18/01/2025 | 19:54 GMT+7, Hà Nội

Bài toán bền vững - nhìn từ cuộc "lột xác" của du lịch biển

Cập nhật lúc: 06/11/2019, 19:00

Hành trình nỗ lực giữ từng gốc cây, bảo vệ từng loài động vật hoang dã của "Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới" là minh chứng rõ nét cho câu chuyên phát triển bền vững chính là bản lề để bảo tồn.

10 năm qua, bức tranh du lịch biển của một số tỉnh thành đã có sự “lột xác” rõ rệt. Những con số báo cáo về lượng khách du lịch tới, doanh thu mang lại và cả những đóng góp của du lịch vào ngân sách Nhà nước đều cho thấy gam màu tươi sáng. Song, phải khẳng định rằng, những tín hiệu phát triển tích cực đó không thể tách rời câu chuyên “bảo tồn”.

Bảo tồn và phát triển là 2 phạm trù có mối quan hệ biện chứng với nhau. Đi qua dòng chảy của thời gian, của lịch sử, của khí hậu, phong tục, tập quán, mỗi một vùng miền đều mang trong mình một bản sắc địa phương. Nội hàm của bảo tồn không chỉ dừng lại ở việc giữ gìn, bảo vệ di sản văn hóa mà còn là bản sắc, cảnh quan thiên nhiên vốn có, là bảo tồn để phát huy hình thái du lịch của địa phương đó. 

Nhưng làm gì để trong guồng quay xây dựng, không xâm hại, ảnh hưởng để di sản; trong cái mới, giữ được những gì thuộc về bản sắc. Làm gì để phát triển trở thành bản lề của bảo tồn và góp phần tăng trưởng bền vững? Cùng nhìn vào sự phát triển của một số địa phương điển hình để thấy rõ bức trang phát triển - bảo tồn. 

Thực trạng phát triển du lịch: Nhìn từ 3 tỉnh Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa

Quảng Ninh 

Quảng Ninh là một trong những tỉnh có tiềm năng lớn về du lịch khi sở hữu gần 550 di tích lịch sử, văn hoá, nghệ thuật... gắn với nhiều lễ hội truyền thống. Quảng Ninh có những cảnh quan nổi tiếng như: Vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long; nhiều bãi biển đẹp: Trà Cổ, Cô Tô, bãi Dài (huyện Vân Đồn); đảo Tuần Châu; núi Bài Thơ...

Đặc biệt, nhắc đến Quảng Ninh, người ta không thể không nhắc tới khu di sản thế giới được UNESCO công nhận với diện tích trên 434km cùng 775 đảo. Ngoài ra, đảo Tuần Châu nằm trong vịnh Hạ Long cũng là một ví trí lý tưởng để phát triển một quần thể du lịch cao cấp với hệ thống dịch vụ khép kín bao gồm: Khu biểu diễn đa năng, bãi tắm cao cấp, khu phố ẩm thực Việt Nam, khu biểu diễn xiếc, trung tâm hội nghị quốc tế và các biệt thự, khách sạn từ 3 -5 sao với trên 400 phòng…

Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2008 là 4,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 2,35 triệu lượt. Doanh thu ước đạt 2.400 tỷ đồng.

Ngành du lịch Quảng Ninh trong năm 2018 đã đón 12,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 5,2 triệu lượt. Tổng thu đạt trên 24.000 tỷ đồng, thu ngân sách tăng 31% so với cùng kỳ.

So với 2008, lượng khách du lịch tới Quảng Ninh năm 2018 tăng gấp 2,9 lần, tổng doanh thu tăng gấp 10 lần.

Năm 2018, du lịch đã đóng góp tới 9% vào GDP của cả tỉnh Quảng Ninh. Theo báo cáo của Sở Kế hoạch tỉnh Quảng Ninh, dự kiến năm 2020, du lịch sẽ đóng góp 10 - 11% GDP, tạo 100.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp.

Cơ cấu kinh tế năm 2010 của ngành dịch vụ là 42%. Đến năm 2019, cơ cấu ngành dịch vụ ước tính đạt 50,1%. 

Thành công của du lịch Quảng Ninh không thể không kể tới kiên trì mô hình du lịch gắn liền với di sản văn hóa. Đây là một trong những định hướng mà Quảng Ninh theo đuổi trong thời gian vừa qua. 

Tại hội thảo “Du lịch Quảng Ninh – Vươn tầm Di sản” diễn ra vào tháng 4/2019, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Đức Long đã nhấn mạnh: "Quảng Ninh đang hướng tới mục tiêu đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; có tính chuyên nghiệp cao, nâng tầm đẳng cấp quốc tế, có hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại; sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hoá miền đất, con người Quảng Ninh; trở thành một trong những địa phương có ngành du lịch phát triển hàng đầu cả nước và khu vực Đông Nam Á". 

Trước thách thức vừa tập trung phát triển, vừa chú trọng bảo tồn các di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, vị lãnh đạo của tỉnh Quảng Ninh đã tái khẳng định, phải tiếp tục đảm bảo mô hình phát triển du lịch với việc thúc đẩy các loại hình văn hóa bản địa. Bởi đây chính là chìa khóa tạo ra sự phát triển bền vững trong du lịch.

Đánh giá về sự bứt phá trong du lịch của tỉnh Quảng Ninh, không thể phủ nhận việc thu hút đầu tư bài bản và có chọn lọc các nhà đầu tư tên tuổi đã tạo ra bộ mặt thay đổi đáng kể của Quảng Ninh. Một loạt dự án từ các nhà đầu tư có tên tuổi, như: Vingroup, Sun Group,  BIM Group, MyWay, FLC… với các công trình: Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, đường cao tốc Hạ Long – Hải Phòng; Hạ Long – Vân Đồn; Vân Đồn – Móng Cái; Nhà thi đấu 5.000 chỗ; Cung Quy hoạch – Hội chợ - Triển lãm và Văn hóa tỉnh; Thư viện – Bảo tàng… đã xuất hiện. Các khu nghỉ dưỡng, sân golf và các khách sạn cao cấp, không gian du lịch được mở rộng, chất lượng các sản phẩm du lịch được nâng lên đa dạng và phong phú đã phát huy tiềm năng và lợi thế cho du lịch Quảng Ninh.

Đà Nẵng

Với dãy bờ biển đẹp nằm trải dài, lại nằm ở vị trí vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là cửa ngõ ra biển Thái Bình Dương của các nước Myanmar, Thái Lan, Lào và Việt Nam, Đà Nẵng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.

Năm 2008, thành phố có 138 khách sạn với 4.239 phòng. Lượng du khách đến Đà Nẵng mới chỉ đạt 2,65 triệu khách. Thu nhập xã hội từ hoạt động du lịch năm 2008 đạt khoảng 2.000 tỷ đồng.

Năm 2018, Đà Nẵng đón 7.660.000 lượt khách. Tổng thu từ hoạt động du lịch năm 2018 ước đạt hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Thành công của bức tranh du lịch Đà Nẵng thể hiện khá rõ khi địa phương này liên tục được vinh danh trong các xếp hạng về thành phố đáng đến trên thế giới. Nhưng những nhà lãnh đạo Đà Nẵng cũng như chuyên gia kinh tế cho rằng, “phép màu” không đến tự nhiên. Bởi sức hút của Đà Nẵng đã không còn chỉ ở những bãi biển đẹp, những ngọn núi hoang sơ như nhiều năm trước mà là tầm nhìn chiến lược thu hút nhà đầu tư triển khai bức tranh quy hoạch.

Sự đổ bộ của các dự án du lịch với quy mô bài bản là điểm nhấn của bức tranh du lịch. Bà Trần Thị Minh Đức - Trưởng phòng Inbound Vietrantour từng nhận định với báo chí, nhiều năm trước, Đà Nẵng không được nhiều người biết tới, nhưng kể từ khi Bà Nà Hills ra đời, thành phố bên sông Hàn trở thành điểm phải đến của nhiều du khách trong nước, trở thành thủ phủ du lịch miền Trung. 

Hay như PGS. TS Trần Đình Thiên - thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam trong một bài trả lời phỏng vấn báo chí đã chia sẻ: "Tôi tự hỏi: Nếu không có Bà Nà đó, thì du lịch Đà Nẵng sẽ thế nào?" Câu trả lời đã cho thấy, du lịch muốn phát triển phải có sự đầu tư. Bởi nếu để "hữu xạ tự nhiên hương" thì khó biến một địa phương với biển xanh cát trắng trở nên nổi tiếng trong mắt cộng đồng quốc tế như vậy. 

Phát triển bài bản và bền vững là bản lề tốt nhất cho bảo tồn. Và cũng chỉ có tôn trọng việc bảo tồn, mới làm nên những phát triển đỉnh cao. Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula mà minh chứng rõ nhất cho điều này. Đây là khu nghỉ dưỡng hiếm hoi ở Việt Nam nhận được hàng chục giải thưởng danh giá thế giới, trở thành “Khu nghỉ dưỡng tốt nhất châu Á” và “Top 4 khu nghỉ dưỡng hàng đầu thế giới”. Nhưng đặc biệt, InterContinental Danang Sun Peninsula Resort đã được vinh danh là “Khu nghỉ dưỡng thân thiện với môi trường nhất thế giới” tại World Travel Awards (WTA) 2018 - hạng mục giải thưởng lần đầu tiên một đại diện của Việt Nam được nhận. Bí quyết để làm nên thành công vang dội này chính là: Tôn trọng cảnh quan thiên nhiên bản địa, chú trọng tạo dựng không gian xanh bền vững của bán đảo Sơn Trà. Hành trình nỗ lực miệt mài giữ từng gốc cây, uốn từng con đường nhỏ, bảo vệ từng loài động vật hoang dã chắc chắn là câu chuyện dài nhưng quan trọng nhất, nó đã chứng minh, chỉ có phát triển bài bản mới là tạo ra giải pháp cho bảo tồn.

Thanh Hóa

Với đường bờ biển dài 102km, Thanh Hóa nổi tiếng có tiềm năng du lịch nhờ nhiều bãi tắm đẹp như Sầm Sơn (TX. Sầm Sơn), Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa), Hải Hòa (huyện Tĩnh Gia), trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến biển Sầm Sơn nằm cách TP. Thanh Hóa 16km về phía đông nam. Ngoài bãi tắm đẹp, thiên nhiên còn ưu ái ban tặng cho Sầm Sơn nhiều danh lam thắng cảnh độc đáo như hòn Trống Mái, đền Ðộc Cước, núi Cô Tiên...

Năm 2018, Thanh Hóa ước đón 8,25 triệu lượt khách, doanh thu du lịch ước đạt 10.625 tỷ đồng. 10 năm trước, tổng số khách du lịch năm 2008 là 2.155.000 lượt người, doanh thu du lịch là 755 tỷ đồng.

Theo số liệu tính toán và công bố của Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (GRDP) ước tính năm 2018 tăng 14,07% so với năm 2017; trong đó ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,55%; ngành công nghiệp, xây dựng tăng 21,66% (riêng công nghiệp tăng 29,33%); các ngành dịch vụ tăng 6,80%.

Du lịch Thanh Hóa được đánh giá là có bước khởi sắc rõ rệt là kể từ năm 2015, khi Quần thể du lịch nghỉ dưỡng sinh thái FLC Sầm Sơn chính thức đi vào hoạt động. Không chỉ thu hút lượng khách trong nước, mà Thanh Hóa đã và đang trở thành điểm đến của du khách quốc tế. Cùng với sự đầu tư cơ sở hạ tầng của tỉnh, Thanh Hóa tiếp tục đón nhận “quả ngọt” từ các hoạt động du lịch.

Song, thách thức ở phía trước vẫn còn, bởi Thanh Hóa giàu tiềm năng về du lịch. Và định hướng của du lịch Thanh Hóa vẫn bám chặt lấy kim chỉ nam: Bản sắc địa phương. 

"Chúng tôi mong muốn du lịch Thanh Hoá giữ được bản sắc và là nhịp cầu để phát triển du lịch cả nước. Làm sao cho du khách đến với Thanh Hoá nhớ mãi. Thanh Hoá cần chuẩn bị tốt cơ sở hạ tầng để đón tiếp du khách nhiều ngày với nhiều sản phẩm hàng hoá, dịch vụ tốt, nâng việc giữ chân du khách dài ngày và nâng mức chi tiêu” - Phó Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), ông Hoàng Quang Phòng nói: "Thanh Hoá cần đổi mới du lịch nhưng hạn chế xâm phạm cảnh quan thiên nhiên. Phát triển phải dựa trên nền tảng về những cảnh quan thiên nhiên, di tích lịch sử văn hóa".

Công thức của thành công

Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa là 3 ví dụ tiêu biểu về bức tranh du lịch phát triển thần tốc trong giai đoạn 5 - 10 năm trở lại đây. Đây là cũng là những địa danh được đánh giá là đang ngày càng thành công trong việc phát triển du lịch.

Mẫu số chung của sự thành công này đến từ việc:

Thứ nhất, quy hoạch bức tranh du lịch đều được vạch ra rõ ràng.

Thứ hai, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Thanh Hóa là những tỉnh có sự thu hút nhà đầu tư bài bản và chuyên nghiệp. Việc quảng bá cũng như chọn lọc kỹ lưỡng các doanh nghiệp địa ốc lớn đặt chân vào địa phương đã thể hiện tầm chiến lược của những nhà lãnh đạo đứng đầu. Thay vì việc thu hút nhỏ lẻ, thì Quảng Ninh, Thanh Hóa, Đà Nẵng đều hướng tới tạo lập quần thể du lịch.

Thứ ba, bên cạnh việc thu hút đầu tư, chính quyền tỉnh cũng đặc biệt quan tâm đến hạ tầng du lịch như sân bay, hệ thống giao thông đường bộ.

Để 2 yếu tố bảo tồn và phát triển trở thành mối quan hệ tương sinh thì vai trò, chiến lược thu hút đầu tư của các địa phương là rất quan trọng. Bản chất của phát triển chính là góp phần để bảo tồn. Khi quá trình thương mại diễn ra thì việc thu hút đầu tư, góp phần tăng trưởng là cách để tạo ra nguồn thu ngân sách cho địa phương, đảm bảo phát triển kinh tế. Có ngân sách mới thực hiện được hoạt động bảo tồn. Và có bảo tồn thì mới giữ bản sắc địa phương, đưa du lịch phát triển bền vững. 

Đúng như chia sẻ của TS. KTS. Tô Kiên: “Du lịch mang lại một nguồn thu lớn và lâu dài cho cộng đồng địa phương, và họ có thể sử dụng một phần nguồn thu đó cho việc bảo tồn và cải thiện đời sống của chính họ”. Thay vì biến bảo tồn và phát triển trở thành 2 mặt đối lập thì cần một chiến lược bài bản để biến nó thành một mối quan hệ "tương sinh". Và đó cũng chính là sự phát triển bền vững.

"Làm du lịch, Việt Nam cần định hướng rõ từ đầu là phải làm du lịch đẳng cấp để việc hưởng thụ và trả tiền cho việc hưởng thụ đó sòng phẳng, bù lại đúng mức sự hao phí tài nguyên, giữ được nền tảng cho sự phát triển tương lai" -  đó là lời khẳng định của PGS.TS. Trần Đình Thiên.

Việt Nam đang hiện đại hoá nhanh chóng, và một sự đồng thuận trong chiến lược bảo tồn-phát triển cần đạt được trước tiên là để di sản có thể “sống” được trong bối cảnh mới của phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế và đô thị hóa tăng cường. Chính phủ, các bộ ban ngành, chính quyền địa phương, các chuyên gia, doanh nghiệp và đại diện cộng đồng cần tìm ra cách đi riêng để hiểu thấu giá trị các di sản văn hoá và tìm ra cách đi riêng để tái thích ứng (reappropriate) chúng vào bối cảnh đô thị đang thay đổi. 

Cần đặt ra và trả lời nhiều câu hỏi hóc búa, ví dụ như bảo tồn hay thay thế để phát triển? Nếu bảo tồn thì theo hướng nào để khả thi nhất (vì ta không thể di tích hóa, bảo tàng hóa tất cả). Có giữ được không, muốn giữ thì cần những bên liên quan nào và với điều kiện nào? Muốn bảo tồn di sản kiến trúc, nhất là ở những vị trí đắc địa kiểu “đất kim cương”, “đất vàng” thì cần có những tư duy chiến lược, mềm dẻo, thực tế, khả thi, cân bằng khéo léo được các lợi ích khác nhau. 

Cần chọn lọc và phân loại kỹ cái gì thực sự là cốt yếu, tinh hoa, cái gì cần giữ hoàn toàn hay chỉ một phần hay không cần giữ, và nêu được lý do một cách khoa học, xác đáng và thuyết phục chứ không cảm tính. Việc đánh giá, phân loại và định ra được chiến lược bảo tồn và quản lý cho từng khu vực, cụm công trình và công trình dựa trên đặc trưng quy hoạch -kiến trúc - cảnh quan là vô cùng quan trọng. Bên cạnh việc bảo tồn các giá trị vật thể, việc gìn giữ và phát huy các giá trị phi vật thể của địa điểm, thí dụ như phong tục tập quán sống, các lễ hội văn hóa và mối quan hệ cộng đồng xã hội truyền thống, hoạt động kinh doanh lâu đời.

TS. KTS. Tô Kiên