23/11/2024 | 05:11 GMT+7, Hà Nội

Tháng 3, nhu cầu nhân lực TPHCM tăng ở các lĩnh vực sản xuất

Cập nhật lúc: 05/03/2018, 11:05

Theo báo cáo thống kê từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TPHCM, trong tháng 3/2018, nhu cầu tuyển dụng lao động lành nghề trên địa bàn TP có xu hướng tăng ở các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may - Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu,...

Căn cứ Chương trình việc làm thành phố giai đoạn 2018 - 2020 và dựa trên khảo sát nhu cầu tuyển dụng các doanh nghiệp tại thành phố năm 2018, năm 2018 dự kiến TPHCM có nhu cầu 300.000 chỗ làm việc, tăng bình quân 5% so với năm 2017, trong đó có 130.000 chỗ làm việc mới tăng 4% so với năm 2017.

Riêng trong quý I/2018 có nhu cầu khoảng 72.000 chỗ làm việc trống, trong đó 28% nhu cầu lao động phổ thông. 

Trong tháng 1 và tháng 2, nhu cầu việc làm ở nhóm ngành Marketing, bán hàng, tiếp thị - trưng bày sản phẩm, dịch vụ du lịch - nhà hàng - khách sạn, dịch vụ giúp việc nhà, dịch vụ chăm sóc cây cảnh, giao hàng nhanh, nhân viên bảo vệ tăng cao. 

Tới tháng 3, nhu cầu tuyển dụng lao động lại có xu hướng tăng ở các lĩnh vực ngành sản xuất, chế biến như Dệt may - Giày da, Chế biến thực phẩm, Vận tải - Kho bãi - Xuất nhập khẩu, Nhựa - Bao bì, Mộc - Mỹ nghệ, Xây dựng,…

Theo đánh giá, thị trường lao động TPHCM đang phát triển với yêu cầu tăng cường nhanh nguồn nhân lực có trình độ cao, có kiến thức kỹ năng về khoa học, công nghệ, quản lý, sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, điều hạn chế là thị trường lao động thành phố vẫn chưa đồng bộ, còn thể hiện sự chênh lệch cung - cầu lao động về số lượng; đặc biệt chất lượng chưa phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập.

Và một nghịch lý là TPHCM đang thừa lao động nhưng lại thiếu nhân lực có trình độ cao cho những ngành nghề nằm trong định hướng phát triển.

Năm 2018, thị trường lao động thành phố tập trung thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào làm việc ở các ngành, lĩnh vực mũi nhọn; chú trọng phát triển theo xu hướng lao động đã qua đào tạo có nghề chuyên môn yêu cầu về chất lượng, trình độ lao động, có tay nghề, năng suất lao động đảm bảo cho việc mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đầu tư nước ngoài, xuất khẩu lao động…
Sự phát triển mạnh mẽ thiết bị điện tử như máy tính cá nhân, điện thoại thông minh, điện thoại di động, máy tính bảng và thiết bị chơi game để tương tác với người dùng sẽ kéo theo xu hướng tuyển dụng nhân lực trong năm 2018 ở nhóm ngành Công nghệ thông tin, thương mại điện tử, thiết kế các thiết bị thu phát cao tần, các vi mạch và thiết bị bán dẫn,... và cụ thể hơn là chuyên ngành Digital marketing - sự kết hợp giữa kiến thức thương mại điện tử, công nghệ thông tin - marketing…