19/01/2025 | 09:42 GMT+7, Hà Nội

Thị trường mặt bằng bán lẻ khởi sắc sau chuỗi ngày ảm đạm

Cập nhật lúc: 16/07/2019, 06:00

Trong quý II/2019, thị trường chứng kiến sự sụt giảm nguồn cung của một số phân khúc, tuy nhiên mặt bằng bán lẻ lại dẫn đầu về khả năng tăng giá, trong đó TP.HCM dẫn đầu về diện tích và giá thuê.

Thị trường bán lẻ chào đón nhiều nguồn cung mới

Theo ghi nhận của CBRE, nửa đầu năm 2019 tại thị trường Hà Nội có 4 dự án trung tâm thương mại đi vào hoạt động tại các vị trí mới ở khu ngoài trung tâm. Do đó, tổng nguồn cung thị trường bán lẻ Hà Nội tăng thêm khoảng 65.700m2 và đạt hơn 930.000m2.

2 dự án mới đi vào hoạt động là Vincom Plaza Skylake và Vincom Center Trần Duy Hưng nằm tại khu vực tập trung nhiều dự án bán lẻ tại thị trường Hà Nội - khu phía Tây và Đống Đa - Ba Đình - chiếm khoảng hơn 60% tổng nguồn cung trên thị trường. Hai dự án còn lại là Sun Plaza Ancora và Sun Plaza Thụy Khuê cung cấp thêm 29.900m2 NLA lần lượt vào khu vực phía Nam và phía Bắc của Hà Nội.

Dự kiến trong nửa cuối năm 2019, Aeon Mall Hà Đông và FLC Twin Towerssẽ đi vào hoạt động, bổ sung thêm 80.800m2 bán lẻ vào thị trường.2 dự án này được dự báo sẽ củng cố hơn nữa vị trí dẫn đầu của nguồn cung thị trường bán lẻ Hà Nội tại khu Đống Đa - Ba Đình và phía Tây.

Giá thuê và tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ tại thị trường Hà Nội quý II/2019

Giá thuê và tỷ lệ trống mặt bằng bán lẻ tại thị trường Hà Nội quý II/2019

Cũng trong quý II, giá thuê tầng trệt được ghi nhận tăng nhẹ tại khu trung tâm, đạt 100,7 USD/m2/tháng, tăng 1,6% theo năm và 0,7% theo quý. Do không có nguồn cung mới dự kiến đi vào hoạt động tại khu vực này năm 2019, giá chào thuê trung bình dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, trong khi tỷ lệ trống duy ở mức thấp dưới 2%.

Bên cạnh đó, giá thuê trung bình tầng trệt ở khu vực có nguồn cung lớn nhất thị trường - Đống Đa - Ba Đình và phía Tây - tăng đạt 31 USD/m2/tháng, tương đương tăng 6,2% theo năm khi thị trường đón nhận thêm nguồn cung có chất lượng từ chủ đầu tư uy tín tại khu vực này.

Tỷ lệ trống khu Đống Đa - Ba Đình và phía Tây đạt mức 8,3% tương đương giảm 5,6% theo năm và 1,1% theo quý. Giá thuê tầng trệt khu vực ngoài trung tâm khác tăng 3,4% theo năm và đạt 25 USD/m2/tháng trong khi tỷ lệ trống tăng 2,7 điểm% theo năm và đạt mức 9,4% với hai dự án mới, Sun Plaza Ancora và Sun Plaza Thụy Khuê.

Trong khi đó tại TP.HCM, tổng nguồn cung mặt bằng bán lẻ đạt hơn 1,050 triệu mét vuông, đến từ 58 dự án bán lẻ. Đây là thành phố có diện tích bán lẻ nhiều nhất Việt Nam. Chỉ tính riêng trong quý II vừa qua, TP.HCM có thêm 47.179m2mặt bằng bán lẻ từ 1 dự án mới (TNL Plaza, Q.4) và 1 dự án mở rộng (Aeon Celadon City, Q.Tân Phú).

Dự báo trong nửa cuối năm 2019, thị trường bán lẻ TP.HCM sẽ chào đón thêm 4 dự án mới với tổng diện tích cho thuê trên 130.000m2. Đối với những dự án được chờ đợi sẽ khai trương vào năm 2020 trở đi, đã có trên 363.000m2diện tích bán lẻ đang xây dựng. Thị trường sẽ trở nên cạnh tranh hơn, tại khu trung tâm cũng như khu ngoài trung tâm.

Tuy nhiên, CBRE nhận thấy có một sự trì hoãn ngắn hạn tại một vài dự án đang xây dựng và vì thế, nguồn cung hoàn thành trong năm nay sẽ thấp hơn so với dự đoán trước đây. Tỷ lệ trống trung bình, cũng vì thế, dự đoán sẽ vẫn thấp hơn 10% (thấp hơn con số dự đoán trước đây là 15%). Giá chào thuê được kỳ vọng sẽ tăng 2 - 3% trong nửa sau của năm 2019.

Sự thay đổi về hành vi mua sắm sẽ định hình lại tương lai của thị trường bán lẻ

Về nguồn cầu nói chung, thị trường bán lẻ Việt Nam dưới tác động của việc thay đổi hành vi mua sắm của giới trẻ được kỳ vọng sẽ thay đổi và định hình lại tương lai của ngành này. Các trung tâm thương mại mới nên có thiết kế hiện đại, tập trung vào mang đến trải nghiệm cho khách hàng trong khi đó cũng nên đầu tư vào công nghệ trong dịch vụ giao hàng và các kênh online.

Sự kết hợp giữa chiến lược bán lẻ trực tuyến (online) và truyền thống (offline) được dự báo sẽ tiếp tục diễn ra trong tương lai gần, góp phần làm tăng doanh thu bán lẻ cũng như thu hút khách hàng tiềm năng.

6 tháng cuối năm, thị trường bán lẻ sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới.

6 tháng cuối năm, thị trường bán lẻ sẽ có thêm nhiều nguồn cung mới.

Ông Desmond Sim, trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường CBRE Đông Nam Á cho hay, doanh thu bán lẻ tại Việt Nam tăng liên tục từ 2010 - 2019 và vẫn đang tăng trưởng khá cao so với các quốc gia khác trong khu vực. Bên cạnh đó, niềm tin, tín nhiệm của người tiêu dùng tại Việt Nam đang tăng lên. Sức mua của Việt Nam đang cải thiện, GDP trên đầu người tăng trưởng hàng năm trên 7%. Đó là tín hiệu tích cực cho thấy thị trường đang sôi động. Đặc biệt, du lịch Việt Nam đang tăng, khách du lịch sẵn sàng chi trả cho các mặt hàng tại Việt Nam.

Ông Desmond cho hay: “Nhiều thương hiệu quốc gia khác đang tới mở rộng tại Việt Nam. Với sự tham gia của các thương hiệu lớn cho thấy thị trường Việt Nam đang có nhiều tiềm năng, khai thác thế mạnh tiêu dùng tại Việt Nam.

Hơn nữa, tại Việt Nam, chi phí giá thuê vừa phải không đắt đỏ so với Singapore, điều này là lợi thế. Tuy nhiên so với một số nơi như Jakarta (Indonexia) lại đắt hơn nên vẫn gặp phải cạnh tranh”.

Trong tương lai, Việt Nam cũng cần phải lo lắng xem thế hệ trẻ có xu hướng tiêu dùng, cách thức sử dụng công nghệ ra sao khi mua sắm? Bởi thế hệ trẻ dùng nhiều thời gian lên mạng tra cứu về sản phẩm, đây là thế hệ ủng hộ nền kinh tế chia sẻ mạnh mẽ.

Đây là xu hướng trong tương lai và ảnh hưởng đến rất nhiều đến các lĩnh vực khác. Thế hệ này không muốn xếp hàng, đợi chờ, họ quan tâm đến tốc độ, tiện ích, trải nghiệm nên thương mại điện tử có thể nắm bắt được cơ hội này.

“Nếu có thể sáng tạo việc trải nghiệm thực tế khi mua sắm trên trực tuyến như mặc được đồ, xem được sản phẩm thì các cửa hàng truyền thống có thể bị đe doạ. Để có thể thúc đẩy thương mại điện tử phát triển chúng ta phải đẩy được nhiều hơn việc người dùng thẻ tín dụng để thanh toán”, ông Desmond nhận định.

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/thi-truong-mat-bang-ban-le-khoi-sac-sau-chuoi-ngay-am-dam-37553.html