18/01/2025 | 18:08 GMT+7, Hà Nội

Tạo sức bật mới cho nền kinh tế

Cập nhật lúc: 19/05/2020, 15:18

Thời điểm đầu năm nay, kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng phải đối mặt với đại dịch Covid-19. Điều này khiến cho chúng ta phải có những sự ứng phó kịp thời để tiếp tục bảo vệ an toàn sức khỏe người dân...

Tại Việt Nam, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp (DN) và nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng quyết liệt phòng chống dịch nên vào thời điểm này, một không khí mới đang bao trùm nền kinh tế đất nước khi được quốc tế đánh giá Việt Nam là quốc gia kiểm soát tốt dịch bệnh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, khi giãn cách được nới lỏng, dịch bệnh đã đi qua, nhịp đập xã hội dần trở lại bình thường, nền kinh tế sẽ như “chiếc lò xo bị nén lại” và giờ là lúc sẵn sàng để bung ra.

Với tinh thần đó, Thủ tướng nêu rõ phải tập trung hơn nữa, khởi động nền kinh tế Việt Nam phấn đấu GDP năm 2020 đạt mức tăng trưởng trên 5%, đồng thời phải kiểm soát lạm phát dưới 4%. Muốn vậy, Thủ tướng cho rằng, cần tập trung vào “5 mũi giáp công” là thu hút đầu tư các thành phần kinh tế trong nước, trước hết là đầu tư tư nhân; thu hút FDI; đẩy mạnh xuất khẩu; thúc đẩy đầu tư công và khuyến khích tiêu dùng nội địa.

Tác động ngắn hạn đến nền kinh tế Việt Nam có thể lớn nhưng không kéo dài nếu như dịch bệnh được kiềm chế nhanh chóng, tương tự các đợt dịch bệnh trước đây.

Theo nhận định của Bộ Kế hoạch và đầu tư, đại dịch Covid-19 làm ngưng trệ, gián đoạn rất nhiều hoạt động sản xuất, kinh tế và hoạt động xã hội tại nhiều nền kinh tế trên thế giới, các chỉ số cơ bản của kinh tế thế giới đều diễn biến rất xấu: thất nghiệp tăng cao, giá hàng nguyên liệu lao dốc, nhiều tổ chức quốc tế tiếp tục hạ thấp dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu năm 2020.

Trong bối cảnh đó, dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng lớn đến kinh tế Việt Nam, khi Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh nhằm giãn cách xã hội trong vòng 3 tuần của tháng 4-2020.

Tăng trưởng GDP quý 1 năm nay đạt 3,82% so với cùng kỳ năm 2019 và đây là mức tăng thấp nhất kể từ 2011 trở lại đây. Cùng với đó, số lượng DN đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong ngắn hạn 4 tháng đầu năm nay gần 22.700 DN, tăng 33,6% với cùng kỳ năm 2019.

Đây là mức tăng cao nhất về số lượng đăng ký tạm ngừng kinh doanh trong 4 tháng giai đoạn 2015-2020 và thể hiện sự ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh Covid-19 đến việc tạm ngừng kinh doanh của DN.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, trước những diễn biến của dịch Covid-19, Việt Nam đã theo đuổi chiến lược mục tiêu kép, đó là vừa phòng, chống dịch, vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế tối thiểu đi kèm với các cải cách thể chế và cơ cấu lại nguồn lợi tăng trưởng khi dịch bệnh kiểm soát tốt.

Hiện nay, khi cả nước đã bước sang giai đoạn mới phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, khôi phục, phát triển nền kinh tế, từ các cấp, các ngành cho đến từng người dân, DN đều xác lập tình trạng bình thường mới trong các hoạt động kinh tế-xã hội để dần đưa xã hội trở lại bình thường trên tinh thần tập trung đẩy mạnh các hoạt động phục hồi kinh tế, tạo sức bật (chữ V) đưa nền kinh tế sớm ra khỏi đáy suy giảm và tăng trưởng mạnh trở lại.

Vào thời điểm tích cực chống dịch, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã kịp thời ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị với phương châm “chống dịch như chống giặc”, kiểm soát được dịch bệnh là ưu tiên hàng đầu để bảo vệ sức khỏe nhân dân, ổn định xã hội, giảm thiểu thiệt hại đối với nền kinh tế; tạo điều kiện duy trì và sớm phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, sớm tận dụng cơ hội sau khi hết dịch để vực dậy nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đại dịch Covid-19 tác động nặng nề đến nhiều mặt của đời sống kinh tế-xã hội nước ta, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, cộng đồng DN và nhân dân cả nước cùng chung sức, đồng lòng quyết liệt phòng chống dịch; đồng thời, quyết tâm cao độ để vượt qua khó khăn trên các lĩnh vực do dịch bệnh gây ra, với tinh thần “khó khăn gấp đôi thì cố gắng gấp ba”; duy trì, phục hồi các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời gian có dịch và thúc đẩy nền kinh tế phát triển mạnh sau dịch.

Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam đánh giá, Chính phủ Việt Nam cũng đã dần nới lỏng các biện pháp cách ly xã hội trên toàn quốc nhằm tái khởi động các hoạt động sản xuất, kinh doanh của các ngành, lĩnh vực kinh tế. Đó chính là những tín hiệu để dự đoán kinh tế Việt Nam có thể sẽ nhanh chóng khởi sắc trở lại trong nay mai. Theo TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, sau khi chống dịch xong, sản xuất được khôi phục sớm, nền kinh tế sẽ sớm thoát khỏi điểm sinh tử để hồi phục dần. Do đó, Việt Nam theo dõi các bước phục hồi của kinh tế thế giới, dựa theo đó để nắm bắt cơ hội và tìm cách bứt phá.

TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá, suy giảm kinh tế là do dịch bệnh, chứ không phải do khủng hoảng tài chính nên vừa chống dịch vừa phải chuẩn bị thật tốt để duy trì sản xuất, kinh doanh hiện tại và đảm bảo an sinh xã hội. TS Trần Hoàng Ngân khẳng định, quan trọng là Việt Nam phải kiểm soát dịch thật tốt, sau đó thì kinh tế sẽ phục hồi. Hiện nay, Việt Nam rất chủ động trong phòng, chống dịch và uy tín trên trường quốc tế tăng cao, như vậy sự phục hồi sẽ nhanh hơn.