Thênh thang Hà Nội - Vân Đồn
Cập nhật lúc: 16/11/2018, 23:01
Cập nhật lúc: 16/11/2018, 23:01
Những tiềm năng ấy đã được vươn dậy bắt đầu từ sự vươn dậy của đầu tư hạ tầng giao thông năng động và hiệu quả.
Từ tháng 9/2018, sau hơn 3 năm xây dựng, cao tốc Hạ Long - Hải Phòng, với điểm đầu nối với Quốc lộ 18 đoạn qua Đại Yên, TP. Hạ Long và điểm cuối nối với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội, đã chính thức thông xe.
Tuyến đường cao tốc này đã rút ngắn tới gian đi Hạ Long - Hải Phòng xuống còn khoảng ba mươi phút, thay vì 2 tiếng đi theo tuyến cũ là Hạ Long - Uông Bí – Quốc lộ 10, dài khoảng 70km. Cùng với tuyến cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, thời gian chúng ta đi từ Thủ đô Hà Nội ra tới TP. Hạ Long, thủ phủ của tỉnh biên giới Quảng Ninh giờ chỉ là 90 phút, thay vì phải mất đến 3-4 tiếng đi theo đường quốc lộ 18.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đã phát huy giá trị của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, góp phần kết nối toàn khu vực tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, mở thêm cơ hội phát triển kinh tế - xã hội lớn cho toàn khu vực.
Tuyến cao tốc này cũng sẽ được kết nối vào tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn sắp hoàn thiện, với điểm cuối Vân Đồn nơi một sân bay quốc tế dự kiến cuối năm nay sẽ đón chuyến bay đầu tiên.
Thật đúng là như một giấc mơ. Giấc mơ được hiện thực hóa một cách nhanh chóng. Cách đây chừng năm, mười năm trước, có ai tưởng tượng được, đi bằng ô tô, từ Thủ đô Hà Nội ra tới vùng biên tái, vùng hải đảo địa đầu đất nước, giờ chỉ mất hơn hai tiếng đồng hồ? Và từ đấy, ta lên máy bay bay trên vùng vịnh biển kỳ thú Hạ Long, Bái Tử Long để đến với mọi nơi trên thế giới!
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long thông xe là một bước đi dài để Quảng Ninh tiến gần tới mục tiêu trở thành một thủ phủ du lịch ở phía Bắc. Qua 6 tháng đầu năm nay, du lịch Quảng Ninh đón hơn 7,5 triệu du khách, tăng 26%, trong đó, khách quốc tế là 2,46 triệu lượt, tăng 14%. Doanh thu du lịch đạt 12.787 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ. Dịp nghỉ lễ 2/9 vừa qua, sau khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long thông xe, Thành phố Hạ Long đã đón tiếp cuộc đổ bộ lớn chưa từng có của du khách mọi miền đất nước tìm đến.
Sự tăng trưởng về du lịch cũng sẽ đưa Hạ Long trở thành cái tên hấp dẫn với các nhà đầu tư. Bất động sản Hạ Long, tâm điểm là Bãi Cháy, đã trở thành đích ngắm quyến rũ của những dòng tiền đầu tư đổ về.
Những thay đổi trước đây, kể ra, đã là lớn, nhưng bây giờ, cuộc thay đổi diện mạo của Hạ Long mới sẽ thực sự bắt đầu. Tháng 12/2018, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn đang hoàn thiện những khâu cuối cùng sẽ đi vào vận hành. Cùng với đó, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đi vào khai thác... Cơ sở hạ tầng, kết nối giao thông của Hạ Long với Hải Phòng, Hà Nội, với các vùng đất trên quốc gia và thế giới đã nhịp nhàng, uyển chuyển, làm nền vững chắc cho một cuộc vươn dậy hoành tráng và lãng mạn.
Vân Đồn là một quần đảo vòng quanh phía Đông và Đông Bắc Vịnh Bái Tử Long (tỉnh Quảng Ninh), gồm 600 hòn đảo lớn nhỏ, trong đó chỉ khoảng 20 đảo đất có người ở. Theo sử sách, với vị trí cửa ngõ của vùng quần đảo hiểm yếu nên năm 980 ở đây đã có đồn Vân trấn giữ của quân đội nhà Tiền Lê. Năm 1149, vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn, đồng thời biến nơi đây thành thương cảng đầu tiên của Đại Việt. Thời ấy nhộn nhịp với các thương nhân từ các nước trong khu vực Đông Á và thế giới như Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Indonesia... Đến đời nhà Trần, chính sách ngoại thương cởi mở đã tạo điều kiện để nơi đây trở thành thương cảng sầm uất, nhộn nhịp và hưng thịnh nhất một thời. Nhiều bến thuyền neo đậu phục vụ cho việc giao thương được hình thành.
Do những biến thiên của lịch sử, bước sang thời Hậu Lê và nhà Nguyễn, thương cảng Vân Đồn rơi vào cảnh suy thoái và bị lãng quên. Vùng này dần trở nên hoang vắng. Đến tận những năm 60,70 của thế kỷ XX, mới bắt đầu trở lại việc có nhiều đợt di dân từ các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ ra Vân Đồn khai hoang. Dù vậy, dẫu không quá xa đất liền, các hòn đảo tại đây, đặc biệt là Cái Bầu vẫn biệt lập tương đối so với những vùng đất xung quanh. Đường xá hầu hết men theo biển và đường mòn dân sinh. Kinh tế khu vực chủ yếu là nông nghiệp, đánh bắt thuỷ hải sản và một phần rất nhỏ của du lịch.
Vân Đồn có vẻ đẹp kỳ vĩ như một bức tranh nhưng lại chưa được nhiều người biết tới. Nơi đây có Vịnh Bái Tử Long đẹp không kém Vịnh Hạ Long, có đảo Cái Bầu, là hòn đảo lớn nhất tỉnh Quảng Ninh cùng hơn 2.000 hòn đảo lớn nhỏ khác, trong đó có những đảo nổi tiếng như Quan Lạn, Minh Châu, Ngọc Vừng… Đảo Cái Bầu rộng 1.712 ha, địa hình rất phong phú, cảnh quan kỳ vĩ. Vân Đồn có cả vịnh biển, cả núi đá vôi cao, cả đồng bằng, cả địa hình ven biển, hồ nước… Phía Đông có dãy núi Cao Đài cao trên 300 mét như một trục xương sống, nhìn ra Vịnh Bái Tử Long tuyệt đẹp. Phía Tây là các vùng rừng núi hoang sơ, xen lẫn là các vịnh biển nhỏ. Phía Nam đảo là thị trấn Cái Rồng. Đây cũng là nơi sầm uất nhất trên đảo. Cái Rồng nổi tiếng với cảng kết nối các tuyến tàu đến các vùng đảo ngoài khơi xa. Đây cũng là một cảng cá nhộn nhịp với sản lượng đánh bắt hàng nghìn tấn mỗi năm.
Vân Đồn được thiên nhiên ban tặng cảnh sắc tuyệt đẹp, không kém gì các thành phố danh thắng như Venice (Italia), Nice thuộc vùng Provence-Alpes-Côte d'Azur của nước Pháp, hay như các thành phố Auckland (New Zealand), Barcelona (Tây Ban Nha), Vancouver (Canada), Copenhagen (Đan Mạch)… Vân Đồn với vẻ đẹp của mình, với những lợi thế hoàn toàn có thể bứt phá trong tương lai, hứa hẹn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn nhất cả nước, thu hút khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới tìm đến khám phá.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn và sân bay Vân Đồn sẽ tạo nên sức bật mới cho một cực trong tam giác kinh tế của vùng Đông Bắc Bộ, kéo theo sự phát triển của nhiều vùng đất tiềm năng khác ở phía Bắc.
Tuyến đường cao tốc Hải Phòng - Hạ Long với cây cầu Bạch Đằng hiện đại, cùng tuyến cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không Vân Đồn, là một bứt phá mang dấu ấn chủ động và sáng tạo của lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh trong huy động đầu tư hạ tầng giao thông, là một bài học kinh nghiệm lớn cho nhiều tỉnh thành trong cả nước.
Ý tưởng về tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long xuất hiện khi cao tốc Hà Nội - Hải Phòng đang được xây dựng, trong khi tuyến Quốc lộ 18 là huyết mạch kết nối Quảng Ninh với Hà Nội và các tỉnh, thành phía Bắc, liên tục tắc nghẽn. Tuy nhiên, chủ trương xây dựng cao tốc Nội Bài - Hạ Long sẽ chỉ được Trung ương xem xét sau năm 2020.
Với tinh thần táo bạo, quyết tâm tạo ra đột phá trong phát triển, lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã đề nghị Trung ương cho được đứng ra huy động vốn đầu tư để xây dựng tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long, theo dự kiến ban đầu là khoảng 13.000 tỷ đồng và Chính phủ đã cho phép Quảng Ninh tự huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng.
Ban đầu, toàn tuyến dự định được xây theo hình thức BOT, nhưng vì vốn quá lớn nên phải tách làm hai phần. Trong đó, gói thầu 1 là 19,8km đường cao tốc từ Đại Yên, Hạ Long đến cầu Bạch Đằng dùng tiền ngân sách với nguồn vốn 6.416 tỷ đồng; Gói thầu thứ 2 là dự án xây dựng cầu Bạch Đằng được đầu tư theo hình thức BOT, với mức kinh phí 7.600 tỷ đồng được giao cho Cty CP BOT cầu Bạch Đằng, là một liên danh gồm 8 nhà đầu tư. Cầu Bạch Đằng có chiều dài 700m, thiết kế theo kết cấu dây văng hệ cáp 2 mặt phẳng dây 4 nhịp. Đây là công cây cầu nhiều nhịp nhất ở Việt Nam đến thời điểm hiện tại được thiết kế bởi đội ngũ kỹ sư cầu Việt Nam. Đường dẫn và nút giao cuối tuyến có mức chiều dài 5,4km, được thiết kế với 4 làn xe với vận tốc 100km/h.
Để giúp các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, Quảng Ninh đã chi 365 tỉ đồng ứng trước cho Hải Phòng để giải phóng mặt bằng 1,7km nằm trên quận Hải An của Hải Phòng…
Tổng vốn đầu tư cho Dự án cao tốc Hạ Long - Vân Đồn là 12.000 tỷ đồng. UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ dùng một khoản vốn 10% tổng dự toán làm công tác giải phóng mặt bằng. Phần còn lại là của các nhà đầu tư.
Sau gần 3 năm triển khai, vùng rừng núi hoang vu nối từ Hạ Long, huyện Hoành Bồ, thành phố Cẩm Phả đã gần như hoàn thiện một tuyến cao tốc. Nhìn từ trên cao, tuyến đường như một dải lụa uốn lượn xuyên qua các vùng núi rừng tuyệt đẹp. Tuy nhiên, khác với vẻ đẹp khi đã hình thành, trong giai đoạn đầu, việc thi công dự án rất khó khăn. Đường đi qua các vùng đồi núi, địa hình phức tạp, lại đòi hỏi phải có thiết kế đạt chuẩn cao tốc, có thể chạy với vận tốc 100 km/h. Do đó, để tuyến đường mềm mại khi chạy vận tốc cao, các đơn vị thi công phải đào đắp một khối lượng đất đá khổng lồ. Ước tính, hàng triệu mét khối đất đá đã được đào đắp. Việc xẻ núi, bắc cầu thực hiện đảm bảo đúng tiến độ. Đó là chưa kể do đi qua nhiều vùng đồi núi, việc gia cố mái ta luy chống sạt lở cũng khiến đội ngũ công nhân phải làm một khối lượng công việc khó đo đếm.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn là một trong 2 dự án hạ tầng hàng không được đầu tư theo hình thức BOT. Tỉnh Quảng Ninh đã lựa chọn Tập đoàn Sun Group là nhà đầu tư chiến lược thực hiện dự án. Được xây dựng trên diện tích đất 320ha tại xã Đoàn Kết, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, sân bay nằm cách trung tâm thành phố Hạ Long khoảng 50 km, cách thành phố Cẩm Phả gần 20km.
Tổng mức đầu tư của dự án là 7.500 tỷ đồng (bao gồm cả chi phí giải phóng mặt bằng) phân kỳ làm 3 giai đoạn.
Giai đoạn một đang sắp hoàn thiện với mức đầu tư 3.900 tỷ đồng. Trong giai đoạn này, một sân bay có đường cất hạ cánh với 3,6km, chiều rộng 45m, dài nhất Việt Nam hiện nay. Đường băng được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế, cấu tạo bằng 2 lớp bê tông, cốt thép chịu lực, cho phép các loại máy bay thân rộng lớn như Boeing 787, Airbus A350 cất hạ cánh bình thường. Riêng sân đỗ máy bay có thể sử dụng tối thiểu 4 chiếc Boeing loại hiện đại nhất lẫn dòng thông thường như Airbus A321. Nhà ga hành khách giai đoạn một có quy mô 25.000m2, công suất 2,5 triệu lượt hành khách/năm.
Trong giai đoạn 2 (2020-2025) và giai đoạn 3 (2025-2030), công suất sẽ nâng lên lần lượt 5 đến 10 triệu lượt hành khách/năm. Các công trình như nhà ga hàng hoá, sân đỗ máy bay, đường băng mới... cũng sẽ được xây dựng trong các giai đoạn tiếp theo.
Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn có thể phức hợp cả dân sự và quân sự. Về dân sự, Vân Đồn được quy hoạch là Cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO). Về quân sự là sân bay cấp II.
Như vậy là chỉ trong một thời gian không dài nữa, tất cả các hạng mục của các dự án trên sẽ hoàn thành. Một con đường thênh thang nối từ Hà Nội đến vùng biên giới đất và biển Đông Bắc của đất nước với điểm cuối là Cảng hàng không Vân Đồn đã mở ra… Nhìn rộng ra đây chính là một đường băng vĩ đại cho sự cất cánh đi lên phát triển của cả một miền phía Bắc của đất nước.
Một đường băng kỳ vĩ của sáng tạo, đột phá, hợp lực với những nội lực đã được bừng thức dậy để làm nên thịnh vượng!
20:30, 14/11/2018
14:31, 03/11/2018
16:00, 25/10/2018
21:31, 19/10/2018