Tai nghe Remax giống hệt của Apple: Cần xử lý hành vi xâm phạm sở hữu trí tuệ
Cập nhật lúc: 30/03/2020, 11:37
Cập nhật lúc: 30/03/2020, 11:37
Về vấn đề pháp lý mà dư luận đặt ra ở đây việc hàng hóa giả mạo các thương hiệu uy tín, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ sẽ bị xử lý thế nào? Trước những câu hỏi trên, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Ths. Luật sư Đặng Văn Cường – Văn Phòng Luật sư Chính Pháp – Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
PV: Thưa Luật sư, hiện nay hàng loạt các sản phẩm công nghệ làm giả thương hiệu (Apple) đang bày bán công khai tại Việt Nam. Theo quy định pháp luật hiện hành tại Việt Nam thì việc thi hành và xử phạt với những đơn vị bán các sản phẩm giả, nhái thương hiệu (Apple) sẽ thực hiện như thế nào?
Luật sư Đặng Văn Cường: Khái niệm hàng giả được quy định trong Nghị định 185/2013/NĐ-CP ngày 15/11/2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 124/2015/NĐ-CP ngày 19/11/2015 của Chính phủ.
Theo khoản 8 Điều 3 Nghị định 185/2013/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi nghị định 124/2015/NĐ-CP của Chính phủ, hàng giả bao gồm:
Hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;
Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng hoặc quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người, vật nuôi không có dược chất; có dược chất nhưng không đúng với hàm lượng đã đăng ký; không đủ loại dược chất đã đăng ký; có dược chất khác với dược chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Thuốc bảo vệ thực vật không có hoạt chất; hàm lượng hoạt chất chỉ đạt từ 70% trở xuống so với tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đã đăng ký, công bố áp dụng; không đủ loại hoạt chất đã đăng ký; có hoạt chất khác với hoạt chất ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa giả mạo tên thương nhân, địa chỉ của thương nhân khác; giả mạo tên thương mại hoặc tên thương phẩm hàng hóa; giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã vạch hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của thương nhân khác;
Hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa;
Hàng hóa giả mạo về sở hữu trí tuệ quy định tại Điều 213 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005; Tem, nhãn, bao bì giả.
Theo Nghị định 185/2013/NĐ-CP, tùy thuộc vào yếu tố nào bị làm giả, như hàng giả không có giá trị sử dụng, công dụng; hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì có những mức phạt khác nhau.
Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa thì theo Điều 13 Nghị định 185/2013/NĐ-CP, mức phạt tiền có thể từ từ 200.000 đồng đến 30.000.000 đồng tùy giá trị hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người; Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi ; phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức phạt tiền gấp hai lần.
Hình thức xử phạt bổ sung là Tịch thu tang vật vi phạm; Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng. Biện pháp khắc phục hậu quả là: Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả; Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường; Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả; Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm.
Nếu hành vi của chủ thể buôn bán hàng giả đủ cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả quy định tại Điều 192 Bộ luật hình sự.
Hình ảnh quảng cáo sản phẩm Remax Airpods X RW3 trên trang web của Remax.
PV: Với một nhãn hàng (Remax) có sản phẩm tai nghe (Remax Airpods X RW3) có thiết kế bao bì, tính năng kèm với lời quảng cáo: “sản phẩm sở hữu thiết kế giống hệt với Airplus và Airpods chính hãng của nhà táo (Apple - PV)”, quan điểm của luật sư như thế nào về vấn đề này?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thực tế hiện nay hàng giả được bày bán khá công khai trên thị trường và nhiều người bán hàng cũng không “ngại” xác nhận đó là hàng giả, hàng nhái. Thế nhưng các sản phẩm này vẫn được người tiêu dùng đón nhận, nghĩa là biết đó là hàng giả, hàng nhái nhưng vẫn mua, hoặc thậm chí chủ động tìm hàng giả, hàng nhái để mua chứ không mua hàng thật do nhiều nguyên nhân, mà một trong những nguyên nhân chủ yếu là vấn đề về tài chính. Vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng là một trong những vấn đề nhức nhối của xã hội.
Hệ lụy tiêu cực mà nó mang lại cho xã hội là không nhỏ, như ảnh hưởng đến sức khỏe, tài chính của người tiêu dùng, làm suy giảm niềm tin của người tiêu dùng đến tính minh bạch của thị trường hàng hóa, làm giảm uy tín của các nhà sản xuất chân chính…
Có thể trước mắt người tiêu dùng không đủ, chưa đủ khả năng tài chính để chi trả cho những món hàng thật, tuy nhiên họ chưa nhận thức được rằng những món hàng giả, hàng nhái đó khi sử dụng lâu dài sẽ có nguy cơ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của bản thân họ. Đối với các sản phẩm tai nghe, sạc điện thoại giả thì chúng ta cũng đã nghe nhiều về các trường hợp người dùng sau thời gian sự dụng đã bị cháy, nổ các thiết bị này và gây thương tích cơ thể nghiêm trọng.
Song cũng có một thực tế đó là các sản phẩm trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực công nghệ luôn có những tính năng, thiết kế khá giống nhau dù của 2 thương hiệu khác nhau. Có thể các sản phẩm sẽ có những sự khác biệt nhất định về cấu hình, độ bền, dung lượng,…nhưng về bản chất ở các sản phẩm này người tiêu dùng vẫn có thể tìm thấy những tính năng thông dụng chung mà họ cần ở một sản phẩm. Và từ các sản phẩm đó, người tiêu dùng sẽ có sự so sánh và lựa chọn sản phẩm có phân khúc thị trường phù hợp với khả năng tài chính của bản thân.
Việc người bán hàng sử dụng từ quảng cáo “giống hệt” đôi khi là việc sử dụng ngôn ngữ để tận dụng một số đặc điểm ưu việt của sản phẩm ở phân khúc thị trường cao hơn (mẫu mã, thiết kế, hình ảnh,..) cho sản phẩm ở phân khúc thị trường thấp hơn dễ dàng tiêu thụ. Trường hợp các sản phẩm có thiết kế gần giống nhau nhưng là của các thương hiệu đã được đăng ký sở hữu trí tuệ, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng thì không gọi là hàng giả. Nếu có việc “nhái” thiết kế thì các thương hiệu sẽ phải sử dụng pháp lý để phân định quyền sở hữu trí tuệ của mình đối với thiết kế đó.
Sản phẩm Airpods của Remax có xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ?
PV: Khi PV tiếp cận thông tin, đại diện công ty Cổ phần Công nghệ Hi-Plus cho rằng sản phẩm này đã được (Remax Hong Kong) bảo hộ thương hiệu từ nhãn hàng công ty mẹ tại nước ngoài. Vậy áp dụng luật pháp VN sẽ xử lý trường hợp này ra sao, thưa Luật sư?
Luật sư Đặng Văn Cường: Nếu một sản phẩm đã được bảo hộ thương hiệu, đăng ký sở hữu trí tuệ, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng thì sản phẩm đó không được xem là hàng giả. Trường hợp này cần phải xem xét các giấy tờ pháp lý chứng minh nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm đó.
PV: Một đơn vị có tiếng về phụ kiện (như Remax) được biết trên toàn thế giới mà lại "đạo nhái" sản phẩm tai nghe giống của các thương hiệu lớn (Apple), quan điểm ông như thế nào về vấn đề này? Nếu như còn tiếp tục việc bán và quảng cáo trực tiếp các sản phẩm đạo nhái các thương hiệu lớn đặc biệt là phía Apple thì sẽ gây ra những hậu quả gì? Có bị truy tố trách nhiệm hay không?
Luật sư Đặng Văn Cường: Thực tế là các sản phẩm có thiết kế giống nhau thì có thể sẽ gây nhầm lẫn lớn với khách hàng.
Nếu như các đơn vị nhái sản phẩm đã được bảo hộ của Apple, hoặc bán hàng hóa nhãn hiệu của công ty Apple nhưng không phải là hàng chính hãng Apple mà là hàng giả mạo nhãn hiệu thì đây là các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của Apple và Apple có quyền tiến hành các biện pháp pháp lý chống lại các hành vi này.
Xin cảm ơn luật sư!
Bài tiếp: Đâu là đơn vị bảo hộ thương hiệu Remax tại Việt Nam?
19:00, 24/03/2020
17:06, 21/03/2020
17:09, 23/02/2020