19/01/2025 | 02:42 GMT+7, Hà Nội

Thanh Hóa: Dân “sống mòn” vì chủ đầu tư “đánh trống bỏ dùi” tại mặt bằng trăm tỷ

Cập nhật lúc: 16/07/2019, 08:30

Hàng loạt mặt bằng đô thị tại Thanh Hóa được đầu tư xây dựng rầm rộ, nhưng người dân vẫn “sống mòn” vì thiếu thốn đủ bề.

Chủ đầu tư quên đóng điện, nước

Được biết, năm 2013, tại quyết định số 1826/QĐ- UBND, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hạ tầng kỹ thuật khu nhà ở và công viên cây xanh thuộc khu đô thị Nam thành phố Thanh Hóa với tổng mức đầu tư 712.875 triệu đồng, trên tổng diện tích sử dụng đất là 557.537m2 tại phường Đông Vệ, TP. Thanh Hóa. Dự án do Trung tâm phát triển quỹ đất Thanh Hóa làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện dự án không quá 5 năm kể từ ngày ký quyết định phê duyệt. Trong đó, riêng hệ thống cấp, thoát nước được phê duyệt đầu tư 74.286 triệu đồng, hệ thống điện 60.532 triệu đồng. Dự án được chia thành nhiều mặt bằng khác nhau.

Tuy nhiên, ghi nhận thực tế tại dự án công viên cây xanh và mặt bằng 2125 thuộc dự án này cho thấy nhiều hạng mục hạ tầng như cống thoát nước, đường điện chiếu sáng, công viên cây xanh thi công dang dở rồi bỏ hoang nhiều tháng nay, đặc biệt hàng chục hộ dân mua đất tại mặt bằng 2125 đã xây dựng nhà ở đang lâm vào tình cảnh bán cũng dở, ở không xong, bởi không được sử dụng hệ thống điện cáp ngầm theo thiết kế, không được dùng nước sạch để sinh hoạt.

Ngoài phần đường nội bộ mặt bằng dân cư đã được thảm nhựa cho người dân đi lại thì các hệ thống điện đèn chiếu sáng, trạm biến áp, đường ống nước đã được xây dựng hoàn thiện nhưng chỉ để... trưng bày. Để có điện dùng cho mục đích xây dựng và sinh hoạt tất cả các hộ dân ở đây phải đi kéo nhờ điện từ những khu nhà ở mặt bằng lân cận.

Mặt bằng 2155 thiếu thốn trăm bề

Mặt bằng 2155 thiếu thốn trăm bề

Theo nhiều hộ dân tại đây phản ánh, sau khi trúng đấu giá lô đất tại mặt bằng 2125, giữa chủ đầu tư và hộ dân đều có hợp đồng mua bán đất đầy đủ. Trong bản hợp đồng bán đất, chủ đầu tư cam kết đảm bảo phần hạ tầng, điện nước đầy đủ cho người dân. Nhưng khi mua rồi, thực tế không như vậy.

Ông Lê Văn Thành, một hộ dân sống tại mặt bằng này bức xúc: “Với một mặt bằng có quy mô hiện đại, vị trí đẹp, lại được công ty đấu giá quảng cáo đã xây dựng hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện nên gia đình tôi bán toàn bộ nhà cửa ở quê, vay mượn thêm tiền của người thân để mua đất tại mặt bằng này nhằm xây dựng nhà cửa để con cái học hành và làm việc thuận tiện hơn. Nào ngờ, khi đã mua được đất xây nhà lại không có điện, nước phải kéo nhờ điện từ các hộ lân cận cách đó 200m, nước thì phải dùng giếng khoan nhưng cũng chẳng thể sử dụng để ăn uống được”.

Nhìn những trạm biến áp, đường điện cao áp chiếu sáng, công trình nước sạch đã được xây dựng đồng bộ, hoàn thiện nhưng không thể sử dụng được vì chủ đầu tư “quên” đóng nguồn. Trong khi, người dân phải tự bỏ tiền để mua dây điện để xin kéo nhờ khắp nơi, dây diện được kéo chằng chịt, lộn xộn gây nguy hiểm, khả năng xảy ra cháy nổ rất cao.

Thực tế cho thấy, không riêng gì những mặt bằng tại khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa rơi vào tình cảnh thiếu điện, nước mà nhiều mặt bằng khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Đơn cử như mặt bằng 2155, do Ban Quản lý dự án TP. Thanh Hóa làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng từ năm 2009 đến nay. Tuy nhiên, hàng chục hộ dân tại mặt bằng này vẫn chưa được cấp điện, nước mặc dù hệ thông điện, nước đã hoàn thiện từ lâu. Người dân đã hàng chục lần phản ánh lên chính quyền các cấp nhưng đến nay tình trạng đó vẫn không được giải quyết, khiến người dân vô cùng bức xúc.

Anh Lê Duy Vũ, một người dân mua đất tại bặt bằng này than thở: “Sau khi trúng đấu giá lô đất tại mặt bằng này, vì nhu cầu bức thiết về nhà ở nên gia đình tôi đã xây dựng nhà. Ban đầu chúng tôi nghĩ rằng vì lý do nào đó nên chủ đầu tư chưa kịp đóng điện nên các hộ gia đình đành phải đi nhờ điện của các hộ gia đình lân cận. Tuy nhiên nhà đã xây xong nhiều năm nay nhưng chủ đầu tư vẫn không đóng điện, nước cho chúng tôi sử dụng mặc dù hệ thống điện, nước đã được nhà thầu thi công hoàn thiện xong cách đây nhiều năm”.

Chờ đến bao giờ?

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND phường Đông Vệ cho biết: “Thực tế nhu cầu về nhà ở của các hộ dân khi trúng đấu giá đất tại những mặt bằng này là cấp thiết. Nhiều hộ dân đã đề nghị phường cũng như chủ đầu tư cần sớm đóng nối hệ thống điện, nước để thuận tiện cho nhu cầu xây dựng và phục vụ sinh hoạt.

Tuy nhiên, theo quy định của chủ đầu tư tại mặt bằng này thì 100% các hộ dân sau khi trúng đầu giá quyền sử dụng đất tại mặt bằng này xây dựng hoàn thiện nhà thì chủ đầu tư mới đóng nối hệ thông điện, nước tổng cũng như cấp quyền sử dụng đất. Với trách nhiệm quản lý hành chính, UBND phường sẽ sớm báo cáo lên chủ đầu tư, nhanh chóng đóng nối điện, nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình xây dựng nhà cửa cũng như phục vụ cho sinh hoạt”.

Một thực trạng cho thấy việc người dân vào ở đã lâu nhưng không được đáp ứng đầy đủ cơ sở hạ tầng tại khu đô thị Nam TP. Thanh Hóa đang kéo theo rất nhiều hệ lụy, gây ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt cũng như sức khỏe của người dân. Do vậy, các hộ dân mong muốn các đơn vị có liên quan sớm vào cuộc, cung cấp điện nước, hoàn thiện hạ tầng để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Trạm điện tại mặt bằng 2125 chưa thể đi vào sử dụng vì chủ đầu tư

Trạm điện tại mặt bằng 2125 chưa thể đi vào sử dụng vì chủ đầu tư "quên" đóng nguồn.

Theo (Khoản 1, Điều 2 Quy chế Khu đô thị mới theo NĐ 02/2006/NĐ-CP) quy định của pháp luật, khi chủ đầu tư tổ chức bán đầu giá đất cho hộ gia đình, cá nhân tại các dự án Khu đô thị mới phải đầu tư hoàn thiện đồng bộ hệ thống các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, khu dân cư và các công trình dịch vụ khác hay Đối với dự án Khu đô thị mới thì yêu cầu khu vực được thực hiện chuyển quyền sử dụng đất phải được đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, bao gồm: các công trình dịch vụ và các công trình hạ tầng kỹ thuật (đường giao thông, các tuyến cấp điện, chiếu sáng, thông tin viễn thông, cấp thoát nước) theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu cho người dân khi đến ở. (mục b, điểm 3, Điều 11, Thông tư 20/2013/TTLT-BXD-BNV).

Như vậy căn cứ theo quy định trên, có hay không việc chủ đầu tư “đánh trống bỏ dùi” bỏ mặc nhiều người dân sống tại những mặt bằng tiền tỷ phải sống trong điều kiện thiếu thốn đủ bề?

Nguồn: https://cdn.reatimes.vn/mediav2/media_old/thanh-hoa-dan-song-mon-vi-chu-dau-tu-danh-trong-bo-dui-tai-mat-bang-tram-ty-37618.html