19/01/2025 | 15:59 GMT+7, Hà Nội

Thẳng tay ngừa sách lậu để hạn chế... “ăn cắp trí tuệ”

Cập nhật lúc: 23/06/2019, 16:00

Vừa qua, Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an, phối hợp với đoàn liên ngành phòng chống in lậu Trung ương tổ chức kiểm tra cơ sở kinh doanh sách tại đường Trần Bình, quận Cầu Giấy, Hà Nội...

Thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở đang tổ chức phát hành hàng trăm đầu sách giáo trình học tiếng Nhật với số lượng khảng 10.000 cuốn. Số sách này không có giấy tờ, hóa đơn xuất xứ, in ấn và xuất bản. Tất cả sách đều in bằng tiếng Nhật nhưng giá tiền đề tiếng Việt. Như lý giải của chủ cơ sở, số sách này in ở nước ngoài, do người khác ký gửi, hầu hết bán online cho sinh viên.

Dạo qua các con phố của Hà Nội (Trần Quốc Hoàn, Phạm Văn Đồng, Láng...) dễ dàng thấy sách lậu bày bán công khai. Thậm chí, gần đây, trên các kênh thương mại điện tử đã vô tình trở thành phương tiện tiếp tay cho hành vi phát tán sách lậu. Điều này khiến các nhà xuất bản đang đau đầu. Để xuất bản một cuốn sách rất công phu, tốn thời gian, công sức nhưng sách lậu thì chỉ trong “chớp nhoáng” đã hiện hình. Vì thế, các nhà xuất bản đều mong muốn cơ quan quản lý có giải pháp triệt phá tận gốc rễ nạn in lậu, sách giả để “cứu” những tác giả, những đơn vị làm sách.

Thẳng tay ngừa sách lậu để hạn chế... “ăn cắp trí tuệ”

Thẳng tay ngừa sách lậu để hạn chế... “ăn cắp trí tuệ”

Luận ra, liên quan đến vấn nạn sách lậu, Nghị định 159/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, xuất bản có quy định, xử phạt hành vi in lậu từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi in xuất bản phẩm không có quyết định xuất bản (tức là in lậu); buôn bán sách lậu có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi tàng trữ, phát hành xuất bản phẩm in, nhân bản lậu, in giả, in nối bản trái phép… từ 300 bản trở lên. Hành vi in sách lậu còn vi phạm quy định tại Nghị định số 131/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan.

Như vậy, vi phạm trong lĩnh vực này đã có chế tài nhưng mức phạt lại chưa đủ sức răn đe. Trong khi đó, in lậu sách lại siêu lợi nhuận. Thế nên cần có biện pháp quản lý mạnh mẽ hơn để các cơ sở phát hành tự giác tuân thủ quy định như thu hồi giấy phép kinh doanh, không cho phép tiếp tục kinh doanh mặt hàng đã vi phạm; phải xây dựng các chế tài xử phạt đủ mạnh để quản lý thị trường này bằng các công cụ tài chính, chứ không thể trông chờ vào ý thức, đạo đức kinh doanh...

Nguồn:https://phapluatxahoi.vn/thang-tay-ngua-sach-lau-de-han-che-an-cap-tri-tue-152728.html