19/01/2025 | 02:39 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng ấm dần lên

Cập nhật lúc: 15/10/2020, 09:37

Những tháng cuối năm 2020, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã có những tín hiệu ấm trở lại. Nhiều dự án đã tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ, kỳ vọng đưa thị trường nóng trở lại như thời điểm trước dịch Covid-19.

Theo số liệu từ Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, 9 tháng đầu năm 2020, cả nước ghi nhận hơn 4.000 sản phẩm condotel mới được chào bán ra thị trường. Điểm sáng của thị trường bất động sản du lịch nghỉ dưỡng 9 tháng đầu năm được chỉ ra là giai đoạn cuối tháng 9/2020. 

"Thời điểm này, những dấu hiệu tái khởi động và chào hàng mạnh mẽ của các dự án du lịch nghỉ dưỡng cho thấy sự nóng lại của thị trường. Điển hình như sự vận động của bất động sản nghỉ dưỡng tại các địa phương: Quảng Ninh, Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận,… Bên cạnh đó, bất động sản nghỉ dưỡng cũng ghi nhận dấu hiệu quan tâm trở lại của các nhà đầu tư trong nước", báo cáo của Hội Môi giới nêu.

Theo giới chuyên gia, có 2 lý do khiến bất động sản nghỉ dưỡng ấm nóng trở lại. 

Thứ nhất là yếu tố môi trường, khi cả TP.HCM và Hà Nội đang ở trong tình trạng báo động đỏ và yếu tố này tác động âm thầm lặng lẽ nhưng cực kỳ nguy hiểm cho sức khỏe, không kém gì dịch bệnh. Trong bối cảnh đó, con người cần nhiều hơn những khoảng xanh, những khu du lịch có không khí trong lành, mát mẻ. Đặc biệt, sau giai đoạn giãn cách xã hội, nhiều người mới hiểu được sâu sắc giá trị của nghỉ dưỡng và nghỉ dưỡng riêng biệt. Đây là yếu tố tác động tốt đến những sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng sở hữu bầu không khí trong lành, tốt cho sức khỏe.

Thứ hai, mặc dù dịch bệnh Covid-19 đã tác động sâu rộng đến nhiều quốc gia trên thế giới, thậm chí cả những cường quốc tiên tiến nhất thì tại Việt Nam, công tác phòng chống dịch cũng như các thông tin về chữa trị bệnh lại được đánh giá cao, là điểm son được cả thế giới công nhận. Ngoài ra, thông tin Nga điều chế thành công vắc-xin ngừa Covid-19 và bắt đầu thương mại hóa trên diện rộng đã khiến Covid-19 không còn là một vấn đề đáng ngại.

Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc CBRE chi nhánh Hà Nội phân tích: “Ngành du lịch thời gian qua chịu nhiều tác động và thiệt hại nhất. Những tác động ấy không chỉ đối với Việt Nam mà trên cả thế giới, với các đơn vị kinh doanh dịch vụ, du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng, khách sạn... Tuy nhiên, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, du lịch nước ta 5 năm qua tăng trưởng tốt, nguồn cầu từ khách du lịch trong và ngoài nước, do đó chúng ta nhìn thấy rõ nguồn cung tăng trưởng tương xứng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, ngành du lịch Việt Nam cần quan tâm hơn đến chất lượng dịch vụ, cũng như sự đa dạng sản phẩm bởi đây là yếu tố cốt lõi kéo theo sự tăng trưởng khách mới và hấp dẫn khách du lịch trở lại Việt Nam. Bên cạnh đó, nếu các cơ sở lưu trú biết nắm bắt cơ hội, kết hợp những ưu thế của địa phương thì sẽ thuận lợi hơn trong kinh doanh”.

Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đang ấm dần lên

Ông Mauro Gasparotti, Giám đốc Savills Hotels Châu Á Thái Bình Dương cho hay, việc tái bùng phát dịch bệnh Covid-19 ở Đà Nẵng trong tháng 7 đã khiến nhiều địa điểm du lịch nhận được yêu cầu hủy phòng, kéo theo sự sụt giảm công suất của toàn thị trường. Tỷ lệ lấp đầy trung bình của các khách sạn phân khúc cao cấp trong tháng 8 chỉ đạt dưới 20%, tương ứng mức sụt giảm gần 75% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, trong 8 tháng đầu năm 2020, giá phòng trung bình giảm 10% so với cùng kỳ năm 2019, gây thiệt hại đáng kể cho hầu hết các chủ sở hữu khách sạn. 

Tuy nhiên, nhờ vào các biện pháp ứng phó với đại dịch hiệu quả của Chính phủ, nhu cầu du lịch nội địa đang dần khôi phục trở lại. Các khách sạn và khu nghỉ dưỡng vẫn nhận được yêu cầu đặt phòng cho tháng 9 và 10, mở đầu cho quá trình hồi phục sau làn sóng Covid-19 thứ hai.

Ông Mauro Gasparotti nhận định: “Năm 2021 dự kiến sẽ tiếp tục là một năm đầy thách thức cho ngành bất động sản nghỉ dưỡng. Song, nguồn khách nội địa sẽ là động lực tăng trưởng chủ đạo của du lịch toàn cầu, bao gồm cả thị trường Việt Nam. Mặt khác, đây cũng là một cơ hội tốt vì Việt Nam có nguồn khách nội địa lớn, chiếm 82,5% tổng lượt khách trong năm 2019. Đối tượng khách nội địa, đặc biệt là thế hệ trẻ (Millennial và Gen Z) ngày càng yêu thích xu hướng du lịch trải nghiệm. Nhu cầu đối với các mô hình sản phẩm như resort cao cấp, nghỉ dưỡng nội đô (staycation), khách sạn chú trọng thiết kế, resort chăm sóc sức khỏe hoặc nghỉ dưỡng cuối tuần không ngừng gia tăng".

Vị chuyên gia này kỳ vọng rằng nếu các khách sạn và resort biết nắm bắt cơ hội, mang đến những gói dịch vụ với mức giá hợp lý thì sẽ khai thác được nguồn khách nội địa tiềm năng này. Theo đó, đây cũng là cơ hội để khách nội địa, khách nước ngoài đang sinh sống hoặc làm việc tại Việt Nam được trải nghiệm những sản phẩm mới hoặc khám phá những thị trường mới. Đặc biệt những địa điểm có thể thuận tiện tiếp cận bằng xe như Hồ Tràm, Vũng Tàu, Phan Thiết, Đà Lạt có ưu thế trở thành địa điểm nghỉ dưỡng cuối tuần yêu thích của những du khách ngại di chuyển bằng đường hàng không. 

"Chúng tôi vẫn đánh giá ngành du lịch Việt Nam sẽ hồi phục nhanh hơn các quốc gia khác nhờ vào yếu tố an toàn, khoảng cách gần với các nguồn du khách lớn và đà tăng trưởng tốt trong quá khứ”, ông Mauro Gasparotti kết luận.