18/01/2025 | 20:20 GMT+7, Hà Nội

Tham vọng thay đổi vị thế trên bản đồ ngành ngân hàng của VPBank liệu có thành hiện thực?

Cập nhật lúc: 13/03/2018, 15:50

Để hiện thực hóa tham vọng lọt vào Top 3 Ngân hàng giá trị nhất Việt Nam, VPBank buộc phải đánh bật ít nhất 2 trong 4 ngân hàng thuộc nhóm “Big 4” truyền thống là các ngân hàng có vốn nhà nước: Agribank, Vietcombank, Vietinibank, BIDV. Điều gì khiến VPBank có thể tự tin đặt ra những mục tiêu lớn như vậy?

Không phải ngẫu nhiên trong kế hoạch kinh doanh đề ra năm 2018, VPBank lại có thể tự tin đặt mục tiêu cho giai đoạn 2018 - 2023 lọt vào Top 3 ngân hàng có giá trị nhất Việt Nam. Bởi nhìn lại tốc độ phát triển 5 năm qua cùng những con số trong báo cáo tài chính gửi đại hội đồng cổ đông mới đây về tình hình sản xuất kinh doanh 2017, VPBank được dự đoán là ngân hàng tư nhân hội tụ nhiều thế mạnh để trở thành một trong 3 ngân hàng mạnh nhất Việt Nam.

VPbank dat muc tieu vao top 3

VPBank đặt mục tiêu vào Top 3 Ngân hàng giá trị nhất Việt Nam trong vòng 5 năm 2018 - 2023.

Từ những con số tăng trưởngthần kỳ...

Ở thời điểm hiện tại, VPBank đang dẫn đầu hệ thống ngân hàng tư nhân và đứng thứ 5 trong toàn hệ thống ngân hàng trên cả nước, chỉ sau nhóm “Big 4”. VPBank đang có giá trị vốn hóa khoảng 97.500 tỷ đồng, thấp hơn VietinBank (121.000 tỷ) và BIDV (128.000 tỷ) trên dưới 30.000 tỷ đồng. Một khoảng cách không quá lớn để vượt qua trong vòng 5 năm.

Tháng 8/2017, VPBank (Mã: VPB) mới bắt đầu niêm yết trên thị trường chứng khoán với mức giá khởi đầu giá tham chiếu là 39.000 đồng/cổ phiếu. Đến thời điểm hiện nay, giá trị một cổ phiếu của VPBank đã dao động ở mức 66.000 đồng/cổ phiếu. Giá trị cổ phiếu của VPBank đứng sát nút so với "người đi đầu" Vietcombank (Mã: VCB) dao động 70.000 đồng/cp và vượt mặt tất cả các ngân hàng còn lại.

Trong năm 2018, VPBank còn tiếp tục đề ra mục tiêu tăng vốn “khủng”. Vốn điều lệ của VPbank hiện ở mức 15.706 tỷ đồng và với mục tiêu tăng thêm 12.000 tỷ đồng vào năm nay, vốn của ngân hàng này sẽ lên trên 27.000 tỷ đồng.

Nhìn lại chặng đường trong 5 năm 2012 - 2017, VPBank đã trở thành một trong năm ngân hàng thương mại cổ phần bán lẻ hàng đầu Việt Nam về chỉ số doanh thu và lợi nhuận; mạnh gấp 3 đến 5 lần về các chỉ tiêu quy mô và hiệu quả so với năm 2012.

Chỉ tính riêng trong năm 2017, lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 8.130 tỷ đồng, đạt mức tăng trưởng ấn tượng với 65%, cao nhất từ trước đến nay, đưa tốc độ tăng trưởng kép hàng năm của giai đoạn 2012 - 2017 lên mức 54%. VPBank đề ra kế hoạch đạt 10.800 tỷ đồng lợi nhuận vào năm 2018.

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 của VPBank.

Kết quả hoạt động kinh doanh năm 2017 của VPBank.

… đến 4 “trụ cột” kinh doanh

Trong vòng 5 năm trở lại đây, VPBank đã tạo dựng thương hiệu và vị thế trong cuộc chiến chạy đua của các ngân hàng nhờ 4 “trụ cột” vững chắc: khách hàng cá nhân, tài chính tiêu dùng, tín dụng tiểu thương, doanh nghiệp vừa và nhỏ. Năm 2017, tỷ trọng đóng góp của 4 “trụ cột” này vào tổng thu nhập thuần (TOI) lên tới 79%.

4

4 "trụ cột" kinh doanh của VPBank đóng góp tỷ trọng lớn trong tổng thu nhập thuần.

Khách hàng cá nhân và tài chính tiêu dùng

VPBank được xem là một trong những ngân hàng hàng đầu ở lĩnh vực bán lẻ. Ở thời điểm hiện tại, số lượng khách hàng hoạt động của ngân hàng vượt 4,9 triệu khách hàng. 2017 cũng là năm doanh thu dịch vụ ngân hàng bán lẻ của VPBank đạt mức tăng trưởng hơn 66% so với năm 2016.

Từ vị trí thứ 5 trong số các ngân hàng Việt Nam về số lượng thẻ phát hành và chi tiêu năm 2016, VPBank đã vươn lên vị trí số 3 về lượng thẻ phát hành và vị trí số 2 về chi tiêu trong năm 2017. Vay tín chấp cá nhân (UPL), sản phẩm thế mạnh của Ngân hàng, vẫn tiếp tục tăng trưởng với số dư tăng 54% và doanh thu tăng 114%.

Bên cạnh mảng ngân hàng bán lẻ, tài chính tiêu dùng được ví là mảng “ăn nên làm ra” của VPBank. Trong năm 2017, tài chính tiêu dùng tiếp tục đóng vai trò chủ đạo, chiếm tỷ trọng 52% trong TOI.

Với hơn 7 triệu khách hàng và hơn 10.000 đối tác ở khắp 63 tỉnh, thành trên cả nước, Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) thuộc VPBank tiếp tục khẳng định vị thế là công ty tài chính lớn nhất trên thị trường tài chính tiêu dùng. FE Credit hiện đang nắm giữ hơn 50% thị phần. Năm vừa qua, FE Credit đã giải ngân 3,7 triệu khoản vay mới và phát hành thẻ tín dụng cho hơn 3 triệu khách hàng mới, tăng số dư cho vay lên gần 45.000 tỷ đồng.

Kết quả này đã giúp doanh thu từ phân khúc tài chính tiêu dùng tăng từ 8.552 tỷ đồng năm 2016 lên 12.957 tỷ đồng năm 2017 trong khi lợi nhuận sau thuế tăng từ gần 2.000 tỷ đồng trong năm 2016 lên 3.358 tỷ đồng năm 2017, tương ứng với mức tăng lần lượt là 51,5% và 68%.

Doanh nghiệp siêu nhỏ và tín dụng tiểu thương

“Đi trước đón đầu” là cách mà VPBank đã và đang thực hiện. Nhờ chiến lược khai thác các mảng thị trường tiềm năng mà các ngân hàng khác còn bỏ ngỏ, VPBank đã nhanh chóng bước lên vị trí số 1 của hệ thống ngân hàng tư nhân. Không chỉ đi vào mảng tài chính tiêu dùng và ngân hàng bán lẻ, VPBank còn đầu tư hướng tới phân khúc thị trường là tiểu thương và doanh nghiệp siêu nhỏ.

Khối Tín dụng tiểu thương năm vừa qua có sự tăng trưởng cao cả về TOI và quy mô cho vay với mức dư nợ cuối năm của khối đạt gần 3.400 tỷ đồng, giúp TOI tăng gấp 2,5 lần so với năm 2016. Tính đến cuối năm 2017, khối Tín dụng tiểu thương đã sở hữu mạng lưới chuyên biệt rộng lớn gồm 236 điểm giao dịch bao phủ khắp 51 tỉnh thành.

Năm 2017 không chỉ là năm bản lề kết thúc giai đoạn đầu của chiến lược phát triển phân khúc doanh nghiệp vừa và nhỏ mà còn là cột mốc bắt đầu cho lộ trình chuyển đổi mới, khởi điểm là hành trình số hóa mạnh mẽ và tập trung sâu sắc vào tiểu phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ (Micro SME) của VPBank. Doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm số lượng lớn nhất trong phân khúc khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ. Cho đến nay, kênh bán mới đã đóng góp 50% dư nợ tín chấp tăng ròng và 30% số lượng khách hàng mới hàng tháng cho toàn khối Khách hàng Doanh nghiệp vừa và nhỏ. Ở tiểu phân khúc doanh nghiệp siêu nhỏ, số lượng khách hàng hàng tháng tăng trưởng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2016.

Với sự phát triển thần kỳ của mình trong thời gian qua, VPBank được giới chuyên gia đánh giá là hiện tượng của ngành tài chính Việt Nam. Trên đà tăng trưởng đó, VPBank đề ra chiến lược tiếp tục tập trung vào 4 “trụ cột” kinh doanh, coi đây là chìa khóa để thay đổi vị thế trong bản đồ xếp hạng của các ngân hàng.