22/11/2024 | 17:31 GMT+7, Hà Nội

Thay đổi để hướng tới doanh nghiệp

Cập nhật lúc: 06/12/2018, 04:00

Bộ Tài chính mới đây cho biết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục cải cách thủ tục hàng chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan, chú trọng hiện đại hoá công tác quản lý thu thuế, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước.

Cần rà soát và giảm bớt thủ tục hành chính

 

Ngành thuế tăng cường cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực của mình (Ảnh TL)

Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các Nghị quyết 19/NQ-CP năm 2016, trong các năm 2017, 2018, Chính phủ luôn ưu tiên chú trọng việc cải cách thủ tục hành chính, trong đó có thủ tục về thuế, hải quan để tạo môi trường kinh doanh ngày càng thuận lợi cho các doanh nghiệp, tạo thuận lợi trong việc thực hiện các nghĩa vụ về thuế với ngân sách nhà nước.

Theo đó, Bộ Tài chính đã và đang tập trung vào công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp. Về hoàn thiện thể chế, Bộ Tài chính đã xây dựng, trình Quốc hội cho ý kiến tại kì họp thứ 6 Quốc hội khoá XIV vừa qua đối với dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và xem xét thông qua tại Kì họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV.

Bộ Tài chính cũng đã trình Chính phủ ban hành các Nghị định trong lĩnh vực tài chính, thuế và hải quan với các quy định về cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp. Đặc biệt, Bộ đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 151/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 14 nghị định trong lĩnh vực tài chính, qua đó cắt giảm, đơn giản hoá 117 điều kiện kinh doanh.

Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn về thuế, hải quan kịp thời, đồng thời chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan rà soát và xây dựng các chương trình hành động cụ thể nhằm giảm bớt thủ tục hành chính và giảm thời gian nộp thuế, thời gian khai cho người nộp thuế, ứng dụng mạnh mẽ vào công tác quản lý thuế, hải quan.

Theo Tổng cục Thuế cho biết, trong năm qua, được sự chỉ đạo của Bộ Tài chính, ngành thuế đã chủ động tăng cường cải cách thủ tục hành chính thuế trong việc cải cách các thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Trong tổng số 298 thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực thuế đều đã được chuẩn hóa và đã có tới 125 thủ tục hành chính được thực hiện Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 và 4. Tổng cục Thuế đang tiếp tục rà soát đơn giản hoá 30 thủ tục để nâng cao hơn nữa số lượng thủ tục hành chính, đáp ứng Dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3, 4. 

Ngành Thuế cũng tiếp tục mở rộng hệ thống khai thuế qua mạng. Đến nay đã triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố và 100% chi cục thuế trực thuộc; Tổng cục Thuế và 63 cục thuế phối hợp với 49 ngân hàng thương mại triển khai dịch vụ nộp thuế điện tử. Đến nay, số lượng doanh nghiệp đăng ký tham gia sử dụng dịch vụ với cơ quan thuế đạt tỷ lệ trên 98,1% số doanh nghiệp đang hoạt động. Ngành Thuế đã mở rộng dịch vụ hoàn thuế điện tử tại 63 tỉnh, thành phố, tổ chức hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế tại Hà Nội và TPHCM.

Về lĩnh vực Hải quan, Tổng cục Hải quan thông tin, thời gian qua, ngành Hải quan đã rà soát, cắt giảm, đơn giản hoá 233 thủ tục hải quan, tiếp tục thực hiện thủ tục hải quan điện tử. Đến nay, Hệ thống VNACCS/VCIS luôn được vận hành ổn định, an ninh, an toàn với sự tham gia của hơn 99,65% doanh nghiệp tại 100% đơn vị hải quan trên phạm vi toàn quốc. 

Tổng cục Hải quan đang triển khai Đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7, mở thêm một phương thức thanh toán thuế mới cho doanh nghiệp, theo đó người nộp thuế có thể nộp tiền thuế vào "mọi lúc, mọi nơi, mọi phương tiện". Hệ thống được chính thức triển khai từ ngày 23/10/2017, đến nay đã có 24 ngân hàng thương mại tham gia.

Đáng chú ý, thực hiện Nghị quyết 36a/NQ-CP của Chính phủ, ngay từ đầu năm 2017, Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan đã được chính thức triển khai trên Cổng thông tin điện tử hải quan. Đến nay, số lượng thủ tục hành chính được cung cấp Hệ thống Dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 được nâng lên 173/183 thủ tục hành chính (đạt trên 94,5%), trong đó có 164 thủ tục hành chính được cung cấp Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Tận dụng cơ hội để đổi mới

 

Cơ quan hải quan cần tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp và người dân (Ảnh TL)

Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, thời gian qua, Bộ Tài chính được ghi nhận luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính, nằm trong nhóm 3/19 bộ, cơ quan ngang bộ về chỉ số cải cách hành chính trong 4 năm qua (từ năm 2014 đến 2017) và là Bộ đứng đầu về chỉ số sẵn sàng cho phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin trong 6 năm liên tiếp (từ năm 2013 đến 2018).

Tuy vậy, đại diện VCCI cho rằng, bên cạnh những thành tựu quan trọng đã đạt được của ngành thuế và hải quan vẫn còn tồn tại một số vấn đề phát sinh từ thực tiễn đòi hỏi hai bên tiếp tục ngồi lại và trao đổi với nhau để tìm ra phương hướng giải quyết. Từ đó, Phó Chủ tịch VCCI kiến nghị, về lĩnh vực thuế, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn ngành thuế cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế, giảm thời gian thực hiện thủ tục hành chính thuế đối với các doanh nghiệp có lịch sử chấp hành tốt nghĩa vụ thuế. Ngành thuế cũng cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính thuế.

Riêng với lĩnh vực hải quan, các doanh nghiệp kiến nghị cơ quan hải quan cần tiếp tục cải tiến để đáp ứng tốt hơn yêu cầu của doanh nghiệp hiện nay và trong thời gian tới. Đồng thời cần mở rộng đối tượng doanh nghiệp ưu tiên trong lĩnh vực có rủi ro thấp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thực hiện thủ tục hành chính hải quan. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng kì vọng ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh kết nối 143/196 thủ tục hành chính đã đăng ký, đồng thời tham gia và triển khai đầy đủ Cơ chế một cửa ASEAN theo đúng cam kết và lộ trình thực hiện với các nước ASEAN.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, chính sách và thủ tục hành chính về thuế và hải quan đòi hỏi phải liên tục được hoàn thiện, cập nhật kịp thời cho phù hợp với yêu cầu thực tế; trong khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp lại rất sôi động, đa dạng. Tất cả nhằm mục tiêu tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp về thủ tục hành chính, chính sách thuế và hải quan, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư tại Việt Nam.

Cùng với các giải pháp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, Bộ Tài chính mong muốn doanh nghiệp Việt Nam chủ động tận dụng hơn nữa các cơ hội để đổi mới, nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần tuân thủ đúng, đầy đủ các quy định của pháp luật về thuế, hải quan, đóng góp vào mục tiêu chung về phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu, rộng và đầy thách thức như hiện nay.

Minh Phượng