19/01/2025 | 15:19 GMT+7, Hà Nội

Tăng thu những địa bàn có điều kiện, bù đắp hụt thu ngân sách

Cập nhật lúc: 12/10/2021, 20:03

Tập trung quản lý thu ngân sách là một trong những chính sách tài khoá nổi bật sẽ được triển khai trong thời gian tới.

Tập trung quản lý thu ngân sách là một trong những chính sách tài khoá nổi bật sẽ được triển khai trong thời gian tới. Trong đó, để bù đắp cho hụt thu ngân sách, Bộ Tài chính đưa ra giải pháp sẽ đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp cho số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội.

 

Thu nội địa liên tục giảm

Mới đây, các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính đã công bố thống kê về tình hình tài chính, ngân sách trong 9 tháng của năm 2021. Theo ông Cao Anh Tuấn - Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, thu nội địa do ngành thuế thực hiện 9 tháng đạt 907.312 tỉ đồng, đạt 81,2%, bằng 107,5% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, phân tích số thu tháng 9 và quý III, ông Tuấn cho rằng “tình hình đáng lo ngại” khi số thu các tháng gần đây liên tục giảm. Số thu nội địa trong tháng 9 đạt 60.500 tỉ đồng (trong đó, khoảng 3.000 tỉ thu phát sinh), giảm hơn 9.000 tỉ đồng so với tháng 8.2021; nếu không tính khoản thu phát sinh thì số giảm này lên tới khoảng 12.000 tỉ đồng. Nếu tính theo quý, số thu quý I đạt 369.688 tỉ đồng; quý II giảm còn 289.717 tỉ đồng và sang quý III, số thu giảm chỉ còn xấp xỉ 246.000 tỉ đồng. Trong đó, nhiều tỉnh có số thu thấp trong những tháng gần đây, thấp hơn nhiều so với bình quân chung 7 tháng; nhiều tỉnh trọng điểm thu có số thu giảm. Riêng TP.HCM số thu ngân sách nhà nước tháng 9 giảm 6.000 tỉ đồng.

Trong tháng 10 và quý IV, ông Cao Anh Tuấn cho rằng, nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước vẫn là nhiệm vụ trọng tâm. Dự toán thu ngân sách nhà nước ngành thuế quản lý trong năm 2021 là 1.167.400 tỉ đồng, như vậy, quý IV phải thu tối thiểu 260.400 tỉ đồng, bình quân mỗi tháng phải thu 86.800 tỉ đồng/tháng. “Đây là con số rất thách thức đòi hỏi cơ quan thuế phải tìm nhiều giải pháp đánh giá rõ các khoản thu ngân sách, triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp thu ngân sách, bên cạnh đó cần tiếp tục hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gia hạn, cũng như động viên các doanh nghiệp nộp thuế đủ số tiền gia hạn thuế khi đến hạn, nhất là các doanh nghiệp khó khăn” - đại diện Tổng cục Thuế cho hay.

Về số thu xuất nhập khẩu, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn cho biết, số thu đến hết tháng 9 đạt 88,3% dự toán. Tính đến ngày 7.10, thu ngân sách do ngành hải quan quản lý đạt 293.500 tỉ, đạt 93% dự toán. Dù vậy số thu trong tháng 9 cũng thấp hơn so với 2 tháng trước.

Về kế hoạch thu và giải pháp thu trong tháng 10 và quý IV, ông Nguyễn Văn Cẩn cho biết, qua theo dõi, số thu tháng 9 thấp hơn tháng 7 là 11 nghìn tỉ đồng và thấp hơn tháng 8 là 3,9 nghìn tỉ đồng. Do đó, những tháng cuối năm, cơ quan hải quan sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp chống gian lận thương mại và chống thất thu; thực hiện các giải pháp nhằm tạo thuận lợi cho thương mại, phấn đấu thu đạt và vượt dự toán ngân sách nhà nước được giao.

Tăng thu những địa bàn có điều kiện, bù đắp hụt thu ngân sách
Tăng thu những địa bàn có điều kiện, bù đắp hụt thu ngân sách

Tập trung những tháng cuối năm

Theo Bộ Tài chính, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và thu, chi, cân đối ngân sách nhà nước năm 2021.

Để ứng phó với dịch bệnh, từ đầu năm 2021 đến nay, Bộ Tài chính đã chủ động đề xuất ban hành và ban hành theo thẩm quyền các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất; miễn tiền chậm nộp thuế, tiền chậm nộp tiền sử dụng đất, tiền chậm nộp tiền thuê đất năm 2020 và 2021 để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân gặp khó khăn do dịch COVID-19. Dự kiến, tổng giá trị gói hỗ trợ là trên 139 nghìn tỉ đồng (trong đó gia hạn thuế, tiền thuê đất khoảng 115 nghìn tỉ đồng; miễn giảm thuế, phí, lệ phí, tiền chậm nộp khoảng 24,3 nghìn tỉ đồng).

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đánh giá, các chính sách tài khóa đã phát huy những tác động tích cực, giúp DN, người dân vượt qua khó khăn trong dịch bệnh nhưng cũng cần rà soát để phát hiện lỗ hổng trong quản lý để có các biện pháp phù hợp hơn.

Về các giải pháp để bù đắp cho hụt thu ngân sách, Bộ Tài chính cho biết đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp, tập trung kiểm soát dịch bệnh, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, tạo động lực thúc đẩy và phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm, qua đó tạo thêm nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Đồng thời, tăng cường công tác quản lý thu, đôn đốc xử lý, thu hồi nợ đọng, phấn đấu tăng thu ở những lĩnh vực, địa bàn có điều kiện, để bù đắp số giảm thu do ảnh hưởng của dịch bệnh, có thêm nguồn lực chi cho phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân, đảm bảo an sinh xã hội...

Nguồn: https://baoxaydung.com.vn/tang-thu-nhung-dia-ban-co-dieu-kien-bu-dap-hut-thu-ngan-sach-316999.html