19/01/2025 | 16:22 GMT+7, Hà Nội

Tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng

Cập nhật lúc: 04/04/2019, 02:02

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Chỉ thị 09/CT-TTg về các giải pháp tập trung tháo gỡ cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 6 tháng và cả năm 2019.

Quý I năm 2019 đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm. Ảnh minh họa

Quý I năm 2019 đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm. Ảnh minh họa

Chỉ thị nêu rõ, năm 2019 được xác định là năm bứt phá để hoàn thành thắng lợi các Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm giai đoạn 2016 - 2020. Với phương châm hành động "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả", ngay từ đầu năm, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã tích cực triển khai thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2019.

Mặc dù vậy, tăng trưởng GDP Quý I năm 2019 thấp hơn kịch bản tăng trưởng đã được xây dựng từ đầu năm. Mặt khác, đã xuất hiện những khó khăn tác động đến tăng trưởng kinh tế, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại, xuất khẩu một số mặt hàng chủ lực giảm, giải ngân vốn đầu tư công nhất là đối với các dự án lớn chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh trên vật nuôi diễn biến phức tạp, nhất là dịch tả lợn Châu Phi…

Do đó, để có thể đạt và vượt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước năm 2019 là 6,8%, nhiệm vụ của những tháng cuối năm, trong đó có việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là rất nặng nề, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phấn đấu của tất cả các ngành, các cấp trong tất cả các lĩnh vực. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước tập trung chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp.

Chỉ thị đã đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, đó là: Đẩy mạnh xây dựng và hoàn thiện thể chế. Cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ nút thắt hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo động lực cho doanh nghiệp phát triển. Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất; đẩy mạnh phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản phục vụ xuất khẩu, bảo đảm hoàn thành kế hoạch xuất khẩu đề ra. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án công nghiệp quy mô lớn, bảo đảm giải ngân 100% nguồn vốn đầu tư công trong năm 2019.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu. Phát triển mạnh mẽ du lịch, góp phần lan tỏa tới nhiều ngành sản xuất, dịch vụ thị trường phát triển. Tổ chức các hội nghị quốc gia tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng.

Về nhiệm vụ, giải pháp thực hiện các giải pháp kiểm soát dịch bệnh ở gia súc, gia cầm, ổn định sản xuất... Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo quyết liệt và triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, bệnh tai xanh, bệnh lở mồm long móng theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng tại Chỉ thị 04/CT-TTg ngày 20/3/2019...

Về thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển bứt phá thị trường trong nước, đẩy mạnh tăng trưởng xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và PTNT và các bộ, ngành liên quan tổ chức lại thị trường trong nước; tăng cường tổ chức các hoạt động kết nối doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản của Việt Nam với các doanh nghiệp có nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc qua các cửa khẩu biên giới, đặc biệt đối với các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và Trung Quốc đang có nhu cầu lớn như trái cây, thủy sản, gạo, cà phê… đa dạng hóa, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản; tăng cường quản lý chặt chẽ gỗ nhập khẩu để tận dụng các lợi thế có được từ việc cắt giảm thuế quan khi Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP