18/01/2025 | 20:18 GMT+7, Hà Nội

Thị trường bất động sản 2020 sẽ dịch chuyển ra sao?

Cập nhật lúc: 07/06/2020, 06:00

Ảnh hưởng của dịch Covid đã làm quỹ đạo vận động của thị trường bất động sản 2020 có sự thay đổi.

Dưới đây là 6 xu hướng dịch chuyển nổi bật của thị trường bất động sản năm 2020.

1. Bất động sản khu công nghiệp tiếp tục phát triển trong năm 2020

Theo đánh giá của các chuyên gia trong khảo sát của Vietnam Report, bất động sản khu công nghiệp sẽ là điểm sáng của thị trường trong năm 2020, với nhiều lợi thế khi nền kinh tế phát triển ổn định, Việt Nam tham gia vào nhiều Hiệp định thương mại, thêm vào đó là sự bùng phát của dịch Covid đã tác động mạnh đến nền kinh tế thế giới, làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng tạo ra sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các nước ASEAN, dòng vốn FDI vào lĩnh vực bất động sản tiếp tục gia tăng.

Ngoài ra, lĩnh vực bất động sản công nghiệp cũng nhận được nhiều chính sách hỗ trợ như miễn giảm, ưu đãi thuế của Nhà nước đối với các nhà đầu tư. Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành một trung tâm sản xuất mới ở châu Á với vị trí gần Trung Quốc, chi phí lao động thấp. Tính đến hết năm 2019, Việt Nam có khoảng 326 khu công nghiệp, khu chế xuất được thành lập, với tỷ lệ lập đầy đạt 70% - 80%.

2. Đất nền là lựa chọn hàng đầu của khách hàng

Nhiều chuyên gia bất động sản cho rằng đất nền hiện nay vẫn tiếp tục khan hiếm và do không có nhiều dự án mới mở bán, đất nền tiếp tục là kênh lựa chọn đầu tư hàng đầu dù thị trường gần đây có xu hướng giảm nhiệt.

Kết quả khảo sát củaVietnam Report cho thấy, với nhóm khách hàng cũng cho thấy đất nền được nhiều người lựa chọn nhất với 62,77%; tiếp đến là căn hộ cho thuê (34,89%), chung cư (28,09%), bán lẻ: Shophouse, trung tâm thương mại… (10%), bất động sản khu công nghiệp (12,13%).

3. Xu hướng chuyển dịch đầu tư sang các thị trường lân cận

Khi quỹ đất sạch tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM ngày càng khan hiếm, các doanh nghiệp bất động sản sẽ tiếp tục chuyển dịch sang các tỉnh thành khác có lợi thế phát triển kinh tế khoáng sản, công nghiệp, đặc biệt là phát triển du lịch. Bên cạnh đó, nhiều nhà đầu tư có xu hướng lựa chọn các tỉnh địa phương để làm các đô thị mới vì thủ tục đất đấu thầu thuận lợi và chu kỳ đầu tư một dự án ngắn hơn so với dự án ở Hà Nội và TP.HCM.

Tại miền Bắc, thị trường bất động sản sẽ bùng nổ tại các tỉnh có sự đầu tư mạnh vào công nghiệp, công nghệ, cơ sở hạ tầng, đô thị như ở Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… Đây là khu vực có dư dịa đất đai lớn và nhu cầu, văn hóa sử dụng ở những khu vực này chủ yếu là nhà đất, nhà ở liền kề nên các địa phương phần lớn tập trung vào dự án đất nền để người tiêu dùng mua đất nền và tự đầu tư xây nhà.

Khu vực miền Nam và Đông Nam Bộ có Bình Dương, Biên Hòa, Đồng Nai, Long An… có thể phát triển mạnh bất động sản do sự phát triển kinh tế ở các khu vực này và miền Trung là các tỉnh có tiềm năng du lịch như Đà Nẵng, Nha Trang, Khánh Hòa...

Năm 2019 đã xuất hiện những thị trường bất động sản mới, phát triển khá mạnh như Cao Nguyên, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Gia Lai. Ngoài ra, hiện nay Vùng Tây Bắc cũng đang được tìm hiểu nghiên cứu, đầu tư của nhiều nhà đầu tư có tên tuổi.

4. Phân khúc nhà ở duy trì đà tăng trưởng

Phân khúc ở nhà ở được đánh giá vẫn tăng trưởng ổn định, như theo nhận định của các chuyên gia phân khúc này không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid, hoạt động mua nhà, chung cư dựa trên nhu cầu và kế hoạch sinh sống trong dài hạn. Các căn hộ giá rẻ vẫn khan hiếm, trong khi đó các căn hộ hạng sang có thể tăng mạnh trong năm 2020.

Trong khi đó, Việt Nam đang là nước đông dân thứ 15 thế giới, tốc độ đô thị hóa cao, GDP liên tục tăng trưởng ổn định, nên nhu cầu nhà ở rất lớn, nhưng vẫn có những rào cản và thách thức như: Giá bán có khả năng tăng mạnh, hạn chế tín dụng cho vay mua bất động sản, tính minh bạch pháp lý của dự án… từ đó tác động đến khả năng tiêu thụ nói chung.

5. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và đầu tư vào bất động sản xanh

Kết quả khảo sát của Vietnam Report với nhóm khách hàng sử dụng sản phẩm bất động sản về kênh tham khảo thông tin khi mua bán bất động sản, cho thấy bên cạnh phương thức tiếp thị truyền miệng truyền thống, các khách hàng dần tiếp cận các thông tin bất động sản qua mạng và Internet nhiều hơn.

Công nghệ có tác động lớn trong thay đổi hành vi người tiêu dùng, đặc biệt trong bối cảnh dịch Covid tác động đến ngành bất động sản nói chung, thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ vào bất động sản. Khi hành vi của khách hàng thay đổi, các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản cần nắm bắt được xu hướng này nhằm tăng cơ hội tiếp cận với khách hàng.

Một số doanh nghiệp bất động sản đã thay đổi phương án kinh doanh, triển khai các app bán hàng, sử dụng tin đăng có video, 3D scanning; hay việc môi giới livestream để giới thiệu sản phẩm đến khách hàng để hỗ trợ đối tác người mua hàng. Bằng ứng dụng công nghệ, khách hàng có thể biết thông tin về dự án, tham quan căn hộ qua thực tế ảo chỉ bằng một chiếc điện thoại thông minh, đồng thời giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, tạo sự linh hoạt, chủ động cho khách hàng và hạn chế di chuyển tiếp xúc đông người trong mùa dịch. Đây là yếu tố thúc đẩy các giao dịch trực tuyến trong lĩnh vực bất động sản.

Nhiều chủ đầu tư cũng nhanh chóng nắm bắt xu hướng công nghệ, xây dựng những đô thị thông minh, có sẵn hệ thống kiểm soát tự động và hiện đại, thân thiện với môi trường, tăng sự an toàn và thuận tiện với dân cư. Bên cạnh đó, chủ đầu tư dự án với mong kiếm được lợi nhuận cao hơn bằng cách giảm dần sự phụ thuộc vào sàn môi giới thông qua thiết lập đội ngũ môi giới riêng hay bán hàng qua các ứng dụng công nghệ.

Bênh cạnh đó, khi tình trạng ô nhiễm môi trường cao, dịch bệnh bùng phát, người dân càng quan tâm hơn đến việc đảm bảo sức khỏe. Một trong cách ứng phó của doanh nghiệp bất động sản trước dịch Covid-19 là cấu trúc lại sản phẩm, thông qua các dự án xanh, mang lại sự an tâm cho sức khỏe cư dân nhằm kích cầu vào nhu cầu sống khỏe, sống chất lượng của người mua nhà hiện nay.

6. M&A tiếp tục sôi động trong năm 2020

Thông tư 22/2019/TT-NHNN chính thức có hiệu lực từ năm 2020 sẽ tiếp tục gây ra tình trạng khan vốn cho các doanh nghiệp. Bên cạnh đó là sự cộng hưởng khi không bán được sản phẩm do dịch bệnh đã xuất hiện dấu hiệu việc tìm kiếm nhà đầu tư để chào mời, chuyển nhượng dự án theo hình thức M&A hoặc cổ phần, hoặc từng phần dự án… của các chủ đầu tư yếu năng lực tài chính. Xem xét số liệu từ quá khứ cũng cho thấy, khi thị trường rơi vào khủng hoảng thì hoạt động M&A diễn ra rất sôi động.

Hiện nay, có 10 nguồn tiền đổ vào thị trường bất động sản, và M&A là một kênh đầu tư gián tiếp. Năm 2019, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào lĩnh vực bất động sản chủ yếu qua hình thức M&A. Một số thương vụ M&A nổi bật trong năm 2019 như Tập đoàn Hàn Quốc SK Group đầu tư 1 tỷ USD mua cổ phiếu Vingroup hay Công ty Bất động sản Sơn Kim huy động 121 triệu USD từ nhóm nhà đầu tư ACA Investments, EXS Capital và Credit Suisse AG.

Năm 2020, kênh M&A vẫn tiếp tục gia tăng mạnh. Bởi lẽ, đầu tư tài chính là một kênh đầu tư có hiệu quả, trong trường hợp cấp tín dụng khó thì đây chính là cơ hội cho những người có tiền, những nhà đầu tư nước ngoài, nhà đầu tư trong nước hoặc Việt kiều, họ đều quan tâm đến thị trường Việt Nam với khía cạnh đầu tư tài chính. Các doanh nghiệp bất động sản cũng sẵn sàng chấp nhận “chia sẻ miếng bánh” với những người có năng lực tài chính, kể cả nước ngoài.

Hơn nữa, các dự án hợp tác với nước ngoài cũng có thuận lợi, chẳng hạn trong Luật Nhà ở cho phép 30% số lượng căn hộ được tiêu thụ bằng khách nước ngoài, đây chính là chìa khóa mở ra thị trường cho khách nước ngoài cho họ tham gia dễ hơn vào thị trường bất động sản. Hoạt động M&A không chỉ hỗ trợ nguồn vốn mà giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp trong nước khi doanh nghiệp này tự thay đổi, tuân theo tiêu chuẩn, học hỏi kinh nghiệm quản lý của đối tác nước ngoài.