Thi tốt nghiệp THPT năm 2020: Những điểm nhìn từ kỳ thi mang tên “đặc biệt”
Cập nhật lúc: 11/08/2020, 16:04
Cập nhật lúc: 11/08/2020, 16:04
Kết thúc thi THPT quốc gia đợt 1, với công tác tổ chức coi thi, chúng ta đã làm tròn vẹn. Chuyện học và thi để có căn cứ, kết quả đánh giá cả quá trình học là điều xưa nay vẫn làm, nhưng năm nay đặc biệt hơn rất nhiều lần vì những diễn biến “xoay vòng” bất ngờ của dịch bệnh. Để tổ chức kỳ thi thành công, đó là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, mà Bộ GD&ĐT giữ vai trò chỉ đạo, chịu trách nhiệm chung. Kỳ thi này được mang tên “kỳ thi đặc biệt” đúng với nhiều diễn biến và ý nghĩa mang theo.
Phương án thi đã chốt đúng thời điểm, hợp lý và đúng luật
Với kỳ thi quan trọng nhất trong 12 năm học phổ thông, có lẽ chưa năm nào, việc quyết định phương án cuối cùng lại nhiều gian truân như năm nay. Việc học và thi là chuyện đương nhiên của sự học, nhưng với bất thường của dịch bệnh, phương án thi đã nhiều lần điều chỉnh cho phù hợp.
Thời gian đầu, ngành giáo dục, học sinh vẫn ở tâm thế sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với mọi công việc cơ bản ổn định như năm 2019. Dịch bệnh bất ngờ ập đến, giãn cách xã hội khiến các em không thể đến trường trong gần 3 tháng. Kỳ thi phải lùi thời điểm tổ chức, sau khi mà Luật Giáo dục 2019 có Hiệu lực (ngày 1-7-2020).
Sau khi phân tích tình hình dịch bệnh, quy định của pháp luật, những yếu tố liên quan đến công tác tổ chức thi, các ý kiến tại cuộc họp thống nhất sẽ tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay cho kỳ thi THPT quốc gia. Bộ GD&ĐT lại nhanh chóng bắt tay vào xây dựng đề tham khảo lần 2, phù hợp với mục đích, yêu cầu mới. Các nội dung giảm tải cũng được công bố cụ thể. Sau nhiều tính toán, thời gian của kỳ thi được chốt là từ mùng 8 đến ngày 10-8-2020.
Thế nhưng, khi chỉ còn khoảng nửa tháng nữa là kỳ thi diễn ra, thì dịch bệnh lại có diễn biến mới, nguy cơ lây nhiễm cộng đồng tại Đà Nẵng, Quảng Nam. Ca lây nhiễm cộng đồng tăng cao, Đà Nẵng đề nghị được dừng tổ chức thi và xem xét đặc cách công nhận tốt nghiệp THPT cho các thí sinh của TP. Quảng Nam đề xuất 3 phương án, 1 trong 3 phương án đó cũng là dừng thi trên địa bàn. Trong khi đó, nguyện vọng của các thí sinh là mong muốn được thi đúng thời gian.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng chống dịch Covid-19 sáng 27-7, sau nhiều cân nhắc, tính toán, Bộ GD&ĐT quyết định tổ chức kỳ thi thành 2 đợt. Các địa phương thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ như TP Đà Nẵng và các huyện, thị xã, TP thuộc tỉnh Quảng Nam lùi thời gian tổ chức kỳ thi vào thời điểm thích hợp. Cùng dự thi đợt này có các thí sinh thuộc diện F1, F2 cả nước. Các địa phương còn lại tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Và đến thời điểm này, kỳ thi đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, đề thi được đánh giá là phù hợp với tính chất kỳ thi.
Lần đầu tiên, chúng ta thấy hình ảnh thí sinh đeo khẩu trang đến phòng thi, công tác y tế tại phòng thi được siết chặt. Cũng là lần đầu tiên, tất cả các phương án dự phòng được tính đến. Một kỳ thi đặc biệt nhưng đã kết thúc tốt đẹp.
Phía trước vẫn còn một chặng đường dài
Dù công tác tổ chức kỳ thi, coi thi đã diễn ra thành công, nhưng chặng đường phía trước với kỳ thi năm nay còn rất dài. Mà trước mắt, là những thí sinh chưa thể thi đợt 1. Theo Bộ GD&ĐT, tổng số thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên không thể dự thi đợt 1 là 26.168 chiếm tỷ lệ 2,91% so với tổng số thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, Đà Nẵng và Quảng Nam là đông thí sinh nhất. Bộ GD&ĐT đã hướng dẫn các trường ĐH điều chỉnh chỉ tiêu để đảm bảo dành nguồn tuyển cho thí sinh thi đợt hai. ĐH Đà Nẵng và nhiều ĐH khác cũng có phương án điều chỉnh các phương thức xét tuyển, để ưu tiên cho thí sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Tuy nhiên, nhiều thi sính vẫn còn băn khoăn, bởi các em lo lắng về đề thi giữa hai đợt.
Về vấn đề này, PGS.TS Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT khẳng định: Với cấu trúc đề thi ổn định, ngân hàng câu hỏi đã có sẵn, bằng các giải pháp kỹ thuật, chúng ta sẽ xây dựng được một đề thi có độ khó, có độ tương đồng ở mức độ chấp nhận được, để tạo quyền lợi và sự bình đẳng cho các thí sinh thi đợt sau. Theo quy định của Quy chế thi tốt nghiệp THPT, nội dung thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Đề thi cần bảo đảm chính xác, khoa học và tính sư phạm; lời văn, câu chữ phải rõ ràng; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT; bảo đảm phân loại được thí sinh.
Song song với đó, công tác chấm thi cũng phải đảm bảo nghiêm túc, đúng tiến độ và an toàn trước dịch bệnh. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đánh giá: Kỳ thi diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, chưa có tiền lệ, khi cả nước bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; đặc biệt gần đây khi dịch bệnh bùng phát trở lại khiến phát sinh nhiều việc để tăng cường phòng dịch, đảm bảo kỳ thi thực sự an toàn cả về an ninh và sức khỏe người tham gia. Nhưng với quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương, BCĐ thi các tỉnh/TP, cùng sự đồng lòng của học sinh, phụ huynh và toàn thể nhân dân, chúng ta cố gắng để kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 diễn ra an toàn tuyệt đối cả về an ninh, an toàn sức khỏe, nghiêm túc và công bằng.
Kỳ thi năm nay đúng là hết sức đặc biệt, nhưng về cơ bản, sự an ninh, an toàn, tính nghiêm túc của kỳ thi vẫn được đảm bảo, củng cố sự ổn định của hệ thống giáo dục, tạo điều kiện cho các trường ĐH thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh. Quan trọng nhất là qua diễn biến bất thường của dịch bệnh, toàn hệ thống, toàn ngành đã thực sự “bật công tắc” phản ứng phù hợp với bất thường, để trong hoàn cảnh nào, chúng ta cũng không dừng việc học và chủ động phương án thi, đánh giá phù hợp.
15:43, 11/08/2020
15:39, 11/08/2020
15:31, 11/08/2020