19/04/2024 | 05:37 GMT+7, Hà Nội

Tạo giá đỡ an sinh để giảm nghèo

Cập nhật lúc: 01/06/2020, 16:10

Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã, đang tác động lớn đến đời sống người dân, khiến một số gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo hoặc tái nghèo. Để giữ vững mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020...

Thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp đã, đang tác động lớn đến đời sống người dân, khiến một số gia đình có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo hoặc tái nghèo. Để giữ vững mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020, các cấp, các ngành thành phố Hà Nội đã và đang huy động các nguồn lực nhằm trao sinh kế, tạo giá đỡ an sinh, hỗ trợ người dân vươn lên thoát nghèo.

Hội Chữ thập đỏ Hà Nội trao tặng đồ dùng thiết yếu cho người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Trợ giúp kịp thời

Theo thống kê của ngành Lao động - Thương binh và Xã hội Thủ đô, toàn thành phố có khoảng 1 triệu người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19. Trước thực trạng này, các ngành, đơn vị, địa phương của thành phố đã bố trí ngân sách, huy động nguồn xã hội hóa để trợ giúp nhiều mặt cho những người có hoàn cảnh khó khăn.

Đến thời điểm này, các gói hỗ trợ an sinh xã hội của Chính phủ đã đến với nhiều người dân, hộ gia đình ở Thủ đô. Ngoài chính sách chung, 30/30 quận, huyện, thị xã đã rà soát, lập danh sách gần 24.000 hộ đủ điều kiện, có nhu cầu vay vốn ưu đãi để khôi phục sản xuất, kinh doanh, học nghề, tạo việc làm… Nhằm hỗ trợ người dân, từ cuối tháng 4-2020, thành phố đã bổ sung 650 tỷ đồng ủy thác qua chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố Hà Nội cho các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn vay vốn. Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Đỗ Mạnh Hưng đánh giá, việc đưa nguồn vốn kịp thời đến với người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 là "phao cứu sinh" để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Cùng với đó, các ngành, địa phương đã chủ động huy động nguồn lực xã hội hóa để hỗ trợ cho nhiều trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt. Đón nhận ngôi nhà mới khang trang dịp giữa tháng 5 vừa qua, ông Bùi Văn Hiền, tổ dân phố Thượng Cát 4, (phường Thượng Cát, quận Bắc Từ Liêm), xúc động nói: “Gia đình tôi có 3 thế hệ cùng sống trong ngôi nhà bị xuống cấp từ lâu. May mắn cho gia đình khi được các cơ quan chức năng hỗ trợ gần 70 triệu đồng, người thân, bà con trong xóm hỗ trợ ngày công để xây nhà mới. Từ các nguồn trợ giúp, gia đình tôi quyết tâm thoát nghèo vào cuối năm nay”. Còn em Nguyễn Thị Thảo Vy, học sinh lớp 7A1, Trường Trung học cơ sở Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức) vui mừng cho hay: “Cháu vừa được Quỹ Bảo trợ trẻ em Hà Nội và các nhà hảo tâm hỗ trợ kinh phí học tập dài hạn để yên tâm tiếp tục đến trường”…

Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp

Có thể khẳng định, các nguồn lực hỗ trợ đã giúp đa số người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 dần ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, trước tình trạng biến đổi khí hậu còn diễn biến phức tạp, nếu thiên tai xảy ra sẽ tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống của các hộ dân.

Nhằm bảo đảm đời sống dân sinh, đồng thời phấn đấu hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm nay, các địa phương trên địa bàn Hà Nội đang tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục hỗ trợ, khuyến khích người dân tự vươn lên. Trong đó, những huyện có đồng bào dân tộc thiểu số cư trú như: Ba Vì, Mỹ Đức, Thạch Thất, Quốc Oai… đã định hướng cho người dân phát triển mô hình trồng các loại cây mang lại giá trị kinh tế cao, kết hợp với chăn nuôi tập trung. Từ kinh nghiệm thoát nghèo nhờ trồng cây đặc sản, ông Nguyễn Văn Tiến (xã Yên Bình, huyện Thạch Thất) cho rằng, việc tận dụng lợi thế tại địa phương để phát triển kinh tế là hướng thoát nghèo nhanh, bền vững, mang lại lợi ích cho nhiều phía.

Còn đối với những địa phương có khu công nghiệp, làng nghề… công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động được tập trung, quan tâm. Tại huyện Sóc Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lê Hữu Mạnh cho biết, năm 2020, huyện sẽ hoàn thành việc tổ chức đào tạo nghề trình độ sơ cấp cho gần 1.000 lao động, giải quyết việc làm mới cho 3.000-4.000 lao động. Tương tự, huyện Thường Tín sẽ giải quyết việc làm mới cho ít nhất 3.500 người; từng bước đưa người bị mất việc làm trở lại thị trường lao động…

Dưới góc độ quản lý nhà nước, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội Hoàng Thành Thái cho hay, từ nay đến cuối năm 2020, các cấp, các ngành chức năng tiếp tục triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo lồng ghép với chương trình xây dựng nông thôn mới và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác; nghiên cứu, đề xuất thành phố bổ sung nguồn vốn cho vay để đào tạo nghề, tạo việc làm… Ngoài ra, các địa phương phối hợp với hệ thống trường nghề, doanh nghiệp tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề, tạo việc làm cho khoảng 160.000 người. Riêng người dân khu vực có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi thiên tai, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có tờ trình đề nghị UBND thành phố xây dựng phương án cứu trợ bảo đảm đời sống nhân dân. Tại Quyết định số 2176/QĐ-UBND ngày 28-5-2020, UBND thành phố cũng đã giao các cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa hỗ trợ nhân dân với kinh phí dự kiến là hơn 96 tỷ đồng.

Những giải pháp thiết thực này sẽ tạo giá đỡ an sinh, góp phần để Hà Nội giữ vững mục tiêu không còn hộ nghèo vào cuối năm 2020.