến năm 2030) là tương đối khả quan, tiềm năng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng là rất lớn.

Đã đến lúc các công ty tài chính phải thay đổi chiến lược kinh doanh

Cũng theo ông Lực, thị trường tài chính tiêu dùng thời gian tới sẽ đứng trước bối cảnh mới với một loạt kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5-10 năm, hành vi khách hàng thay đổi, chuyển đổi số rất mạnh. Khung pháp lý liên quan đến ngành ngân hàng cũng có thể có một số thay đổi. Ông Lực cho biết các chuyên gia đang kiến nghị NHNN sửa đổi một số luật gồm Luật các tổ chức tín dụng năm 2017 bởi những thay đổi trước đây chủ yếu nhằm luật hóa hoạt động cơ cấu lại tổ chức tín dụng trong khi nhiều hoạt động mới chưa được quy định. Ngoài ra, giai đoạn tới luật NHNN và luật bảo hiểm tiền gửi cũng có thể được sửa đổi.

Dự báo thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam, ngoài thuận lợi từ tiềm năng thị trường, TS. Cấn Văn Lực cho rằng thị trường này còn đón nhận những thuận lợi khi Chính phủ đã có và sẽ tiếp tục một số gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế năm 2021 hay chủ trương phát triển lành mạnh thị trường tài chính tiêu dùng, qua đó góp phần kích cầu tiêu dùng, giảm tín dụng đen.

Thứ ba, nhu cầu, định hướng phát triển đẩy mạnh ngân hàng bán lẻ, trong đó có tín dụng cá nhân của các tổ chức tín dụng cùng với định hướng phát triển, đa dạng hóa sản phẩm của các công ty tài chính sẽ giúp thị trường tài chính tiêu dùng có động lực phát triển mạnh mẽ hơn.  Theo TS. Cấn Văn Lực, một số mảng như tài trợ chuỗi cung ứng hiện vẫn là sân chơi riêng của các ngân hàng nhưng tương lai có thể là mảnh đất mới các công ty tài chính hiện vẫn chưa tham gia vào. Hay các đối tượng sinh viên hiện chủ yếu vay qua ngân hàng chính sách mà chưa hề nghĩ đến  vay công ty tài chính để đầu tư phát triển cho tương lai.

Một thuận lợi khác của thị trường này là văn hóa tiêu dùng, vay mượn của người dân ngày càng thay đổi. Quá trình chuyển đổi số mạnh mẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thị trường tài chính tiêu dùng phát triển.

Ở chiều ngược lại, lĩnh vực tài chính tiêu dùng cũng đối mặt với thách thức khi chất lượng tài sản giảm trước khó khăn chung của cả nền kinh tế. Nguy cơ mất việc, giảm sút thu nhập do ảnh hưởng của các yếu tố bên ngoài như dịch bệnh, thiên tai … dẫn tới các cá nhân, hộ gia đình có tâm lý tiết kiệm, hạn chế chi tiêu, khiến cho nhu cầu vay tiêu dùng giảm trong ngắn hạn. Đồng thời, phân khúc chính của các công ty tài chính còn là đối tượng dễ tổn thương dẫn tới năng lực trả nợ suy giảm và nguy cơ nợ xấu gia tăng.

Thêm đó, mặt bằng lãi suất cho vay có xu hướng giảm do cạnh tranh để thu hút khách hàng và nhu cầu vay giảm khiến thu nhập ròng từ lãi có nguy cơ bị thu hẹp. Cùng áp lực phải tăng chi phí dự phòng rủi ro có thể khiến lợi nhuận kinh doanh kém khả quan hơn. Thách thức thứ ba đến từ khung pháp lý ngày càng theo hướng chặt chẽ, thận trọng hơn, có thể góp phần lành mạnh hóa thị trường TCTD, nhưng cũng sẽ có ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động của các công ty. Điển hình như việc áp dụng quy định Thông tư 18/2019 đã giảmtỷ lệ cho vay tiền mặt tối đa giảm từ 70% hiện nay xuống còn 30% đến năm 2024, trong khi đây lại là hoạt động chính và nguồn thu quan trọng của các công ty.   

Thứ tư, một áp lực cạnh tranh khác cũng gia tăng do ảnh hưởng của xu hướng bùng nổ các mô hình kinh doanh mới (Fintech và cho vay ngang hàng – P2P lending). Nhưng chiều ngược lại, đây cũng là cơ hội để các CTTC học hỏi, hợp tác, phát triển công nghệ để thu hút khách hàng, giữ vững và phát triển thị phần.

Hành vi và xu hướng tiêu dùng của khách hàng được dự báo thay đổi mạnh sau đại dịch cũng sẽ định hình lại hoạt động và chiến lược kinh doanh của các công ty tài chính.

Theo các nghiên cứu gần đây, xu hướng tiêu dùng của người dân đã có những thay đổi đáng kể theo hướng tiết kiệt hơn, chú trọng nhiều hơn đến nhu cầu thiết yếu (như chăm lo sức khỏe, y tế, môi trường và lối sống lành mạnh hơn…). Cùng đó, công nghệ số, thương mại điện tử, mua sắm trực tuyến trở nên phổ biến hơn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và tiêu dùng của người dân.

TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh rằng đã đến lúc các công ty tài chính phải thay đổi chiến lược kinh doanh. Sự thay đổi hành vi, quá trình chuyển đổi số, áp lực cạnh tranh cùng chính nhu cầu nội tại để tiết kiệm chi phí đặt ra yêu cầu điều chỉnh hoạt động và chiến lược kinh doanh đối với các công ty tài chính nói riêng và xu hướng phát triển thị trường tài chính tiêu dùng nói chung.

Nguồn: https://baodautu.vn/thi-truong-tai-chinh-tieu-dung-van-con-nhung-manh-dat-moi-de-khai-pha-d139986.html?fbclid=IwAR1wupN9FB1LsBw34JBZRyqNO0_9LkroMn6kLLhI_c9JI6Ojoz49qJ9Xc90