23/01/2025 | 09:38 GMT+7, Hà Nội

Tạo \"đà\" cho các doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hậu đại dịch

Cập nhật lúc: 16/10/2021, 19:06

Hầu hết các công ty kinh doanh địa ốc đang tăng tốc để nắm bắt cơ hội vào quý cuối của năm. Sức cầu của thị trường, sự hồi phục chung của nền kinh tế cũng như những chính sách vĩ mô sẽ tạo "đà" cho các doanh nghiệp.

Các chủ đầu tư cùng tăng tốc

Trong 8 tháng tính từ đầu năm, có đến 842 doanh nghiệp bất động sản tạm dừng hoạt động và 345 doanh nghiệp bất động sản hoàn tất thủ tục giải thể. Nhiều dự án bị chậm tiến độ, nguồn cung hạn chế, số lượng giao dịch và doanh số bán hàng giảm mạnh.

Ông Hà Văn Thiện, Phó Tổng giám đốc Trần Anh Group thừa nhận Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua đã ảnh hưởng không ít đến hoạt động của doanh nghiệp. "Bên cạnh việc triển khai bán hàng, việc phát triển dự án mới cũng chậm đi vài nhịp so với kế hoạch. Điều này khiến doanh thu của chúng tôi bị sụt giảm khá nhiều so với mục tiêu đã đề ra", ông nêu.

Dù TP. HCM đã nới lỏng các biện pháp giãn cách từ 1/10, song ông Thiện cho biết khó khăn lớn nhất hiện nay của doanh nghiệp chính là việc di chuyển, đưa đón khách tham quan sản phẩm. Bởi, dự án của Trần Anh Group tập trung chủ yếu ở Long An, Bình Dương, Phan Thiết, Bà Rịa – Vũng Tàu…

"Bất động sản vốn phải 'mục sở thị', vì vậy khi thể chưa đưa khách đến tham quan tận dự án thì việc bán hàng thành công sẽ khó khăn hơn. Chúng tôi vẫn hy vọng việc lưu thông giữa TP. HCM và các tỉnh lân cận sẽ thuận lợi nhanh hơn trong thời gian tới", ông Thiện bày tỏ.

Thay vì phát triển mạnh vào sản phẩm mới, Trần Anh Group sẽ tập trung cho sản phẩm đã hoàn thiện để cung ứng cho khách hàng có nhu cầu sở hữu nhanh nhất. Doanh nghiệp đồng thời cũng thay đổi phương thức bán hàng, công thức tính chi phí hợp lý cho người mua.

Về phía Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi, Tổng Giám đốc Nguyễn Thanh Quyền đặc biệt nhấn mạnh sự ảnh hưởng của đợt dịch Covid-19 lần 4. Song, vì đã có kinh nghiệm trong việc ứng phó với dịch bệnh trước đó, doanh nghiệp đã đẩy mạnh chuyển số khi ứng dụng các nền tảng online, mạng xã hội làm công cụ quản bá dự án, bán hàng.

Tuy nhiên, ông Quyền cho rằng việc TP. HCM trở lại trạng thái "bình thường mới" vừa là thuận lợi giúp doanh nghiệp phục hồi kinh doanh dịp cuối năm, vừa đặt ra thách thức khi phải đảm bảo an toàn cho người lao động quay trở lại làm việc tại văn phòng.

Tăng tốc hậu đại dịch, Thắng Lợi cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động kinh doanh, "bung hàng" từ nay đến cuối năm.

Tạo
Tạo "đà" cho các doanh nghiệp bất động sản tăng tốc hậu đại dịch

"Do tình hình dịch vẫn còn đang diễn biến phức tạp, chúng tôi vẫn chưa thể tổ chức các sự kiện giới thiệu dự án, bán hàng offline, việc di chuyển liên tỉnh vẫn còn nhiều hạn chế, ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh những tháng cuối 2021", Tổng Giám đốc Tập đoàn Bất động sản Thắng Lợi chỉ ra.

Cho biết việc thi công xây dựng công trình của doanh nghiệp đã hồi phục 70%, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, CEO Đại Phúc Land đánh giá thị trường bất động sản quý 4 sẽ trở nên sôi động bởi các chủ đầu tư cùng tăng tốc.

Song, bên cạnh nhóm khách hàng nắm bắt cơ hội đầu tư, sẽ có những khách hàng thận trọng hơn do nguồn lực tài chính giảm sút vì dịch bệnh hay cần thời gian khôi phục.

Tạo "đà" cho doanh nghiệp bất động sản

Trả lời câu hỏi "mất bao lâu để các doanh nghiệp bất động sản phục hồi", ông David Jackson, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam cho rằng phụ thuộc vào sức cầu cũng như đà hồi phục chung của nền kinh tế. Song, quan trọng hơn hết là những chính sách vĩ mô hỗ trợ cho các doanh nghiệp.

"Hiện cả nước đã tiêm khoảng hơn 51 triệu liều vaccine Covid-19 và khoảng 52% dân số từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm mũi thứ nhất. Khi các hoạt động kinh tế dần năng động trở lại, bất động sản cũng theo đó mà dần hồi phục", ông David Jackson nhận định.

Theo ông, cần bổ sung ngành kinh doanh bất động sản vào danh mục đối tượng áp dụng tại Điều 2, Nghị định 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2021 của Chính phủ.

Thêm vào đó, nếu các doanh nghiệp này được hỗ trợ hoãn thời gian thực hiện nghĩa vụ các khoản thuế phí thì họ sẽ có thêm nguồn lực để trả lương nhân viên, khôi phục hoạt động tiếp thị hay trả tiền thuê mặt bằng.

Tương tự, những khoản nợ của các doanh nghiệp bất động sản tại ngân hàng sẽ “dễ thở” hơn nếu họ được giãn tiến độ trả nợ hay giảm lãi suất. Hiện, lãi suất cho vay bất động sản vẫn ở mức cao 8 - 11%/năm.

Đối với doanh nghiệp bất động sản, Tổng giám đốc Colliers Việt Nam đưa ra lời khuyên rằng họ cần tập trung vào những việc khẩn thiết nhất như đảm bảo nhân viên được tiêm 2 mũi vaccine để sớm mở cửa hoạt động lại.

Kế đến, các doanh nghiệp cần tái cấu trúc mạnh mẽ bằng việc áp dụng công nghệ để tinh gọn bộ máy, tiết giảm chi phí và hoạt động hiệu quả hơn. Chẳng hạn, áp dụng Big Data sẽ giúp doanh nghiệp đưa ra những quyết định dựa trên dữ liệu một cách chính xác, không bị chi phối bởi các yếu tố cảm tính.

Thực tế, một số doanh nghiệp đã nhanh chóng phát triển các sàn giao dịch bất động sản trực tuyến, các ứng dụng, tận dụng các kênh giao tiếp onine để tiếp cận khách hàng.

Cho rằng các doanh nghiệp cần tập trung vào những phân khúc có nhu cầu thực cao để có thêm cơ hội gia tăng doanh thu, ông David Jackson đưa ra gợi ý là phân khúc căn hộ chung cư tầm trung.

"Thời gian tới, sẽ có nhiều xu hướng bất động sản thay đổi do tác động của đại dịch. Vậy nên, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư đúng mức cho hoạt động nghiên cứu và phát triển để dự báo tương đối chính xác nhất những yếu tố như xu hướng, tâm lý, hành vi của khách hàng để có chiến lược hoạt động phù hợp", Tổng giám đốc Colliers Việt Nam nhấn mạnh.

Nguồn: https://congluan.vn/tao-da-cho-cac-doanh-nghiep-bat-dong-san-tang-toc-hau-dai-dich-post161685.html