19/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Thập kỷ chuyển mình ngoạn mục của công nghệ số

Cập nhật lúc: 01/11/2022, 11:14

Từ một “tiện ích” dành cho những tín đồ công nghệ, chỉ sau một thập niên, các ứng dụng đặt xe, giao hàng, gọi đồ ăn… đã trở thành một trong những danh mục không thể thiếu của đa số người dân Việt Nam.

Cuộc gia nhập của những “ông lớn công nghệ” đã giúp khai phá thị trường, lột xác nhiều ngành dịch vụ, mở ra một thị trường công nghệ được đánh giá tiềm năng hàng đầu Đông Nam Á.

“App” không chỉ dành cho người trẻ

Cách đây gần 10 năm khi mới vào TP.HCM, tôi lấy làm lạ khi hầu hết các anh chị đồng nghiệp, trong nhiều cuộc trò chuyện bên lề lại bầu nhân vật “chú Lệ” là người quan trọng nhất cơ quan. Chú Lệ là chú xe ôm, ở gần cơ quan tôi. Nhưng, gọi nghề của chú là xe ôm thôi chưa đủ vì hồi đó, hầu hết mọi hoạt động của các anh chị trong cơ quan - từ đi làm, đưa đón con, chuyển thư, sửa quần áo… đều nhờ chú Lệ. Xe ôm, taxi thì không thiếu nhưng mọi người đều “ngại” vì đi xe lạ, mỗi lần lên phải một lần trả giá.

Thời đó, tôi cũng không còn nhớ nếu muốn gửi đồ cho bạn bè, người thân trong thành phố thì phải làm thế nào… Hình như mọi người sẽ chạy tới tận nơi đưa đồ hoặc nhờ người tin tưởng như chú Lệ.

Đầu năm 2014, Grab đặt chân vào Việt Nam với tên gọi GrabTaxi. Ứng dụng này khi đó chỉ là một phần mềm công nghệ hỗ trợ dịch vụ kết nối với các hãng taxi. Nghĩa là thay vì gọi taxi qua tổng đài, khách hàng có thể sử dụng app (ứng dụng) Grab trên điện thoại để đặt taxi. Thông tin tài xế, quãng đường được hiển thị đầy đủ, giá cước đã được ước tính và báo rõ trước.

Đến tháng 10.2014, khi dịch vụ GrabBike ra đời và sau đó là GrabCar được Bộ giao thông vận tải cấp phép thí điểm vào năm 2016, cuộc chơi công nghệ tại Việt Nam mới chính thức bắt đầu. Trên khắp các con đường, màu áo xanh, mũ xanh in dòng chữ Grab chạy len lỏi giữa các phương tiện. Minh bạch thông tin, giá cước, dịch vụ chất lượng… hàng loạt điểm cộng đã giúp Grab nhanh chóng bùng nổ. Theo sau Grab, hàng loạt ứng dụng gọi xe khác ra đời. Chỉ trong vài năm, ngành vận tải Việt Nam đã chứng kiến bước chuyển mình ngoạn mục.

Không chỉ dừng lại ở một ứng dụng gọi xe, tham vọng trở thành siêu ứng dụng với một hệ sinh thái phục vụ tối đa nhu cầu thường nhật của người dân thúc đẩy Grab liên tục ra mắt nhiều dịch vụ như giao hàng, gọi đồ ăn, đi chợ hộ… Thói quen tiêu dùng của người Việt dần thay đổi. Chẳng ai có thể hình dung đến một ngày, chỉ cần ngồi một chỗ, cầm điện thoại lên vừa đặt xe đi làm, vừa gọi một món ăn ưa thích cho bữa tối của gia đình, lại vừa gửi được một giỏ trái cây sang biếu ông bà nội. Chỉ với một ứng dụng có thể thay thế 3 - 4 “chú Lệ” ở cơ quan tôi, lại không phải dùng đến tiền mặt. Dần dà, với những người dân sống ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM… từ già đến trẻ, Grab đã trở thành ứng dụng “phải có” trong điện thoại của nhiều mọi người.

Từ một “tiện ích” dành cho những tín đồ công nghệ, chỉ sau một thập niên, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… đã trở thành một trong những danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân Việt Nam.
Từ một “tiện ích” dành cho những tín đồ công nghệ, chỉ sau một thập niên, các ứng dụng đặt xe, ứng dụng giao hàng, gọi đồ ăn… đã trở thành một trong những danh mục không thể thiếu trên màn hình điện thoại của đa số người dân Việt Nam.

“Grab đã thay đổi cuộc đời tôi!”

Gắn bó với Grab đã gần 8 năm, anh Châu Kim Hải - tài xế GrabCar không mất một giây suy nghĩ để khẳng định “Grab là lựa chọn chính xác trong cuộc đời làm nghề của tôi”. Hơn 30 năm làm tài xếnên anh Hải thấy rõ nhất sự thay đổi của thị trường vận tải hành khách ở Việt Nam. “Năm 2014, khi Grab bắt đầu vào Việt Nam, tôi đã kết hợp với họ chạy GrabTaxi. Tôi thích công nghệ, thấy hay là thử liền. Phải nói là cực kỳ thú vị. Khách hàng đặt xe thuận tiện, lên xe cũng yên tâm, giao lưu với tài xế thoải mái hơn nhiều.

Được một thời gian, tôi quyết định nghỉ chạy taxi, thuê xe chạy GrabCar rồi tích cóp, vay ngân hàng mua được chiếc xe của riêng mình. Công việc giờ tự do, thoải mái, không ràng buộc giờ giấc, thu nhập khá, lại có được tài sản là chiếc xe. Còn mong chờ gì hơn nữa”, anh Hải vui vẻ chia sẻ.

Không phải tài xế chuyên nghiệp như anh Hải, câu chuyện bác Nguyễn Minh Hùng - từng là phó giám đốc một doanh nghiệp chuyển sang chạy GrabBike không khỏi khiến người ta tò mò. Bác Hùng kể: “17 năm làm nhà nước sau đó ra lập nghiệp, làm tới chức phó giám đốc một công ty nhựa nhưng không may, công ty phá sản, bác phải lăn lộn làm qua rất nhiều nghề để mưu sinh. Cuộc sống bấp bênh cho đến khi vô tình thấy trên Facebook thông tin GrabBike đang tìm tài xế, thấy dịch vụ này “hay hay” nên tham gia thử, rồi “dính” luôn, nghiện luôn”, bác Hùng nói.

Lý giải cái “chất gây nghiện” đó, bác Nguyễn Minh Hùng cho biết Grab đã thay đổi cuộc sống, mang lại cho bác rất nhiều thứ. Không chỉ có sự tự do, thoải mái mà thu nhập hằng tháng cũng tốt. Mỗi tháng, trừ hết chi phí, bác tài này được khoảng 15 triệu đồng. Nhờ Grab, bác Hùng có tiền nuôi cậu con trai học trường y (giờ đã thành bác sĩ ở một bệnh viện lớn ở TP.HCM), lấy vợ cho con, gả chồng cho con gái, rồi còn để dành được hơn 400 triệu đồng sửa nhà.

“Hồi 2017, tôi được Grab mời đi du lịch Indonesia. Đó là phần thưởng cho những tài xế xuất sắc, chạy có thu nhập cao nhất. Cả TP.HCM chỉ có 5 người được đi, trong đó có tôi. Đó là chuyến xuất ngoại đầu tiên trong cuộc đời tôi. Rồi nào áo thun, nào túi xách, nào nón, khẩu trang… thi thoảng có lễ kỷ niệm lại 1 triệu, 3 triệu đồng thưởng vào tài khoản… Grab chăm sóc thế bảo sao không nghiện. Tôi sẽ chạy Grab đến khi nào không còn đủ sức để chạy nữa”, bác Hùng quả quyết, không giấu nổi xúc động.

Không chỉ thay đổi cuộc đời của nhiều tài xế công nghệ, Grab còn giúp nhiều nhà hàng, quán ăn “sang trang” nhờ dịch vụ giao đồ ăn GrabFood. Đơn cử, từ khi tham gia GrabFood, quán cơm tấm Cô Hoa với hơn 20 năm tại TP.HCM có doanh thu trung bình 8 triệu đồng, có khi lên đến 30 triệu đồng/ngày, chỉ tính riêng trên GrabFood. Anh Vũ Ngọc Hoan - con trai cô Hoa cho biết dịch Covid-19 là biến cố khiến anh phải suy nghĩ, cân đo làm sao duy trì sinh kế của gia đình. Như bao hộ kinh doanh khác trong thời dịch, được người quen giới thiệu và nhận thấy tiềm năng lớn từ GrabFood, anh quyết định “số hóa” quán ăn. “Lúc mới tham gia còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng các bạn chăm sóc đối tác của Grab tận tình hướng dẫn và hỗ trợ rất nhiều nên anh không mất nhiều thời gian tìm hiểu”, anh Hoan chia sẻ. Với tiếng tăm hơn chục năm nay, cộng thêm các chương trình ưu đãi từ Grab đa dạng và có lợi cho thực khách nên lượng đơn tăng rõ từ 100 - 200 đơn mỗi ngày.

Rõ ràng, không chỉ đời sống được cải thiện mà Grab còn giúp anh Hải, bác Hùng, anh Hoan cùng hàng trăm ngàn tài xế, nhà hàng, quán ăn… trên khắp cả nước có cơ hội tiếp cận với công nghệ, không bị bỏ lại sau trong nền kinh tế số.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thap-ky-chuyen-minh-ngoan-muc-cua-cong-nghe-so-20201231000008016.html