21/01/2025 | 01:00 GMT+7, Hà Nội

Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án điện tái tạo sớm đưa vào vận hành

Cập nhật lúc: 05/06/2023, 13:42

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến chiều 2/6, có 9 dự án, phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia.

65/85 dự án gửi hồ sơ đàm phán giá điện

Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam, tính đến hết ngày 2/6, đã có 65/85 dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp với tổng công suất 3.643,861MW gửi hồ sơ cho Công ty Mua bán điện để đàm phán giá điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong đó có 56 dự án (tổng công suất 3087,661MW) đã đề nghị giá tạm bằng 50% giá trần của khung giá (theo Quyết định số 21/QĐ-BCT ngày 7/1/2023 của Bộ Công Thương). EVN và chủ đầu tư đã hoàn thành đàm phán giá và ký tắt hợp đồng PPA với 51/56 dự án, trong đó Bộ Công Thương đã phê duyệt giá tạm cho 40 dự án.

19 dự án đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền nghiệm thu công trình/một phần công trình; 27 dự án đã được cấp giấy phép hoạt động điện lực toàn nhà máy/một phần nhà máy; 24 dự án đã có quyết định gia hạn chủ trương đầu tư.

Tính đến chiều 2/6, đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD).
Tính đến chiều 2/6, đã có 10 dự án gửi hồ sơ công nhận ngày vận hành thương mại (COD).

Trong đó có 9 dự án, phần dự án với tổng công suất 472,62 MW đã hoàn thành thủ tục COD, chính thức được phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia.

Thông tin tại phiên họp Quốc hội chiều 1/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, một số dự án điện gió, điện mặt trời tái tạo chuyển tiếp vẫn chưa gửi hồ sơ tới EVN là do các chủ dự án không muốn đàm phán theo khung giá Bộ Công Thương ban hành. Các chủ đầu tư cho rằng giá điện này còn thấp hoặc có khó khăn về truyền tải điện.

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Diên, nhiều chủ đầu tư các dự án đã chạy đua với thời gian nên bỏ qua hoặc bỏ sót các khâu, các thủ tục theo quy định của pháp luật, thậm chí là vi phạm các quy định của pháp luật chuyên ngành để hưởng giá FIT (biểu giá điện hỗ trợ).

Bộ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh, chính sách giá FIT đã hết thời hiệu, thể hiện ngay trong quyết định của Thủ tướng "chứ không phải dừng đột ngột". Để tháo gỡ khó khăn cho các dự án này khi không kịp hoàn thành trong thời gian hưởng giá FIT, Bộ Công Thương đã ban hành khung giá phát điện theo Quyết định 21. Mức giá này giảm khoảng 7,3 % so với giá ưu đãi FIT 2 được ban hành năm 2020; giá FIT 2 lại giảm 8% so với giá FIT ban hành năm 2017.

Ông Nguyễn Hồng Diên khẳng định: "Cơ chế giá cho các dự án điện gió, điện mặt trời chuyển tiếp như khung giá hiện hành là phù hợp với giá thế giới và thực tiễn kinh tế - xã hội trong nước".

Đảm bảo cung ứng điện 

Phát biểu trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và thực hành tiết kiệm chống lãng phí, ngày 1/6, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Hiển (Đoàn Lâm Đồng) cho rằng, việc thay đổi đột ngột về mặt chính sách đã gây lãng phí các nguồn điện tái tạo khi đang trong tình trạng thiếu điện đang hiển hiện.

Tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện cho các dự án điện tái tạo sớm đưa vào vận hành - Ảnh 1
Tính đến chiều 2/6, có 9 dự án, phần dự án với tổng công suất 472,62 MW chính thức được phát điện thương mại lên lưới điện quốc gia. (Ảnh minh họa)
Những năm gần đây, nhiều nhà máy điện mặt trời, điện gió công suất lớn đã hoàn thành xây dựng và đi vào vận hành phát điện. Tuy nhiên, việc đầu tư các công trình truyền tải điện không đáp ứng được nhu cầu thực tế, dẫn đến EVN phải cắt giảm công suất phát điện của các nhà máy, gây lãng phí tài nguyên và thiệt hại kinh tế cho các doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực này.

Trong khi đó, Việt Nam đang trong tình trạng thiếu điện và phải nhập khẩu điện từ nước ngoài. “Theo số liệu, hiện nay chúng ta nhập 1.272 MW, dự kiến đến năm 2030 nhập 5.743 MW. Những bất cập nêu trên có tác động tiêu cực, ảnh hưởng trực tiếp đến sự sống còn của doanh nghiệp và môi trường đầu tư”, ông Hiển thông tin.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, liên quan đến việc giải quyết các dự án điện gió, điện mặt trời không nằm trong Quy hoạch, ngày 15/5/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đã ban hành 10 công văn chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc EVN và các chủ đầu tư dự án điện khẩn trương đàm phán, thống nhất giá điện, đảm bảo nguyên tắc giá điện với lợi nhuận hợp lý, các dự án tuân thủ quy định pháp luật và không vượt quá khung giá phát điện.

Hiện nay, đã có 55/63 UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo cung ứng điện, tiết kiệm điện trên địa bàn. Kết quả, sản lượng điện tiết kiệm hàng ngày đạt mức khoảng 20 triệu kWh/ngày (tương đương khoảng 2,5% điện năng tiêu thụ hàng ngày).

Cũng theo ông Đỗ Thắng Hải, thời gian tới, với quy mô tổng công suất đạt 81.504 MW, trong khi nhu cầu phụ tải cao nhất là hơn 44.000 MW, nếu đảm bảo các tổ máy không gặp sự cố, vận hành tin cậy, nhiên liệu đủ, điều tiết nước các hồ hợp lý, thì chúng ta có thể khắc phục vấn đề thiếu điện và đảm bảo điện cho đời sống người dân và sản xuất của doanh nghiệp.

Để ứng phó với tình hình khó khăn trong cung cấp điện thời gian cao điểm nắng nóng năm 2023, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã triển khai ngay lập tức các giải pháp nhằm đảm bảo cung cấp điện, chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải quyết liệt, khẩn trương nhằm ứng phó, đảm bảo cung cấp điện trong các tháng cao điểm nắng nóng.

Theo đó, đã chỉ đạo các đơn vị điện lực tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao về bảo đảm cung ứng điện mùa khô năm 2023.

Rà soát công tác vận hành hệ thống điện, chỉ đạo các đơn vị phát điện chuẩn bị nhiên liệu sẵn sàng phục vụ cho phát điện, thành lập, tăng cường các bộ phận trực ca và ứng trực hỗ trợ công tác vận hành, thực hành tiết kiệm điện ngay trong các đơn vị nội bộ, đảm bảo an toàn lưới điện truyền tải, lưới điện phân phối đảm bảo cho vận hành an toàn, hiệu quả, khẩn trương khắc phục những sự cố, tồn tại để đưa vào vận hành các nhà máy điện, phục vụ cho cung cấp điện.

Đồng thời, tăng sản lượng than cho cấp điện, điều tiết việc cung cấp than để tăng lượng than cho phát điện khoảng 300.000 tấn cho tháng 5 và khoảng 100.000 tấn cho mỗi tháng tiếp theo (tháng 6, tháng 7); tăng 18% lượng khí cấp khu vực Đông Nam Bộ và 8% lượng khí cấp khu vực Tây Nam Bộ cho sản xuất điện.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/thao-go-vuong-mac-tao-dieu-kien-cho-cac-du-an-dien-tai-tao-som-dua-vao-van-hanh-78001.html