Thành phố thông minh với Hà Nội: Trong cái khó ló ra cơ hội
Cập nhật lúc: 12/03/2019, 19:00
Cập nhật lúc: 12/03/2019, 19:00
Trước hết cần phải khẳng định, việc phát triển đô thị thông minh đang là mục tiêu được nhiều quốc gia trên thế giới hướng tới trong cuộc cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0. Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng cũng không nằm ngoài xu hướng này.
Không thể đứng ngoài cuộc chơi
Để tạo động lực phát triển thành phố thông minh, các chuyên gia thường lấy ví dụ về sự thành công của Singapore. Đây là trường hợp “vượt khó điển hình” khi họ xây dựng thành công thành phố thông minh trên nền tảng và điều kiện giới hạn, nhất là thiếu đất.
Vậy đảo quốc sư tử đã làm thế nào? Tại Diễn đàn Kinh tế thế giới về Asean 2018, ông Janil Puthucheary, Bộ trưởng Bộ giao thông Singapore từng chia sẻ, đất nước này đã gặp phải nhiều thách thức như hạn chế về mặt tài nguyên, diện tích... Nhưng Singapore đã có cách tiếp cận phù hợp thông qua thiết kế hợp lý, tư duy dài hạn và tạo ra những không gian cần có cho người dân để họ sinh sống.
Không chỉ vậy, Singapore còn đưa ra một khái niệm mới là quốc gia thông minh, tận dụng những thế mạnh của công nghệ làm cốt lõi để hướng đến công cuộc tái cấu trúc lại nền kinh tế.
Hiểu được hạn chế của quốc gia mình nên từ lâu, dân Singapore luôn cho rằng phải thay đổi tư duy để hướng tới mục đích tốt hơn. Họ thấm nhuần tư tưởng "thông minh" là phải mang tính chuyển đổi, phải tạo ra những cơ hội mới, tạo ra công ăn việc làm, kết quả thực sự dựa trên tất cả những gì mà chúng ta đánh giá hiện nay.
Và cũng vì thiếu đất, trong quá trình xây dựng thành phố thông minh, Singapore gần như không có một phương án B để thay thế. Đối với họ, mọi sự thay đổi sẽ phải thật chính xác, bởi nếu có rủi ro thì sẽ không có cơ hội để sửa đổi.
Bài học từ Singapore cho thấy, bất cứ quốc gia nào cũng có thể trở thành quốc gia thông minh và có thành phố thông minh. Tuy nhiên, vì điều kiện khác nhau, mỗi quốc gia đều phải xây dựng kế hoạch phát triển cho phù hợp.
Quay lại câu chuyện của Hà Nội, xây dựng thành phố thông minh là yêu cầu cấp thiết. Hiện tại, hạ tầng đô thị tại Thủ đô căn bản ở mức sơ khai, kể cả tại khu trung tâm thành phố. Chưa kể, Hà Nội đang phải đối mặt với nhiều vấn đề từ sự tăng trưởng quá nhanh về mặt dân số cũng như xu hướng chuyển từ nông thôn về thành thị của người dân.
Quá trình đô thị hóa khiến Hà Nội đang gặp phải nhiều thách thức như: Tốc độ đô thị hóa nhanh, số người di cư về thành phố đông; các vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, ô nhiễm môi trường...
Huy động mọi nguồn lực
Một thành phố hay quốc gia càng chịu áp lực giao thông bao nhiêu thì yêu cầu xây dựng thành phố thông minh hay quốc gia thông minh càng trở nên cấp bách. Dù chưa có sự phối hợp đồng bộ các cơ quan chức năng, các địa phương, doanh nghiệp nhưng việc triển khai đang có dấu hiệu tích cực tại một số dự án ở Hà Nội.
Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ hình thành những thành phần cơ bản của thành phố thông minh và đến năm 2030 trở thành thành phố thông minh.
Từ giữa năm 2017, Hà Nội đã triển khai thí điểm ứng dụng tìm kiếm và thanh toán phí trông giữ xe ô tô qua điện thoại di động (iParking). Sau thời gian thí điểm, mô hình này được nhân rộng ra nhiều tuyến phố khác tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Ðình, Ðống Ða, Hai Bà Trưng…
Dự án này đã nhận được nhiều đánh giá tích cực từ người dân khi rút ngắn được thời gian tìm chỗ đỗ xe ô tô, nâng cao sự minh bạch trong việc thu phí trông giữ…
Theo ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, khi đưa ra chương trình cho cả lộ trình xây dựng Thủ đô trở thành Thành phố thông minh, Hà Nội cũng dành nguồn lực nhất định từ nguồn ngân sách Thành phố cho việc thực hiện.
“Hà Nội đã xác định sẽ huy động nguồn lực từ các doanh nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) trên địa bàn. Xu hướng chính là Hà Nội, định hình và phân loại dần những dịch vụ công trên tinh thần: tất cả những dịch vụ công nào mà tư nhân có thể làm được thì sẽ chuyển dần cho tư nhân làm. Nguồn lực thu về sẽ được dành để thực hiện các công việc tiếp theo cho việc xây dựng thành phố thông minh. Dự kiến, Hà Nội sẽ thuê tối đa dịch vụ CNTT của các doanh nghiệp, từ trung tâm dữ liệu (Data Center) đến dịch vụ bảo mật cũng như các dịch vụ thuê đường truyền, viết phần mềm. Có thể nói, chúng tôi chuyển hướng sang huy động mọi nguồn lực, trong đó có cả nguồn lực về tài chính, chất xám vào việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội”, ông Chung nói.
Đáng chú ý, tại Hà Nội, Dự án thành phố thông minh Nhật Tân - Nội Bài xây dựng tại khu vực phía Bắc Hà Nội đang là tâm điểm chú ý. Dự án do Tập đoàn BRG “cầm trịch” cùng “đại gia” Nhật Bản Sumitomo hợp tác với hơn 20 công ty khác đặt mục tiêu phát triển một thành phố thông minh ở Thủ đô, dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2023, với các xe buýt tự lái và một loạt công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Quy hoạch dự án với tổng diện tích xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân – Nội Bài là 2.080ha gồm 4 đoạn chính với tổng chiều dài 11,7km. Đến nay, quy hoạch chi tiết 3 đoạn (đoạn 1, đoạn 2, đoạn 3) với tổng chiều dài 11,1km đã được phê duyệt vào đầu năm 2016. Dự án đô thị Nhật Tân - Nội Bài được thực hiện sẽ góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, xã hội của TP. Hà Nội.
Nhìn chung, Hà Nội hoàn toàn có thể tận dụng những bài học mà các quốc gia láng giềng hay những nước trên thế giới đã xây dựng thành phố thông minh, bằng cách: Học kinh nghiệm thành công, tránh những sai lầm. Đó là lợi thế của người đi sau. Chưa kể, từ tiềm năng rộng lớn về đất, vị trí đẹp, hạ tầng sơ khai... Hà Nội hoàn toàn có quyền kêu gọi các nhà đầu tư có thiện chí trên thế giới cùng hợp tác triển khai. Như vậy, câu chuyện quan trọng nhất là nguồn vốn đã có thể gác sang một bên, bài học kinh nghiệm cũng không phải là vấn đề khó khăn. Vấn đề còn lại chỉ còn là có quyết tâm làm hay không và cân đối lợi ích khi áp dụng vào thực tế nhưu thế nào mà thôi.
Vy Thương
09:00, 14/02/2019
19:00, 02/01/2019
09:21, 27/12/2018