Thị trường linh kiện điện thoại: Nhập nhèm cũ - mới
Cập nhật lúc: 04/12/2018, 19:00
Cập nhật lúc: 04/12/2018, 19:00
Vấn đề đặt ra là làm thế nào mà các cơ sở này lại có "kho" linh kiện, phụ kiện lớn đến thế để đáp ứng nhu cầu sửa chữa của người dùng, đặc biệt là khi tất cả đều được quảng cáo là linh kiện chính hãng?
Khảo sát qua thị trường sửa chữa thiết bị linh kiện điện thoại, ập vào nhãn quan người xem là vô số những tên tuổi từ quen thuộc đến mới lạ những cửa hàng, chi nhánh sửa chữa. Đơn vị nào cũng hô hào có giá tốt nhất, linh kiện nguồn gốc chính hãng, chương trình bảo hành rõ ràng nhất, đặc biệt là rất nhiều những ưu đãi, khuyến mãi đi kèm.
Tuy nhiên, đang có sự chênh lệch đáng kể về chi phí thay thế, sửa chữa tại các cửa hàng. Cụ thể, ngẫu nhiên lựa chọn dịch vụ thay màn hình iPhone 6, 6 Plus, 6S, 6S Plus tại 3 cơ sở là Mobile City, Thành Trung Mobile, Sửa chữa smartphone 24h thì cho ra những mức giá hoàn toàn khác biệt.
Sửa chữa Smartphone24h là đơn vị có giá khá cao, thấp nhất đối với iPhone 6 là 1.050.000 cho việc thay thế màn hình, giá cao dần cho các dòng điện thoại cao hơn, cao nhất là iPhone 6Plus - chi phí thay màn hình lên tới 2.650.000 đồng.
Trong khi đó tại Thành Trung Mobile chi phí dao động từ 650.000 (iPhone 6) -1.600.000 đồng cho iPhone 6S Plus. Còn tại Mobile City dao động từ 650.000 - 1.500.000 đồng cho dịch vụ này.
Tất cả đều đi kèm các chương trình khuyến mãi hấp dẫn. Nhưng với việc cùng khẳng định là sản phẩm chính hãng thì sự chênh lệch lớn về giá như vậy đặt ra câu hỏi: Doanh nghiệp nào đang lừa dối khách hàng? Bởi lẽ, sẽ không có doanh nghiệp nào chịu lỗ mà chấp nhận bán và sửa chữa với giá thấp hơn cả giá gốc, chỉ là lãi ít hay nhiều mà thôi.
Đặt ra giả sử là doanh nghiệp có chi phí thấp nhất đang bán với giá gần với giá gốc nhất thì các đơn vị khác phải chăng đang “ăn lãi” quá cao khi mà giá thành cao gấp rưỡi, có khi là gấp đôi so với mặt bằng chung?
Tuy nhiên, còn một giả thuyết khác, đó là doanh nghiệp đang trà trộn hàng kém chất lượng, thật giả lẫn lộn nên mới có được mức giá phải chăng đến thế giữa “ma trận” giá.
Hàng kém chất lượng ở đây chính là những linh kiện cũ, linh kiện bóc dỡ từ các sản phẩm máy khác nhưng lại được gán mác chính hãng, hàng mới 100%.
Hầu hết các doanh nghiệp đều khẳng định sản phẩm của mình là chính hãng, nhưng trên thực tế thì chỉ có Samsung và Oppo - có nhà máy sản xuất tại Việt Nam thì khả năng cửa hàng nhập được linh kiện chính hãng là cao hơn, còn đối với dòng điện thoại iPhone không phải doanh nghiệp nào cũng được Apple ủy quyền để có linh kiện chính hãng thay thế.
Theo đó, các cửa hàng không phải nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền sẽ không thể lấy được nguồn cung từ Apple bởi vì Apple chỉ cung cấp giới hạn các bộ phận OEM (Original Equipment Manufacturer) - sản xuất theo thiết bị gốc hay còn gọi là phụ tùng chính hãng - cho những cửa hàng sửa chữa là đối tác của họ.
Theo MacRumors, hiện nay, có tới hơn 15.000 cửa hàng sửa chữa độc lập tại Mỹ, tất cả trong số này đều tìm mua các bộ phận từ những nhà cung cấp bên thứ ba tại Trung Quốc bởi không phải là nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền.
Và các doanh nghiệp như đã nêu tên đều không nằm trong danh sách nhà cung cấp dịch vụ được Apple ủy quyền tại Việt Nam nên việc thay thế được linh kiện chính hãng cho khách hàng là điều hoàn toàn “bất khả thi”.
Anh L. Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay: "Có vài lần điện thoại bị rơi vỡ màn hình rồi bị hỏng nguồn nên mình đã phải mang ra cửa hàng gần nhà để sửa. Thấy Maxmobile quảng cáo trên website là thay thế linh kiện chính hãng, tưởng thật nên đã tới đó. Nhưng sửa xong hỏi nhân viên giấy tờ với yêu cầu xuất hóa đơn thì các bạn ấy lại ngập ngừng không trả lời được và bảo linh kiện là bóc từ các máy khác nên không có hóa đơn."
Trả lời cho băn khoăn này, đại diện MaxMobile cho hay, cơ sở này hiện đang thu mua các linh kiện cũ từ các máy iPhone cũ, hỏng để sửa chữa, thay thế cho khách nên sẽ không thể có giấy tờ để xuất hóa đơn hay chứng minh. Chỉ có các dòng Samsung, Oppo là cửa hàng có thể nhập được từ nhà máy sản xuất trong nước thì mới là sản phẩm mới và chính hãng.
Nhưng website của đơn vị này lại đang quảng cáo thay thế linh, phụ kiện chính hãng. Không rõ khái niệm “chính hãng” mà MaxMobile hay 1 số cơ sở sửa chữa khác đề cập đến là gì khi họ không phải là nhà cung cấp được ủy quyền bởi Apple.
Cũng như anh Huy, bạn Như Quỳnh (Lò Đúc, Hà Nội) chia sẻ: "Vì điện thoại mình đang sử dụng là xách tay từ Nhật về nên không bảo hành được ở các cửa hàng ủy quyền của Apple tại Việt Nam, khi hư hỏng phải mang tới các cửa hàng chuyên về Apple để sửa. Nhưng tỷ lệ may rủi rất cao, may mắn thì được thay thế linh kiện thật được bóc từ các máy iPhone cũ ra, còn kém may thì sẽ "dính" phải các linh kiện Trung Quốc - loại này độ bền kém nên rất mau hỏng."
Năm 2015, Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành Danh mục sản phẩm công nghệ thông tin đã qua sử dụng cấm nhập khẩu, đó là các thiết bị điện thoại di động hoặc điện thoại dùng cho mạng không dây khác, bộ điện thoại hữu tuyến với điện thoại cầm tay hoặc không dây, micro và giá đỡ micro, loa, tai nghe, bộ tăng âm điện…
Linh kiện, phụ tùng, cụm linh kiện, phụ kiện đã qua sử dụng của các loại sản phẩm thuộc danh mục cấm nhập khẩu cũng bị cấm nhập khẩu.
Nắm được điều này, nhiều cơ sở sửa chữa điện thoại di động cho hay họ không nhập linh kiện cũ vì luật quy định và vì không kiểm soát được chất lượng nguồn hàng.
Nhưng điều này lại đồng nghĩa với việc người dùng đang phải chấp nhận sử dụng những sản phẩm chắp nối với hàng loạt linh kiện được thay thế không chính hãng và đôi khi còn là sản phẩm cũ nhưng lại được quảng cáo là linh kiện chính hãng, nguyên đai nguyên kiện.
Vậy là thay vì sử dụng các linh kiện chính hãng, các cửa hàng sửa chữa sẽ dùng các linh kiện Trung Quốc hoặc linh kiện được bóc ra từ các máy cũ khác để thay thế cho người dùng. Tuy vậy thì chi phí mà mọi người phải bỏ ra lại theo giá đồ chính hãng.
Theo 1 vị luật sư thì hành vi này không chỉ vi phạm quy định về quảng cáo mà còn đang xâm phạm tới quyền lợi người tiêu dùng.
"Điều 8 Luật Quảng cáo 20112 quy định về các hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo, trong đó khoản 9 quy định: Nghiêm cấm việc quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố", vị luật sư này cho hay.
Hành vi quảng cáo sai sự thật của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ gây tổn hại trực tiếp đến quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, khiến họ tiếp nhận thông tin sai lệnh về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, từ đó đưa ra các quyết định sai lầm trong việc mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ không đúng với chất lượng thực của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng mong muốn.
Trước "ma trận" về các cửa hàng, dịch vụ sửa chữa còn là một "ma trận giá" dành cho người dùng điện thoại thông minh tại Việt Nam, có lẽ sẽ rất gian nan để lựa chọn ra một dịch vụ sửa chữa đảm bảo chất lượng mà lại không bị "chém" về giá. Vậy để thấy, làm người tiêu dùng thông thái tại thị trường mà "vàng thau lẫn lộn" như vậy quả là điều không hề đơn giản.
09:20, 23/11/2018
07:01, 21/11/2018
06:30, 06/11/2018
07:01, 03/11/2018