19/01/2025 | 11:55 GMT+7, Hà Nội

Tài xế xe du lịch cấu kết, “làm tiền” ở biển Chân Mây

Cập nhật lúc: 05/05/2021, 06:15

Vào mùa du lịch biển, nhất là dịp nghỉ lễ, cánh tài xế xe du lịch đã cấu kết, bắt tay “làm tiền” với một số chủ quán ở vùng biển Chân Mây (xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế) nhằm kiếm chác “hoa hồng”.

Kỳ kèo chi “hoa hồng”

Những ngày nghỉ lễ 30/4, 1/5 vừa qua, cùng với những khu du lịch biển trong cả nước, khu du lịch biển Chân Mây thuộc hai bãi biển Cảnh Dương và Bình An (xã Lộc Vĩnh, nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô, Thừa Thiên Huế) thu hút hàng ngàn lượt khách đến tham quan, vui chơi, nghỉ dưỡng. Lợi dụng tình trạng này cánh tài xế xe du lịch đã ra sức “làm tiền” bằng cách bắt tay với một số chủ quán có phương thức làm ăn cạnh tranh không lành mạnh tổ chức đưa, dẫn khách đến để nhận phần trăm “hoa hồng” (một hình thức chi tiền môi giới trong kinh doanh).

Tài xế xe du lịch
Tài xế xe du lịch kì kèo đòi bằng được “hoa hồng” chở khách vào một quán ở bãi biển Cảnh Dương đêm 1/5/2021 - Ảnh cắt từ clip (Ảnh: Đình Huân)

Biển Chân Mây là tên gọi chung cho cả vùng biển ở vịnh Chân Mây nằm trong Khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô (xã Lộc Vĩnh), gồm khu vực biển và bờ bãi thôn Cảnh Dương và thôn Bình An. Cách nhau một đoạn bãi biển ngắn nhưng ở đây hình thành hai khu vực du lịch biển mà người dân quen gọi lã “bãi Cảnh Dương” và “bãi Bình An”, trong đó hệ thống quán sá, nhà hàng (sau đây gọi chung là quán) ở bãi Bình An hình thành trước từ 15 năm trước, bãi Cảnh Dương hình thành và phát triển nhanh trong khoảng 5 năm trở lại đây. Trong hai bãi, bãi Cảnh Dương có 12 quán, bãi Bình An có 15 quán, tất cả hoạt động theo lối kinh doanh thuế khoán và tự quản. Trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, hàng ngàn lượt khách đến nghỉ dưỡng, tham quan, tắm biển ở cả hai bãi biển này, trong đó đông hơn là bãi biển Cảnh Dương. Nguyên nhân theo người dân địa phương do có phần chủ của một số quán ở bãi Cảnh Dương “mạnh chi” cho tài xế nên khách dồn về ở Cảnh Dương nhiều hơn Bình An. Và ngay ở bãi Cảnh Dương, quán có chi cho tài xế thì khách nhiều, xe to tấp nập, không chi thì khách địa phương, khách lẻ, chẳng mấy chiếc ô tô du lịch chở khách đoàn xuất hiện trong quán.

Tài xê xe du lịch
Nhân viên một quán ở Cảnh Dương đón khách vào quán (Ảnh: Đình Huân)

Trong nhiều ngày qua, PV đã về vùng biển quyến rũ này để tìm hiểu thực hư và cảm nhận được những nỗi khổ của người làm ăn, buôn bán chân chính cùng những thách thức mà họ đang gặp phải ở khu du lịch biển Chân Mây. Qua theo dõi, đêm 1/5, PV đã trực tiếp chứng kiến một tài xế xe 7 chỗ mang BKS 75A – 196xx chở khách du lịch đến bãi Cảnh Dương đã đến kỳ kèo cho bằng được một chủ quán tại bãi Cảnh Dương phải chi tiền “hoa hồng” do tài xế “đàn anh” của tài xế này đã đưa 8 khách vào quán mà khi rời đi… chưa lấy tiền hoa hồng (!?). Do cương quyết nói không với nạn chèo kéo cò mồi dẫn khách, không có thỏa hiệp nào với tài xế để dẫn đón khách vào quán nên vị chủ quán đã từ chối và tỏ ra bực bội. Tuy nhiên, sau khi bị làm phiền kỳ kèo gần 20 phút, anh đành “dĩ hòa vi quý”, móc ví đưa người tài xế kia một chút tiền gọi là “tặng tiền nộp cạc” mà không quên dặn với tay tài xế đấy là chút tình cảm của quán, chứ không phải cảm ơn hay “hoa hồng” gì.

Tài xê xe du lịch
Nhiều ô tô chở khách đoàn tập trung vào một quán dịch vụ ở biển Cảnh Dương (Ảnh: Đình Huân)
Tài xê xe du lịch
Cần có sự can thiệp mạnh tay từ cơ quan hữu trách ngăn chặn tình trạng chủ quán cấu kết, chi “hoa hồng” với tài xế xe du lịch để nhận được khách đoàn, xe to (Ảnh: Đình Huân)

“Mình phải rạch ròi chuyện này. Khách mình là khách quen mà đến, hoặc có duyên mà đến. Ngày lễ ngày nghỉ tiền công nhân viên gấp đôi gấp ba, lời có mấy đâu, nhất là khi giá cả vẫn bình thường chứ không nâng lên… Thỉnh thoảng nếu bán được, mình cũng gửi các anh, các bác tài xế chai nước mắm, một ít hải sản làm quà, hay 100 – 200 ngàn đồng "nộp cạc" điện thoại cho vui. Nhưng đó là hoàn toàn tự nguyện, chứ họ hoạnh họe, giọng điệu kẻ cả là mình rất bực. Mình đưa tiền phần trăm cho cánh tài xế thì phải nâng giá dịch vụ, hoặc bớt xén món ăn mới lời nhiều để có mà chi hoa hồng cho họ. Nhưng mình và một số chủ quán ở đây quyết từ chối cách làm này vì không lành mạnh, không phải cách làm xưa nay của bà con mình ở đây” – vị chủ quán, chia sẻ.

15% hoa hồng/1 hóa đơn (?!)

Khu du lịch biển Chân Mây là một khu du lịch biển cộng đồng (do người dân tự quản trong kinh doanh, dịch vụ) có biển, bờ bãi hoang sơ, đẹp và an toàn có tiếng xứ Huế. Biển gần Lăng Cô, gần Đà Nẵng, gần các thắng cảnh sinh thái ở huyện Phú Lộc nên tiện đường cho du khách. Khách về khu du lịch biển Chân Mây khá thoải mái khi giá cả dịch vụ ăn uống bình dân, không mất tiền giữ xe, không chịu áp lực về các loại phí “chặt chém” thường thấy du khách ca thán ở các khu du lịch biển đông người hoặc bất tiện do bị bao chiếm bởi hệ thống khách sạn, nhà hàng sang trọng. Khách chỉ tốn chi phí để ăn uống ở quán và sử dụng một số dịch vụ như tổ chức trò chơi, lửa trại, thuê trại nghỉ qua đêm… nếu có. Mặt khác do chủ quán chủ yếu là người dân địa phương, là ngư dân, nông dân chân chất hoặc con em của họ ra đầu tư làm quán và theo phong cách phục vụ bình dân, “lấy công làm lời” nên nạn cò mồi du lịch, bắt tay làm giá với “cò” vốn không có trong truyền thống kinh doanh của bà con nơi đây.

Tuy nhiên, thời gian gần đây thứ phương thức kinh doanh cạnh tranh không lành mạnh này lại “du nhập” khi cánh tài xế cùng một số chủ quán bắt tay thao túng thị trường khách du lịch vốn chất phác và bình yên như ở Bình An, Cảnh Dương. Vào mùa du lịch, dịp lễ nghỉ cánh tài xế ra sức cấu kết với một số chủ quán làm ăn “phi truyền thống” để giành khách, câu khách. Đổi lại cánh tài xế được cơm đưa nước rót, lo chỗ ăn chỗ nghỉ và sẽ được chi mạnh “hoa hồng” trên mỗi hóa đơn. Những ngày vừa qua, trong khi một số quán ô tô kín bãi thì có quán lại thưa thớt khách mà nguyên nhân chính là chẳng chịu chi “hoa hồng”.

“Nhiều tài xế tỏ ra rất trịch thượng khi vào quán mình. Họ làm như họ là ông chủ của mình ấy. Đưa đoàn khách vào quán thì ngồi phịch xuống biểu có chi ngon mang ra cho họ ăn, có chỗ nghỉ để cho họ nghỉ. Ăn nghỉ xong lên xe chở khách về thì đòi tiền chi “hoa hồng”. Không đáp ứng thì lần sau khách muốn đến quán mình họ nói quán mình chặt chém, phục vụ kém, viện cớ này cớ kia để đưa khách đi quán khác có “hoa hồng” phần trăm. Họ gây phiền toái và áp lực cho tụi mình ghê lắm. Mình nói “không” với cách làm ăn câu kéo, cò khách, nhưng quán khác thì không làm thế. Họ bắt tay với tài xế để kéo khách đoàn, xe to. Tình trạng này làm cạnh tranh không tốt, nhiều chủ quán, nhà hàng ở đây rất bức xúc nhưng khó ngăn chặn” – một chủ quán ở Cảnh Dương, thở than.

Tài xê xe du lịch
Khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng ở biển Cảnh Dương ngày 1/5 (Ảnh: Đình Huân)

Qua nhiều ngày quan sát PV được biết trừ những đoàn khách đặt trước hay khách quen chủ động tìm đến các quán, nhà hàng ở Bình An lẫn Cảnh Dương, không ít đoàn khách đi theo “giới thiệu” của cánh tài xế xe du lịch. Lý giải điều này chính một số chủ quán khẳng định quán nào quyết nói không với nạn “hoạnh họe” và yêu sách “hoa hồng” của tài xế thì “hậu quả” rất dễ thấy là… khó có được khách đoàn, xe to. Ngay cả tại bãi Cảnh Dương, không khó để nhận ra những ngày nghỉ lễ vừa qua một số quán thì khách từ TP. Huế, khách ngoại tỉnh đi ô tô 7 chỗ, 16 chỗ vào ra tấp nập như quán B.C., quán S.B…, còn một số quán khác thì khách chỉ vừa phải, thi thoảng mới có được khách đoàn. Để rõ hơn mức chi cho tài xế xe du lịch, trong vai chủ quán, PV đã liên hệ một tài xế thường chở khách du lịch về bãi Cảnh Dương có hoa hồng thì nam tài xế này cho biết mức chi hiện tại mà quán S.B. đang áp dụng là 15%/1 hóa đơn nếu khách đoàn; khách ít, khách lẻ thì khoảng 200 ngàn đồng/lần (?!)  

Một số chủ quán không "bắt tay" với các tài xế cho biết, do bức xúc về việc cạnh tranh không lành mạnh bằng việc chi “hoa hồng” cho tài xế để dẫn kéo khách, cách đây không lâu họ đã cùng nhau đến một quán khác ở bãi Cảnh Dương phản đối cách làm này thì xảy ra ồn ào, lời qua tiếng lại và kết cục chẳng có ai phân xử nên tình trạng này cứ tiếp diễn. Trao đổi với PV, một lãnh đạo UBND xã Lộc Vĩnh cho biết, tất cả các quán phục vụ ở bãi Bình An hay Cảnh Dương đều đấu giá thuê đất làm dịch vụ của nhà nước dưới sự quản lý của UBND xã Lộc Vĩnh; riêng thuế các quán đều đóng theo thuế khoán. Vị lãnh đạo này nói rằng ông từng được biết là để cảm kích tài xế xe du lịch đưa khách đến quán, một số chủ quán có mời họ ăn uống miễn phí, chứ chưa từng nghe tài xế kỳ kèo “hoa hồng” hay cấu kết với chủ quán để dẫn khách rồi nhận phần trăm tiền “hoa hồng” trên hóa đơn. “Chúng tôi tiếp thu thông tin này và sẽ kiểm tra, chấn chỉnh tình trạng này vì đây là sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng môi trường kinh doanh, du lịch chung của địa phương” – vị lãnh đạo xã nói.

Tài xê xe du lịch
Khách du lịch tham quan, tắm biển ở biển Bình An ngày 2/5 (Ảnh: Đình Huân)

Du khách cần tự mình lựa chọn điểm đến

Biển Chân Mây với nhiều ưu điểm nên từ lâu là điểm đến hấp dẫn cho khách của Đà Nẵng (cách khoảng 40km) và khách từ TP. Huế (cách khoảng 60km). Theo một số khách “phượt” quen thuộc từ TP. Huế hay TP. Đà Nẵng đến với biển Chân Mây, gồm cả Cảnh Dương hay Bình An thì tự mình trải nghiệm là điều thú vị nhất. Tuy nhiên vì hoàn cảnh mà phải đi theo khách đoàn, khách gia đình thì du khách cũng nên tham khảo nhiều nguồn thông tin, tự mình xem quán nào phù hợp để lựa chọn, đừng quá phụ thuộc chỉ dựa vào thông tin tài xế hay chủ xe, vì điều đó khiến các khách du lịch dễ bị lợi dụng. Không chỉ vậy, du khách cũng cần chú ý đến thái độ của tài xế mà có những ứng xử phù hợp, bởi không ít tài xế nhận tiền của chủ quán lẫn của khách, tức là “ăn” hai lần tiền bồi dưỡng. Cụ thể, phía chủ quán thì tài xế nhận tiền “hoa hồng” trích phần trăm, còn phía khách thì nhận tiền bồi dưỡng sau khi kết thúc hành trình thuê xe du lịch. Như thế là bị lợi dụng bởi phần trăm “hoa hồng” thực chất cũng từ khách mà ra cả.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/tai-xe-xe-du-lich-cau-ket-lam-tien-o-bien-chan-may-20201231000001891.html