19/01/2025 | 10:39 GMT+7, Hà Nội

Thêm những ngôi nhà “dị” trên tuyến đường nghìn tỷ

Cập nhật lúc: 14/06/2016, 12:00

Hai bên đường tuyến đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đông Mác – Nguyễn Khoái) tiếp tục xuất hiện những ngôi nhà có hình dáng kỳ dị.

Dự án mở rộng tuyến đường vành đai 1 đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái là dự án trọng điểm của TP. Hà Nội đi qua 4 phường thuộc quận Hai Bà Trưng gồm Thanh Nhàn, Thanh Lương, Bạch Đằng và Đống Mác. Đoạn đường có điểm đầu ở ngã tư phố Lò Đúc - Trần Khát Chân và điểm cuối giao với đê Nguyễn Khoái với chiều dài 570 m.

Dự án, được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư 383 tỷ đồng. Sau nhiều lần thay đổi mức đầu tư, đến nay dự án tăng lên 1.139 tỷ đồng (trên 1,7 tỷ đồng/mét).

Không chỉ thi công chậm tiến độ nhiều năm, đội vốn lên cao, việc xây dựng tuyến đường không đồng bộ với quy hoạch nhà ở, dẫn đến nhiều ngôi nhà có hình dạng kỳ dị mọc lên hai bên đường. 

Dự án đường Vành đai 1 (đoạn Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái) có chiều dài 570 m, rộng 50 m, được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào cuối năm 2005 với tổng mức đầu tư là 383 tỷ đồng. Đến tháng 9/2014, dự án được điều chỉnh tăng mức đầu tư gấp gần 3 lần lên tới 1.139 tỷ đồng, tương đương gần 2 tỷ đồng/m. Đây được xem là con đường lập kỷ lục cả về kinh phí lẫn tiến độ thi công. 

Như tin đã đưa mới đây nhất, trên tuyến đường đắt kỷ lục này, một ngôi nhà 4 tầng khang trang đang trong quá trình hoàn thiện (thuộc tổ 3, phường Thanh Lương, quận Hai Bà Trưng) đã "nuốt" mất phần ngọn cột điện ngoài vỉa hè. Sự việc khiến dư luận búc xúc về cách quản lý xây dựng và quy hoạch của cơ quan chức năng. (ảnh chụp ngày 9/6/2016) 
 

 Để thực hiện dự án này, quận Hai Bà Trưng phải thu hồi 41.240 m2 đất tại 4 phường Đống Mác, Thanh Lương, Bạch Đằng, Thanh Nhàn, liên quan tới 670 hộ dân trong diện giải phóng mặt bằng. Tuy nhiên, việc xây dựng tuyến đường không tiến hành đồng bộ với quy hoạch nhà ở, dẫn đến việc xuất hiện nhiều ngôi nhà có hình dạng kỳ dị mọc lên hai bên đường. 

Việc GPMB đã tạo ra những ngôi nhà cắt đôi, kì dị. Nhà mới thì mỏng méo, nhà cũ thì lụp xụp. 

 Bộ mặt của tuyến đường đắt kỷ lục ở Hà Nội trở nên nhem nhuốc, nhếch nhác. 

 Nhiều người lo ngại về chất lượng của những ngôi nhà mà người dân xây dựng lại từ ngôi nhà cũ bị cắt đôi trong quá trình GPMB. 

 Những ngôi nhà tạm, vật liệu xây dựng ngổn ngang. 

Một ngôi nhà dựng lên bằng tôn có hình dáng tứ giác méo, mỏng khiến cho bộ mặt của tuyến đường đắt kỷ lục này trở lên nhếch nhác, mất mỹ quan đô thị. 

 Việc xây dựng tuyến đường không đồng bộ với quy hoạch đã dẫn tới tình trạng nhiều nhà dân biến thành "hầm" sau khi phần vỉa hè của tuyến đường hoàn thiện. Trong ảnh là một nhà dân thấp hơn so với vỉa hè đường Vành đai 1 này là 1,5m. 

 Cũng trong tình trạng nhà thấp hơn vỉa hè, nhiều hộ dân tại tổ 5 phường Thanh Lương hàng ngày phải khom lưng ra vào nhà. 

 Điều này, khiến đời sống người dân trở nên khó khăn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn. 

Mặt vỉa hè cao bằng nóc cổng của nhà một người dân. 

Gần đó, hàng loạt những ngôi nhà cũng tồn tại cảnh mặt vỉa hè cao hơn nền nhà.  

"Vào nhà mà như đi vào hầm" là chia sẻ của nhiều người dân hai bên đường đắt kỷ lục này.  

 Bên cạnh đó, nhiều căn nhà khác trên tuyến đường Vành đai 1 này cao hơn vỉa hè. Người dân phải bắc cầu vào nhà. 

Sau khi giải phóng mặt bằng, nhiều căn nhà chỉ còn lại diện tích khá nhỏ. Trong ảnh là ông Bái, một người dân chỉ còn khoảng 11m2 sau khi GPMB. Theo ông, diện tích ở chỉ có 9m2, chiều sâu chưa đến 3m2, căn nhà thậm chí không đủ để kê một chiếc giường.

Hiện nay, đoạn đường dài 570 m này đã thực hiện xong việc GPMB và đang trong quá trình hoàn thiện mặt đường, vỉa hè.  

 Tuy nhiên, trong quá trình thi công, BQL Dự án không tuân thủ các quy tắc về an toàn. Trong khi các phương tiện đã được lưu thông trên tuyến đường này, nhiều hố ga chưa được đậy lắp nhưng không có biển cảnh báo, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.