26/04/2024 | 02:09 GMT+7, Hà Nội

Tháng Giêng: Khởi đầu \"cống hiến\", bỏ những \"ăn chơi\"

Cập nhật lúc: 21/02/2021, 06:39

Tháng Giêng, Tết, mùa xuân phải trở thành điểm khởi đầu cho những khát vọng, ước mơ, tinh thần cống hiến, phụng sự chứ không phải là điểm hẹn để “ăn chơi”.

Không biết từ bao giờ, câu ca dao của người xưa đã vận vào cuộc sống hôm nay một cách rõ ràng như thế. “Tháng Giêng là tháng ăn chơi” đã trở thành quan niệm, ăn sâu bén dễ vào tư tưởng, nhận thức của nhiều người.

Điều đó là bình thường trong xã hội thuần nông nghiệp, vận hành cuộc sống theo lịch gieo trồng thời vụ. Người xưa không có lịch nghỉ cuối tuần, nghỉ Lễ nên cần một tháng Giêng, thời điểm thời tiết đẹp, lòng người phấn chấn để hội hè đình đám quên đi vất vả một nắng hai sương.

Những năm gần đây, “phú quý sinh lễ nghĩa”, không chỉ trong tháng Giêng mà hầu khắp mùa xuân, lễ hội được tổ chức ngày một nhiều, kéo dài, gây lãng phí, tốn kém thời gian, tiền của. Một số lễ hội bị biến tướng, tạo cơ hội cho các thú “ăn chơi” bùng phát. Hiện tượng bỏ việc công đi lễ chùa đầu năm, dùng xe công đi lễ hội không hiếm gặp.

Không ít kế hoạch, chương trình công tác bị sắp xếp, vận hành theo lịch của tháng Giêng – tháng “ăn chơi”.

Đặc biệt, tư tưởng tháng Giêng - đầu năm - “ăn chơi”, đắm chìm trong không khí Tết nhất, hội hè đình đám khiến công việc bị đình trệ, tạo sức ỳ trong cả bộ máy từ người dân, doanh nghiệp đến cơ quan nhà nước.

Không ít cơ quan, đơn vị sắm đào, quất từ Tết ông Công ông Táo rồi trưng ở công sở đến tận ngày đi làm. Có nơi còn lập đàn làm lễ cúng đầu năm ngay tại công sở làm việc.

Mấy năm gần đây, hiện tượng “ăn chơi” trong tháng Giêng, đặc biệt là những ngày sau Tết Nguyên Đán có giảm nhưng chủ yếu là do bị chế tài bởi các quy định hành chính chứ chưa thực sự chuyển biến trong tư tưởng, nhận thức và hành động của mỗi người.

Với nhiều người Việt, tháng Giêng vẫn được xem là tháng
Với nhiều người Việt, tháng Giêng vẫn được xem là tháng "ăn chơi". Ảnh: Thế Vũ

Trước đó, ngày 17/2, kết luận cuộc họp của Thường trực Chính phủ về triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau Tết và công tác phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tất cả các cơ quan, đơn vị, địa phương trở lại làm việc bình thường, không tổ chức liên hoan, đi chúc Tết, cần tập trung xử lý công việc ngay từ ngày làm việc đầu tiên, nhất là xử lý xong công việc tồn đọng do nghỉ Tết.  “Phải có quyết tâm cao hơn ngay từ đầu năm, không để tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”, không để “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, bởi thời gian không chờ đợi ai”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng giao Văn phòng Chính phủ chuẩn bị một Chỉ thị của Thủ tướng về các nhiệm vụ sau Tết để các bộ, ngành, địa phương triển khai tốt hơn ngay từ ngày đầu, tháng đầu để tháng Giêng không phải là tháng “ăn chơi” mà là tháng làm việc cật lực để bắt tay ngay vào nhiệm vụ năm 2021.

Đáng chú ý, đây không phải là lần đầu tiên người đứng đầu Chính phủ đề cập đến vấn đề này. Trong nhiệm kỳ của mình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị siết chặt kỷ cương hành chính, nêu cao đạo đức công vụ nhằm xây dựng một chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Năm nay, thông điệp đầu năm của Thủ tướng diễn ra trong bối cảnh đất nước đang gồng mình chống dịch, quyết tâm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”, do đó việc xóa bỏ tư tưởng tháng Giêng – tháng “ăn chơi” càng có ý nghĩa thiết thực hơn.

Theo Thủ tướng, trái với quan niệm truyền thống vốn đã lạc hậu, tháng Giêng phải là tháng làm việc “cật lực”, phải có quyết tâm cao hơn để tránh tình trạng “đầu năm thong thả, cuối năm vất vả”.

Thực tế cho thấy, theo lịch làm việc, tháng Giêng là thời điểm cực kỳ quan trọng trong năm. Đó là thời điểm để xây dựng, triển khai những chương trình, kế hoạch trọng điểm cho cả năm nên cần tập trung làm việc với tinh thần nỗ lực, quyết tâm cao. Chương trình, kế hoạch có tốt thì việc thực hiện mới hy vọng có kết quả tốt.

Trong thời kỳ dịch bệnh đang hoành hành dữ dội, việc dẹp bỏ thói quen “ăn chơi” trong tháng Giêng, tạo lập thói quen làm việc “cật lực” nhằm thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép”là điều cần thiết hơn bao giờ hết. Và, hy vọng, thói quen ấy sẽ tiếp tục được duy trì khi dịch bệnh đi qua, trở thành một nếp nghĩ, lối sống mới trong xã hội văn minh. Làm ra làm, chơi ra chơi và không bao giờ còn tư tưởng “ăn chơi” ngay cả trong lúc làm việc.

Tháng Giêng, Tết, mùa xuân vì thế phải thành điểm khởi đầu cho những khát vọng, ước mơ, tinh thần cống hiến, phụng sự chứ không phải là điểm hẹn “ăn chơi”.

Nguồn: https://congluan.vn/thang-gieng-khoi-dau-cong-hien-bo-nhung-an-choi-post119525.html