18/01/2025 | 17:10 GMT+7, Hà Nội

Thanh toán không dùng tiền mặt: Xu hướng tất yếu của tương lai

Cập nhật lúc: 01/01/2020, 10:00

TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt mang lại nhiều mặt tích cực cho xã hội và thúc đẩy phát triển kinh tế.

Thanh toán phi tiền mặt đang là xu hướng tất yếu của cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0. Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết Định số 2545/QĐ-TT về Phê duyệt đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020, tỷ trọng tiền mặt trên tổng thanh toán ở mức thấp hơn 10%.

Tuy nhiên, báo cáo đến hết quý 3/2019, tỷ lệ giao dịch bằng tiền mặt lên đến 79% và phi tiền mặt chỉ chiếm 21%. So với các năm trước kết quả này khá khả quan, nhưng để đạt được mục tiêu của Quyết Định 2545/QĐ-TT thì phương pháp thanh toán phi tiền mặt còn nhiều vấn đề cần cải thiện. Để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc phỏng với chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu.

Chuyên gia tài chính – ngân hàng, TS. Nguyễn Trí Hiếu

PV: Theo số liệu thống kê thì độ tuổi của người Việt sử dụng Internet chủ yếu là từ 24 - 52 (chiếm tới 45,22%) và giới trẻ cũng là tầng lớp dùng thanh toán phi tiền mặt nhiều nhất. Tại sao thanh toán phi tiền mặt lại phổ biến với tầng lớp này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Thứ nhất, những người trẻ quan tâm đến vấn đề trải nghiệm, họ dùng smartphone rồi QR Code, ví điện tử… Tất cả những cái gì mới mẻ thì họ thích “nghịch” như một trải nghiệm mới. Thứ hai, những người trẻ thường mua sắm tại siêu thị hoặc cửa hàng hiện đại, tại đây có sẵn những thiết bị chấp nhận thanh toán phi tiền mặt.

Những người trung niên hoặc cao tuổi vẫn ưa sử dụng tiền mặt hơn. Thứ nhất, nó tiện lợi và không cần bất cứ ứng dụng gì, người nào có điện thoại hay không có điện thoại đều sử dụng được và đó là thói quen từ bao nhiêu năm. Đặc biệt, dùng tiền mặt không có rủi ro như những công nghệ thanh toán phi tiền mặt. Tiền mặt cùng lắm chỉ bị móc túi, không bị hack tiền trong account. Nhất là đối với những người già sinh hoạt loanh quanh trong khu xóm, chợ búa bình dân thì việc thanh toán phi tiền mặt rất hiếm.

PV: Vậy theo ông, với sự hưởng ứng của tầng lớp trẻ thì có thể lấy phương thức thanh toán không dùng tiền mặt định hướng cho tương lai không?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Để phát triển nền kinh tế Việt Nam thì thanh toán phi tiền mặt nên bắt buộc. Bởi vì sử dụng nhiều tiền mặt như hiện nay phí tổn và rủi ro rất lớn cho xã hội. Đó là phí in tiền, phân phối tiền trong hệ thống các ngân hàng... Rồi rủi ro rửa tiền vì tất cả những hành động tội phạm như mại dâm; buôn ma túy; đánh bạc… đều dùng tiền mặt bởi nó không để lại bất cứ dấu vết gì để truy cứu được tội phạm qua thanh toán bằng tiền mặt. Nhất là vấn đề rửa tiền từ tiền bẩn, tiền tham nhũng sang tiền sạch luôn được thực hiện bằng tiền mặt. Không có hoạt động tham nhũng, hối lộ nào chuyển khoản. Hành động này khiến các cơ quan điều tra dễ dàng “sờ gáy” cho nên hầu như tội phạm vẫn dùng tiền mặt.

Thanh toán không dùng tiền mặt là xu thế của tương lai

PV: Đề án phát triển phi tiền mặt 2016 - 2020 thanh toán tiền mặt 10%, nhưng năm 2019 vừa qua tỷ lệ dùng tiền mặt lại lên đến 71%, vậy theo ông đề án này có bất khả thi?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Trước hết định nghĩa 10% đó là tính cho tất cả các phương tiện thanh toán, kể cả hoạt động chuyển ngân, trả tiền hàng hóa giữa các doanh nghiệp với nhau. Nếu cộng tất cả những hoạt động đó thì tỷ lệ không dùng tiền mặt của mình cũng đã xuống thấp đến mức 15% theo dự tính của tôi, thành ra đạt tới mức 10% không còn quá xa.

Tuy nhiên, đó là tính tổng tất cả các phương tiện thanh toán, cộng tất cả các giao dịch thanh toán của các cá nhân, doanh nghiệp, cơ quan. Nếu chỉ tính hoạt động tiêu dùng của người dân, không bao gồm các doanh nghiệp, cơ quan thì có lẽ 80% vẫn dùng tiền mặt, tỷ lệ không dùng tiền mặt chỉ được khoảng 20%. Vì vậy, nếu đặt ra tỷ lệ dùng tiền mặt từ 80% xuống 10% đối với người tiêu dùng là bất khả thi, ít nhất là trong thời gian 3 năm tới.

PV: Nếu như vậy thì theo ông, để lộ trình đó thành hiện thực cần có những biện pháp gì?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Cái thứ nhất, vấn đề giáo dục quần chúng rất quan trọng. Chính phủ thông qua Ngân hàng Nhà Nước (NHNN) phải có một chương trình giáo dục tài chính cho toàn dân. Hiện tại NHNN cũng đã có chương trình “Đồng tiền khôn” trên kênh VTV2, chương trình đó cũng đề cập đến việc sử dụng phi tiền mặt như thế nào, tại sao phải mở tài khoản ngân hàng, nhưng chương trình đó vẫn còn giới hạn. Phải mở rộng giáo dục tài chính tại tất cả các trường học, cơ quan và yêu cầu ngay cả các ngân hàng thương mại phải phổ biến những chương trình tài chính căn bản đó cho khách hàng của mình.

Tôi đã tham dự một chương trình như vậy ở Mỹ. Chính phủ Mỹ có một chương trình có tên là “Money Smart” (Khéo dùng tiền) của Cơ quan bảo hiểm tiền gửi Quốc gia (FDIC). Chương trình này đã có từ 20 năm nay, phổ biến cho tất cả các trường học, ngân hàng để tất cả mọi người đều biết. Việt Nam mình cũng nên có một chương trình giáo dục tài chính căn bản phổ biến như vậy.

Vấn đề thứ hai, Chính phủ nên có những biện pháp thật mạnh, bắt buộc những cơ quan như bệnh viện, trường học, công sở khi nhận thanh toán thì chỉ chấp nhận thanh toán bằng thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển khoản chứ không nhận tiền mặt. Dĩ nhiên là cần có lộ trình ít nhất 3 năm, từ nay cho đến 2022 chẳng hạn, tất cả các cơ quan đều chỉ nhận thanh toán phi tiền mặt. Nếu để thả lỏng như hiện nay thì có lẽ 5 năm tới vẫn còn lưu thông tiền mặt rất nhiều.

PV: Với những biện pháp như Tiến sĩ đã nói thì có khó thực hiện tại các vùng tỉnh lẻ hay nông thôn khi mà người dân vẫn chưa quen với công nghệ số?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Những chương trình như "Smart money" hoàn toàn áp dụng được các vùng nông thôn chứ không chỉ thành phố. Ở Mỹ họ thực hiện chương trình đó bằng cách phát hành video, sách báo phổ biến đến tất cả mọi nơi trên toàn nước Mỹ để các trường học, làng xã đều biết đến. Việt Nam cũng hoàn toàn có thể làm như vậy qua hệ thống công nghệ thông tin, truyền tải qua mạng xã hội, đưa đến tất cả các cơ quan làng xã, UBND, trường học ở vùng nông thôn khá dễ dàng.

Việt Nam có lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực. Nguồn: Thống kê của World Bank.

PV: Rất nhiều người muốn thanh toán không dùng tiền mặt nhưng lại chưa thực sự tin tưởng vào các biện pháp bảo mật của các ngân hàng, vậy thì ông có quan điểm thế nào về vấn đề này?

TS. Nguyễn Trí Hiếu: Đúng là vấn đề bảo mật của các ngân hàng Việt Nam còn nhiều lỗ hổng tạo tâm lý e ngại cho nhiều người muốn sử dụng hình thức thanh toán phi tiền mặt. Hơn nữa, trong thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ mất tiền trong tài khoản khiến nhiều người lo ngại vấn đề bảo mật và dùng tiền mặt an toàn hơn.

Như tôi chẳng hạn, một chuyên gia tài chính nhưng vẫn thủ sẵn trong túi một số tiền nhỏ để thanh toán tiền mặt và chỉ dùng thẻ khi lấy tiền ở ATM hay thanh toán những món tiền lớn thì dùng thẻ tín dụng, rất ngại dùng thẻ ngân hàng vì rủi ro lớn.

Vậy để vượt qua khó khăn đó thì các ngân hàng phải tăng tính bảo mật và tất cả những vấn đề bị mất tiền trên thẻ, trên tài khoản cần phải làm sao tiêu trừ được nó hoặc giảm thiểu đến mức tối đa, để người dân có thể an tâm dùng tài khoản ngân hàng và những phương tiện thanh toán phi tiền mặt khác.