22/11/2024 | 12:43 GMT+7, Hà Nội

Thêm nhiều sai phạm trong quảng cáo của Bảo Thanh Đường

Cập nhật lúc: 22/12/2015, 22:21

Tiếp tục điều tra về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường, PV tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp này.

Như đã đưa tin, thời gian qua, dư luận không khỏi bất bình trước việc Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường dường như đang có dấu hiệu "nhờn" luật khi liên tục để xảy ra hàng loạt sai phạm. Điều này khiến các doanh nghiệp chấp hành nghiêm lo ngại và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng.

Cụ thể, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 40 công ty vi phạm về an toàn thực phẩm với tổng số tiền phạt là hơn 751 triệu đồng, thu hồi hiệu lực 19 Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm. Đáng chú ý, đứng đầu danh sách doanh nghiệp bị xử phạt hành chính là Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường.

Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường vi phạm 3 quy định an toàn thực phẩm: Không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; Quảng cáo thực phẩm chức năng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Sản xuất thực phẩm chức năng khi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực. 

Trước vi phạm này, Cục An toàn thực phẩm đã ra quyết định xử phạt 65 triệu đồng.

Đây không phải là lần đâu tiên Công ty Cổ phần Bảo Thanh Đường vi phạm quy định về an toàn thực phẩm. Trước đó, doanh nghiệp này từng bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt do thực hiện quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Uy Linh Phong và Cường lực Hồi xuân trên website http://baothanhduong.com.vn, nội dung quảng cáo không đúng với nội dung đã đăng ký, được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

Tiếp tục điều tra về việc quảng cáo các sản phẩm thực phẩm chức năng của Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường, PV tiếp tục phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp này.

Cụ thể, trên trang web baothanhduong.com.vn hiện có quảng cáo về một số sản phẩm thực phẩm chức năng như: Kiều dung lộ Bảo Thanh Đường, Bình Khát Bảo Thanh Đường, Uy Linh Phong Bảo Thanh Đường, Cường lực hồi xuân hoàn…

Quảng cáo về một số sản phẩm thực phẩm chức năng trên trang web baothanhduong.com.vn.

Thực tế, đây là các sản phẩm thực phẩm chức năng được Cục ATTP (Bộ Y tế) cấp phép.

Theo Nghị định số 181/2013/NĐ-CP của Chính phủ, quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quảng cáo, khi tiến hành quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung khuyến cáo "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Tuy nhiên trong nội dung quảng cáo sản phẩm trên hoàn toàn không đề cập đến nội dung này. Rõ ràng, Công ty cổ phần Bảo Thanh Đường đã vi phạm Nghị định trên của Chính phủ.

Theo lời giới thiệu trên trang web baothanhduong.com.vn của doanh nghiệp này, ông Nguyễn Kim Châu - Phó giám đốc sản xuất Bảo Thanh Đường khẳng định: "Việc kiểm soát chặt chẽ đầu vào, đầu ra cùng khâu sản xuất đáp ứng đúng quy trình nghiêm ngặt, luôn luôn ý thức được từng sản phẩm phải thật chất lượng. Người bệnh khi mới bệnh đã khổ rồi, càng mong cho người bệnh nhanh hết bệnh thì càng phải chú trọng trong từng chi tiết sản xuất".

Tuy nhiên, khi Cục An toàn thực phẩm phát hiện hàng loạt sai phạm như trên, đặc biệt là việc không duy trì việc kiểm nghiệm định kỳ sản phẩm theo quy định; Quảng cáo thực phẩm chức năng mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; Sản xuất thực phẩm chức năng khi giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm hết hiệu lực thì Bảo Thanh Đường đang đi ngược lại chính triết lý kinh doanh của mình.

Ông Nguyễn Đăng Vịnh - Phó giám đốc kinh doanh Bảo Thanh Đường cho biết: "Các sản phẩm của Bảo Thanh Đường khi ra thị trường đều đáp ứng đông đảo nhu cầu của người tiêu dùng, những sản phẩm hộ trợ điều trị cho bệnh nhân khớp như: Uy Linh Phong Bảo Thanh Đường, hay Cường Lực Hồi Xuân Hoàn cho thận tốt, tăng cường sinh lý và tăng lượng tinh trùng cho người vô sinh thường lúc nào cũng cháy hàng.

Chúng tôi mong muốn phát triển thị trường ngày càng rộng lớn hơn nữa, đáp ứng đầy đủ những nguyện vọng của khách hàng là tiêu chí của chúng tôi".

Tuy nhiên, sau những lần vi phạm liên tiếp các quy định về an toàn thực phẩm, Bảo Thanh Đường liệu có còn giữ được sự tin tưởng của người tiêu dùng?

Thiết nghĩ, thời gian tới Cục An toàn thực phẩm cần tiếp tục tăng cường quản lý đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, quảng cáo thực phẩm chức năng, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Thu hồi hiệu lực Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm và Giấy xác nhận nội dung quảng cáo nếu cơ sở tái phạm hoặc vi phạm có tính chất nghiêm trọng; thực hiện công bố công khai cơ sở vi phạm trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy định.

Đây là những việc làm cần thiết nhằm bảo đảm môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh giữa các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người tiêu dùng.

Cần hiểu đúng về thực phẩm chức năng

Theo định nghĩa của cả Việt Nam lẫn thế giới, TPCN là các sản phẩm có nguồn gốc tự nhiên nhưng trong quá trình chế biến, nó được bổ sung thêm các chất "chức năng" giúp cải thiện sức khỏe, tăng sức đề kháng, làm giảm nguy cơ mắc bệnh…

Các chất "chức năng" ấy có thể là vitamin, khoáng chất, hoặc cây, củ, rễ, lá… có dược tính nhưng sản phẩm làm ra lại không dùng để chữa bệnh. Vì vậy, tất cả các loại TPCN đều phải ghi rõ "sản phẩm này không phải là thuốc, và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh".

Có thể nói, bởi sự thổi phồng về tính chất nên không ít người ngộ nhận về TPCN, dẫn đến việc dùng nó như thuốc chữa bệnh, hoặc tin rằng nó vô hại nên họ uống liên tục trong nhiều tháng, nhiều năm với quan niệm "không bổ bề ngang cũng bổ bề dọc"?

Ngày cũng như đêm, trên nhiều đài truyền hình, khá nhiều loại TPCN được quảng cáo với các tính năng chữa được bệnh này, bệnh kia rồi đến những giây cuối cùng của chương trình quảng cáo, câu: "Sản phẩm này không phải là thuốc và không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh" được đọc nhanh như gió, nhiều khi không nghe kịp!

Thực tế nhiều khảo sát lâm sàng đã chứng minh rằng nếu dùng TPCN trong một thời gian dài, sẽ dẫn đến hiện tượng rối loạn quá trình trao đổi chất do cơ thể phải liên tục xử lý những loại chất bổ và chất dinh dưỡng dư thừa. Sự dư thừa ấy kết hợp với các chất dư thừa dự trữ trong cơ thể sẽ khiến lượng mỡ trong máu tăng cao, mô mỡ phì đại, đường huyết tăng và các gốc oxy hóa cũng tăng theo, gây hại nhiều cơ quan, bộ phận.

Chưa kể TPCN còn có thể gây ra các phản ứng dị ứng từ nhẹ đến nặng cho người dùng, thậm chí gây sốc phản vệ dẫn đến tử vong. Ở Mỹ, Cơ quan FDA ghi nhận mỗi năm có khoảng 6 triệu người phải nhập viện vì những tác dụng phụ của "TPCN" còn ở ta, vẫn chưa có một nghiên cứu nào về vấn đề này nhưng có lẽ, con số bệnh nhân của "TPCN" dưới dạng tiểu đường, rối loạn mỡ máu, rối loạn chuyển hóa… chắc cũng chẳng ít!

Theo tìm hiểu của chúng tôi, trên thị trường hiện nay có không dưới vài nghìn loại TPCN mà trong đó, ngoài những loại trong nước sản xuất hoặc nhập từ nước ngoài, được Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cấp phép lưu hành thì cũng không ít TPCN đi theo đường "xách tay" với giá bán trên trời, chưa kể nhiều loại thuốc chữa bệnh được dán nhãn "TPCN" để khỏi qua khâu kiểm nghiệm lâm sàng, xin visa lưu hành…

Vì thế, có lẽ đã đến lúc các ngành chức năng cần trả lại cho "TPCN" ý nghĩa đúng với tên gọi của nó.

Thông tư số 08/2013/TT-BYT hướng dẫn về quảng cáo thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Bộ Y tế:

Theo quy định, các loại thực phẩm phải đăng ký nội dung khi quảng cáo gồm: thực phẩm chức năng; thực phẩm tăng cường vi chất dinh dưỡng; nước khoáng thiên nhiên; nước uống đóng chai; phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm và dụng cụ vật liệu bao gói chứa đựng thực phẩm trong quá trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Thông tư nghiêm cấm quảng cáo thực phẩm bằng hình thức bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế có nội dung mô tả thực phẩm có tác dụng chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm; thực phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng; thực phẩm có tác dụng như thuốc chữa bệnh....

Khi quảng cáo thực phẩm chức năng bắt buộc phải có nội dung “sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh”.

Tiêu dùng + sẽ tiếp tục thông tin./.