29/01/2025 | 06:25 GMT+7, Hà Nội

Tâm lý \"sính ngoại\" và cạm bẫy \"hàng hiệu\"

Cập nhật lúc: 21/07/2023, 09:30

Nắm được tâm lý thích dùng đồ hiệu của nhiều người nên các cửa hàng bán đồ xách tay mọc lên như nấm. Nhiều người tiêu dùng vì ham hàng hiệu giá rẻ đã phải ngậm trái đắng vì hàng giả, kém chất lượng.

Hàng xách tay rộ trên mạng Internet

Dù việc thông quan hàng từ nước ngoài về Việt Nam có phần khó khăn hơn trước do lực lượng hải quan siết chặt. Tìm hiểu qua những người kinh doanh thực phẩm, mỹ phẩm xách tay được biết, các lô hàng mới đang gặp khó khăn do cơ quan hải quan siết chặt quản lý, đặc biệt các lô vượt chỉ tiêu miễn thuế bị ách lại.

Tuy nhiên, bằng nhiều cách “hạ cánh”, cũng như nhiều cách hợp thức hoá, mặt hàng này vẫn rất sôi động. Tại đường Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội) – nơi được coi là “kinh đô mua sắm hàng hiệu” vẫn khá sầm uất.

Các mặt hàng tại đây khá đa dạng như: Mỹ phẩm, sữa, quần áo, đồ gia dụng, rượu bia và không thiếu mặt hàng điện tử đắt tiền như Iphone, ipad... Những mặt hàng này thường là những thương hiệu nổi tiếng thế giới.

Tuy nhiên, nguồn gốc của những sản phẩm này không phải người tiêu dùng nào cũng biết. Một chủ cửa hàng ngay đầu  phố Nguyễn Sơn cho hay: “Quả thực khách hàng rất ưa chuộng hàng xách tay, đơn giản vì nó độc, chất lượng tốt và có giá thấp hơn hàng hiệu đó bán ở shop”.

Nguồn hàng về đường Nguyễn Sơn rất đa dạng, nước hoa, mỹ phẩm, chủ yếu từ Pháp, Singapore, Thái Lan, Hồng Kông (Trung Quốc). Đồ quần áo cũng có nhiều nguồn, tuy nhiên đồ châu Âu rất được ưa chuộng.

Trước sự tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ của các bộ, ngành, những người kinh doanh mặt hàng xách tay đã “né” bằng cách không bày bán công khai nhiều mà chuyển qua bán online. Dịch vụ này rất hút khách bởi người mua sẽ được chuyển hàng đến tận chân giường.

Thậm chí, người mua nhận hàng, ưng ý với sản phẩm rồi sau đó mới phải trả tiền. Chỉ cần lên mạng và gõ từ khóa “hàng xách tay”, chúng ta sẽ thấy hiện ra hàng loạt trang web, fanpage hay facebook cá nhân quảng cáo bán hàng xách tay với những lời lẽ vô cùng có cánh, như: hàng hiệu chính hãng, giá chỉ rẻ bằng một nửa so với giá thị trường.

Nhiều người phải ngậm trái đắng vì mua hàng xách tay trên mạng.

Không chỉ vậy, dân kinh doanh hàng xách tay còn chỉ cho nhau những tuyệt chiêu để qua mặt hải quan như thuê các tiếp viên hàng không mang hàng về hộ. Đối với những mặt hàng điện tử và có giá trị cao như máy tính, điện thoại, đồng hồ, ipad… thì nên chia nhỏ ra vận chuyển thành nhiều lần khác nhau để tránh gặp rắc rối khi qua cửa hải quan.

Chị Nguyễn Thị Hoa, chủ một trang Facebook chuyên bán hàng xách tay chia sẻ, các sản phẩm của chị bán đều do những người đi nước ngoài trực tiếp xách về nên chất lượng nguồn hàng đảm bảo, cập nhật mới thường xuyên. Các mặt hàng xách tay thường rất phong phú, đa dạng từ hàng thời trang, mỹ phẩm, dụng cụ làm đẹp cho đến hàng tiêu dùng, thực phẩm, dược phẩm...

“Bán hàng xách tay online đã gần 6 năm, tôi nhận thấy nhu cầu dùng hàng ngoại của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Các mặt hàng xách tay được ưa chuộng vì rẻ hơn những loại hàng nhập chính hãng do giảm bớt các loại thuế, phí hoặc đôi khi có những mặt hàng độc - lạ mà thị trường trong nước không có”, chị H. cho biết.

Cần cảnh giác với hàng giả, hàng kém chất lượng

Tuy nhiên, trên thực tế, thị trường hàng xách tay còn tồn tại nhiều vấn đề phức tạp. Các sản phẩm này thường là khó kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ, thẩm định chất lượng... Do đó, khi mua hàng xách tay đồng nghĩa với việc người tiêu dùng bước vào một thỏa thuận giao dịch khá bất lợi và mang tính may rủi. May thì được sản phẩm tốt, phù hợp; rủi thì gặp phải sản phẩm kém chất lượng hoặc nguy cơ hàng gian, hàng giả cao...

Theo tiết lộ của nhiều con buôn thì hàng xách tay như mắt kính, đồng hồ, quần áo, mỹ phẩm, kể cả thuốc tây bày bán trên thị trường đa phần là hàng lậu, thậm chí là hàng giả.

Chị Lê Thị Thanh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ với chúng tôi, chị được biết ở TP Hồ Chí Minh có hẳn một kho chuyên làm hàng fake, giống hàng thật 99%, rất khó phát hiện. Khi có hàng họ sẽ lập một trang web giảm giá và show hàng cho khách xem. Các đơn chốt sẽ được hẹn 10-15 ngày để gửi từ nước ngoài về, nhưng thực chất là họ gom đơn hàng và lấy từ kho ở Việt Nam.

 “Mình không lạ gì hàng xách tay giảm giá cả. Mình có rất nhiều bạn ở nước ngoài như Đức, Pháp, họ ra cửa hàng mua giày, quần áo thì lâu lâu vào mua hoặc giới thiệu hàng họ mới giảm giá. Chứ mình thấy các bạn ở Việt Nam bán hàng giảm giá quanh năm, họ còn giảm mạnh hơn cả chính hãng ở nước ngoài từ 30 -70%.

Phố Nguyễn Sơn được coi là "kinh đô" của hàng xách tay.

Việc giảm giá ở nhiều nước phần lớn theo mùa. Còn quanh năm suốt tháng, nếu có thì giảm cục bộ ở một số cửa hàng do hết size, hết trend (hàng giới thiệu), xả kho, cạnh tranh, mà họ cũng chỉ giảm vài % chứ không đến mức vài chục % như các trang bán hàng online”, chị Thanh chia sẻ.

Mới đây, chị Đặng Bách Hợp (Hà Đông, Hà Nội) mua một chiếc túi xách tay thời trang nhãn hiệu Hermes với giá là 300 USD. Tuy nhiên, chị chỉ dùng 3 tháng chiếc túi này đã bị bong tróc và bay màu. Biết mình bị lừa nhưng cũng không có cách nào khác vì chị mua chiếc túi qua đường online.

Chị Hợp bức xúc nói: “Lúc người ta chuyển hàng về bên trong có chữ “Made in China”, tôi có hỏi thì họ bảo đó là hàng Ý xịn nhưng chỉ thuê công nhân Trung Quốc làm thôi. Cứ nghĩ họ uy tín, bán hàng thật, ai ngờ mua phải hàng đểu”.

Chính vì thế, những người sành sỏi chơi hàng xách tay đều có lời khuyên, để sở hữu một món đồ xách tay chuẩn, người tiêu dùng nên chọn những shop bán hàng có uy tín, được nhiều người tin dùng và biết rõ về nguồn gốc. Nếu có người thân ở nước ngoài thì gửi mua trực tiếp.

Đặc biệt người tiêu dùng cần trang bị cho mình kiến thức nhằm kiểm tra chất lượng hàng hoá trước khi mua hàng. Đối với người chuyên mua hàng xách tay trên mạng Internet cần kiểm tra, tìm hiểu kỹ các thông tin trên website chính hãng.

Đối với hàng công nghệ, điện tử xách tay, cần kiểm tra những phụ kiện đi kèm, thông số kỹ thuật của máy có khớp với thông số hãng sản xuất công bố hay không.Anh Phạm Văn Mạnh (một chủ cửa hàng chuyên buôn bán hàng xách tay trên phố Nguyễn Sơn) cho hay: “Khách hàng không nên ham giá rẻ mà đi mua hàng, bởi không có hàng xịn chính hãng nào lại có giá rẻ cả. Hiện nay, hàng được làm giả, nhái rất tinh vi, y chang như hàng thật nhưng giá thị trường thấp hơn so với hàng thật khá nhiều. Hàng giả thường có mẫu mã nhợt nhạt, in kém sắc sảo hoặc dễ bị tẩy xóa; bao bì sử dụng chất liệu kém nên dễ bị nhàu nát, rách”

Nguồn: https://thuongtruong.com.vn/news/tam-ly-sinh-ngoai-va-cam-bay-hang-hieu-106405.html