25/11/2024 | 10:56 GMT+7, Hà Nội

Thay đổi quy trình thưởng thức

Cập nhật lúc: 08/10/2020, 17:22

Ăn uống, ngoài bao nhiêu ý nghĩa, còn là thú vui, phải biết chuẩn bị và tạo ra tâm lý tiếp nhận cho tốt, thì khi ăn sẽ vui mắt, vui tai, vui cảm xúc, rồi mới đến vui… miệng được. Mà như thế mới là biết cách ăn ngon.

Hồi ở cơ quan cũ, có một chuyện như thế này, liên quan đến thưởng thức ẩm thực, hay gọi luôn là ăn uống, mà tôi nhớ mãi, sau thành kinh nghiệm cho mình.

Cùng phòng biên tập với tôi, có một nhà thơ hơn tôi một chút tuổi, cũng lịch duyệt, hiểu biết lắm. Anh ấy hay viết các tản văn và viết ngắn về ẩm thực cho các báo số cuối tuần, số chủ nhật. Viết cũng thú vị. Tôi hay đọc và trò chuyện với anh ấy về đề tài này, cũng tâm đắc.

Buổi trưa thường kéo nhau đi ăn đâu đó, món này, món khác. Hai chúng tôi đi cùng thì không sao, nhưng nếu tôi bảo chọn đi ăn cơm, anh ấy bảo ăn bún, thì chia thành hai nhóm. Và thường, tôi thấy hay có người ban đầu chọn đi với anh ấy, sau lại sang nhóm tôi. Ờ thì cũng bình thường, lúc trước thì thích thứ này, ngay sau đó lại chọn ăn thứ khác mà thôi.

Nhưng sau mấy lần xảy ra như thế thì tôi là lạ. Một lần, tôi hỏi cô bé mới về cơ quan làm tập sự biên tập: Sao lúc nãy bảo chọn ăn gì thì cháu dứt khoát xơi bún chả, rồi giờ lại sang nhóm chú để ăn cơm gà? Con bé cười, nói rất vô tư: “Thực ra, hôm nay cháu vẫn thích ăn bún chả, nhưng cháu chọn sang đi với nhóm chú vì biết sẽ ăn ngon hơn”.

Mâm cơm thường ngày vẫn có bao chăm chút của người sắp bữa.

“Vẫn cơm ấy, tiền ấy, sao lại bảo là biết sẽ ngon hơn”, tôi hỏi lại. Con bé lại cười: "Vì chú khi ăn thì hay khen, hay bình phẩm để thấy món ăn ngon hơn ạ". “Thế chú kia thì sao, chuyên gia ẩm thực, kiếm khá tiền nhuận bút tản văn về ẩm thực, về món ăn đấy”, tôi bảo thế. Con bé bảo: “Chú ấy viết báo thì hay, nhưng đi ăn thì việc đầu tiên là chê, nên ăn chả còn ngon nữa”. Nghe con bé nói thế, cả hội đều đồng tình với nó.

Và tôi nhớ lại, đúng là nhà thơ này hay chê thật. Đi ăn với anh, khi món được dọn ra, việc đầu tiên là anh ấy quan sát, rồi đưa ra nhận xét, kiểu như: Chết, chết, sao món thịt nướng lại quá lửa thế? Ô hay, nước chấm lại thiếu chanh tươi à? Này, rau sống không có tía tô à, là vứt đi rồi!... Nói chung, anh ấy nhận xét đúng, sau đó lại phân tích thêm, càng thấy đúng hơn… Nhưng sau khi nghe như thế thì thấy món ăn trước mặt mình bỗng trở nên xoàng xĩnh, chả xứng đáng ăn nữa, và đúng là bị giảm ngon đi rất nhiều.

Cũng đã có lần tôi định nói, thôi bác, để cho mọi người ăn ngon miệng đã, rồi hãy góp ý, thì anh ấy sẵng với tôi, ăn cứ như thế các cụ bảo là “thực bất tri kỳ vị đấy”. Thế là tôi im, chả nói, lần sau thì tránh đi ăn cùng anh cho nó… nhẹ vía.

Bữa cơm gia đình đầm ấm.

Tôi tưởng chỉ có mình tôi có cảm giác ấy, hóa ra nhiều người như vậy. Cái cô bé tập sự biên tập hồn nhiên, hôm ấy đã nói ra được đúng nguyên nhân.

Ăn uống, ngoài bao nhiêu ý nghĩa, còn là thú vui, phải biết chuẩn bị và tạo ra tâm lý tiếp nhận cho tốt, thì khi ăn sẽ vui mắt, vui tai, vui cảm xúc, rồi mới đến vui… miệng được. Mà như thế mới là biết cách ăn ngon. Ăn ngon thì hấp thụ dinh dưỡng tốt, tạo nên một trạng thái cơ thể hưng phấn hơn.

Ăn mà chán, ăn cho xong, ăn vô hồn, là lãng phí, thậm chí dễ tạo ra một trang thái cơ thể tiêu cực, có hại cho sức khỏe.

Bước vào bàn ăn, ta sẽ vui hơn khi có những lời khích lệ tâm trạng muốn ăn của ta. Chao ôi, sao mâm cơm hôm nay màu sắc nhìn thích mắt thế nhỉ! Chà cái món canh cua trông hấp dẫn thế kia! Xà lách làm rau sống ăn bún chả hôm nay là đầu mùa đấy!... Đại loại thế, chả thiếu gì những câu như thế để khích lệ mình muốn ăn, vui miệng thêm, ngay ở những bữa cơm ngày thường. Còn nếu hiểu biết, biết chia sẻ dí dỏm để mọi người cùng thêm hiểu về món ăn, thêm hào hứng khám phá nữa, thì càng tốt.

Ngược lại, dù là bữa cỗ sơn hào hải vị, được chuẩn bị kỹ càng đến đâu, nếu cứ chăm chăm với con mắt phê phán, cố tìm ra những thứ chưa chuẩn, và chưa ăn đã chê bai, thì cũng chả làm cho ta hứng thú thưởng thức mấy nữa.

Sau cái đận biết được căn nguyên, một lần cùng đi ăn với nhà thơ kia, tôi kèm sát. Vào bữa, tôi nhanh mắt quan sát các món dọn ra trên mâm, níu tay nhà thơ, nói: "Này, anh ơi, em phục anh như một chuyên gia ẩm thực. Hôm nay thay đổi quy trình thưởng thức đi. Em thấy món này có vẻ chuẩn đấy. Anh phân tích cho em xem nó chuẩn và ngon ra sao nào?"

Anh nhà thơ nhìn tôi hơi ngờ ngợ, cũng tại bởi theo thói quen nhìn ra cái định chê, nhưng thấy tôi vẻ chân thành. Bà chủ quán lại đế vào, nhà thơ mà khen cho thì còn gì bằng nữa. Thế là anh ấy chuyển sang phân tích khen món ăn ấy. Nói xong, tôi lại chỉ sang món ngon khác, bảo anh ấy phân tích. Anh ấy lại khen… Mọi người cùng ăn vui vẻ. Đến lúc anh ấy khen chán, định chê, tôi ngăn: Anh ơi, thay đổi quy trình thưởng thức, chén xong đã nhé. Anh ấy cười ngượng nghịu, rồi thôi, không nói nữa…

Sau lần ấy, sau này có dịp đi ăn cùng, bao giờ vào mâm, tôi cũng cười cười nói với nhà thơ: Thay đổi quy trình thưởng thức, anh nhé. Anh ấy nháy mắt, bảo: Anh hiểu ý chú rồi… Từ đó mọi người không chê đi ăn cùng nhà thơ ấy nữa.

Tôi kể chuyện này để bạn đọc xem lại mình xem có nên thay đổi như vậy không? Ngay cả khi ngồi xuống bàn ăn trong nhà ta, do vợ con ta sắp và dọn ra, nếu ta nhìn để chọn lấy những điều đáng khen, ta bật lên một lời khen chân thành, đúng chất, thì chính ta sẽ ăn ngon hơn, người sắp bữa và dọn ra cho ta ăn cũng sẽ vui hơn. Hạnh phúc được bắt đầu từ những điều nho nhỏ như thế thôi, mà gộp lại!

Tất nhiên, chả có bữa ăn nào là toàn bích, là không có điều gì để chê. Nếu ta thấy cần góp ý cho những điều ấy, thì hãy để sau bữa ăn, hoặc nói vào lúc khác, thích hợp nhất là khi bắt đầu chuẩn bị bữa ăn khác…