08/10/2024 | 08:59 GMT+7, Hà Nội

Tạo điều kiện thuận lợi để học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian học tập

Cập nhật lúc: 26/03/2020, 13:53

Trước diễn biến khó lường của dịch bệnh, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT đang thực hiện đồng bộ các giải pháp để chủ động thực hiện chương trình giáo dục.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ: Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện tinh giản chương trình, đẩy mạnh học trên truyền hình và đảm bảo đủ quỹ thời gian cho học sinh, giáo viên học tập, ôn tập.

Ưu tiên trên hết là sự an toàn

Với quan điểm ưu tiên trên hết là an toàn của học sinh và cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, thời gian qua Bộ GD&ĐT đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban chỉ đạo quốc gia, căn cứ hướng dẫn của Bộ Y tế, các cơ quan chuyên môn và tình hình thực tiễn dịch bệnh, để ban hành gần 30 văn bản chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch. Bộ đã chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương chỉ đạo 100% cơ sở giáo dục thực hiện vệ sinh, tẩy trùng trường, lớp; chuẩn bị các điều kiện phòng, chống dịch bệnh trong nhà trường. Các địa phương tập huấn giáo viên về quy trình phòng, chống dịch bệnh để hướng dẫn học sinh; xây dựng kế hoạch dạy bù để sẵn sàng đón học sinh đi học trở lại khi tình hình dịch bệnh được kiểm soát bảo đảm an toàn.

Trong thời gian cho học sinh tạm nghỉ học, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục duy trì liên lạc giữa nhà trường với gia đình, giữa giáo viên với học sinh, để giao nhiệm vụ học tập và hướng dẫn học sinh tự học qua các hình thức ứng dụng công nghệ thông tin phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, nhà trường. Bộ khuyến khích giáo viên giao cho học sinh các nhiệm vụ học tập có sự kết hợp giữa việc ôn tập, hệ thống hóa kiến thức và việc vận dụng kiến thức trong phòng, chống bệnh dịch.

Trước thực tế học sinh phải nghỉ học kéo dài, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chương trình GDPT và căn cứ tình hình dịch bệnh được kiểm soát đến thời điểm đầu tháng 3, Bộ GD&ĐT điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học đến trước ngày 30-6-2020, thi THPT quốc gia từ ngày 23-7 đến 26-7-2020. Bộ đồng thời đề nghị Chủ tịch UBND các tỉnh, TP xem xét, quyết định cho học sinh đi học trở lại từ đầu tháng 3 để bảo đảm hoàn thành chương trình theo khung thời gian đã điều chỉnh. Đến ngày 9-3-2020 đã có 48/63 tỉnh, TP cho học sinh THPT đi học trở lại và tỷ lệ học sinh đến trường đạt trên 98%.

Tuy nhiên, khi xuất hiện những ca mắc mới, tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, một lần nữa Bộ GD&ĐT phải điều chỉnh thời điểm kết thúc năm học trước ngày 15-7-2020, thi THPT quốc gia từ ngày 8-8 đến 11-8-2020. Bộ đề nghị UBND các tỉnh, TP xem xét, quyết định cho học sinh đi học trở lại phù hợp với tình hình kiểm soát dịch bệnh tại địa phương và chỉ đạo xây dựng kế hoạch giáo dục theo khung thời gian năm học đã điều chỉnh.

Đến nay, trên toàn quốc có 29/63 tỉnh, TP tiếp tục cho học sinh THPT đi học và thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn trường học theo hướng dẫn của Bộ Y tế, Bộ GD&ĐT, bảo đảm an toàn cho giáo viên, học sinh trong quá trình học tập tại trường.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hưu Độ thì: “Quan điểm của Bộ GD&ĐT là tạo thuận lợi cho các nhà trường, học sinh, giáo viên có đủ quỹ thời gian cần thiết để dạy học, ôn tập, đảm bảo chất lượng chương trình, tránh căng thẳng vì học bù dồn ép”.

Bộ GD&ĐT đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Ảnh: P.T

Vẫn đảm bảo chuẩn đầu ra của chương trình

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Hữu Độ cho biết, Bộ đang triển khai các giải pháp để hỗ trợ các địa phương, nhà trường, học sinh chủ động thực hiện chương trình giáo dục trong thời gian còn lại của năm học, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Với việc rà soát, tinh giản nội dung dạy học thuộc chương trình học kỳ 2 để rút ngắn thời gian học khi học sinh trở lại trường. Việc tinh giản không thực hiện cơ học mà trên tinh thần đảm bảo cung cấp đầy đủ kiến thức nền tảng, cốt lõi của chương trình cho học sinh, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình. Bộ GD&ĐT sẽ hướng dẫn cụ thể hóa nội dung tinh giản theo hướng phát triển năng lực và kiến thức cơ bản, đảm bảo thống nhất chung trong cả nước, chứ không phải phụ thuộc vào từng trường như trước kia.

Căn cứ vào chương trình đã tinh giản nội dung dạy học, Bộ GD&ĐT sẽ xây dựng và công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi THPT quốc gia 2020. Điều này tạo thuận lợi cho học sinh lớp 12 trong quá trình học tập, ôn luyện, chuẩn bị tốt cho kỳ thi sẽ được tổ chức từ ngày 8 đến ngày 11-8-2020.

“Các nhà trường, học sinh, phụ huynh yên tâm chủ động phối hợp với ngành giáo dục để tích cực phòng dịch và đảm bảo việc học tập, thực hiện phương châm dù không đến trường nhưng học sinh vẫn được học tập, đảm bảo chất lượng” – Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nói.