24/01/2025 | 16:39 GMT+7, Hà Nội

Tài năng không đợi tuổi - Nhìn từ sự nghiệp của “siêu hổ” Tiger Woods

Cập nhật lúc: 12/02/2019, 07:32

Không bao giờ là quá sớm khi cho trẻ em tiếp xúc và chơi golf. Bởi được làm quen càng sớm, golf càng trở thành một thứ giống như bản năng, vừa nâng cao sức khỏe, vừa rèn luyện tính cách cho trẻ. Hơn thế, golf còn có thể trở thành sự nghiệp cả đời của đứa trẻ - mang lại cho chúng vinh quang và tiền tài - giống như cái cách mà golf đã “đối đáp” với huyền thoại sống Tiger Woods.

Sau 5 năm không giành được bất cứ danh hiệu đình đám nào, tháng 9/2018, Tiger Woods lấy lại phong độ khi giành được PGA Tour thứ 80 trong sự nghiệp, kèm theo đó là 4,6 triệu USD tiền thưởng. Với đa số người khác, 4,6 triệu USD là một con số có thể gây “hoa mắt chóng mặt” nhưng với Tiger Woods thì chưa chắc.

Kể từ khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp vào năm 1996 đến nay, “Siêu Hổ” đã nhận được khoảng 115 triệu USD tiền thưởng. Nhưng tổng số tiền anh đã kiếm được lên tới 1,4 tỷ USD. Vậy số tiền hơn 1 tỷ USD còn lại là từ đâu?

Như đa số các vận động viên (VĐV) nổi tiếng, Tiger Woods có nhiều nguồn thu nhập khác nhau và không bị phụ thuộc vào tiền thưởng giải đấu. Một trong số nguồn chính và thường xuyên nhất thường từ các hợp đồng quảng cáo. Năm 2016, anh bỏ túi hơn 45 triệu USD từ các hợp đồng quảng cáo và phí thiết kế sân golf. Năm 2017, dù gần như không ra sân, anh vẫn là VĐV có thu nhập cao thứ 16 thế giới với khối tài sản trị giá khoảng 740 triệu USD.

Với một vận động viên kiếm tiền từ thể thao giỏi như thế, thật khó tin khi biết rằng Woods còn sở hữu một bằng đại học chính quy chuyên ngành kinh tế của Đại học Stanford - một trong những trường luôn lọt vào top đại học tốt nhất thế giới.

Tiger Woods là tấm gương điển hình của giới vận động viên Mỹ. Tiếp xúc với golf từ thơ bé, Woods sớm bộc lộ tài năng và đạt những thành tích đáng nể ở lứa tuổi thiếu niên. Điều đó giúp anh trở thành mục tiêu được rất nhiều trường đại học uy tín của Mỹ săn đón. Với một cái gật đầu, anh có thể nhận suất học bổng toàn phần và xách valy đến học ở bất cứ ngôi trường nào mời mình với một ngành học tùy chọn, chỉ cần anh thỏa mãn được 2 điều kiện: thi đấu cho đội tuyển của trường và đạt kết quả học tập 2.0/4.0. Năm 1995, khi đang học ở Stanford, Tiger Woods trở thành tay golf xuất sắc nhất và giành chức vô địch cá nhân NCAA. Đây là bước đệm quan trọng để anh chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp 1 năm sau đó và viết nên chương mới mang tên mình trong lịch sử golf thế giới.

Tiger Woods đã được cầm gậy golf từ khi còn chưa biết đi.

Tiger Woods đã được cầm gậy golf từ khi còn chưa biết đi.

Ở một đất nước mà golf được coi là một ngành công nghiệp như Mỹ, người ta không chỉ chơi golf cho vui, họ chơi để kiếm tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Vì thế, trẻ con ngay từ nhỏ nếu yêu thích và có tố chất thể thao sẽ được khuyến khích tập luyện và thi đấu ở các giải nghiệp dư dành cho lứa tuổi phù hợp. Đến khi vào đại học, các bạn trẻ lại có cơ hội cọ xát ở những hệ thống giải như NCAA và tìm cơ hội chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp sau đó. Với những giải nghiệp dư, một nhà vô địch chỉ có thể kiếm vài trăm USD tiền thưởng - bởi đó là nguyên tắc. Nhưng khi đã chuyển sang chuyên nghiệp thì cơ hội kiếm hàng nghìn, thậm chí hàng triệu USD là hoàn toàn khả thi, miễn họ có tài thực sự.

“Siêu Hổ” kiếm hơn 1 tỉ đô la, chủ yếu từ các hợp đồng quảng cáo khi thi đấu chuyên nghiệp.

“Siêu Hổ” kiếm hơn 1 tỉ đô la, chủ yếu từ các hợp đồng quảng cáo khi thi đấu chuyên nghiệp.

Chẳng thế mà, trong một cuộc thăm dò của Viện Gallup, có tới 52% nam sinh Mỹ chia sẻ họ mơ ước trở thành một vận động viên nhà nghề - nhiều hơn hẳn con số những học sinh muốn thành bác sĩ, luật sư hay thầy giáo. Điều đó, theo viện Gallup, đã chứng tỏ, từ thuở nhỏ khi được cha mẹ đưa đi đá bóng, chơi bóng rổ, chơi golf... các em đã ước mơ khi lớn sẽ trở thành một vận động viên nổi tiếng, giống như những vận động viên mà các em nhìn thấy trên tivi hằng ngày - những người tài năng, giàu có với hàng triệu người hâm mộ.

13 tuổi, cậu bé Tiger Woods đã giành giải vô địch lứa tuổi thiếu niên đầu tiên.

13 tuổi, cậu bé Tiger Woods đã giành giải vô địch lứa tuổi thiếu niên đầu tiên.

Soi chiếu vào nền golf mạnh nhất thế giới của Mỹ mới thấy rằng, nếu chúng ta muốn có những ngôi sao xuất sắc, nên cho trẻ em tiếp xúc với thể thao càng sớm càng tốt. "Tài không đợi tuổi". Có lẽ không bao giờ là quá sớm để dạy cho lũ trẻ về một môn thể thao mà lúc mới bắt đầu, chúng còn mơ hồ, ngơ ngác, nhưng lại rèn giũa thành bản năng để đưa chúng lên đỉnh vinh quang sau này.

Tiger Woods bắt chước động tác đánh golf của bố khi 6 tháng tuổi, được cầm gậy gạt bóng lúc 9 tháng tuổi, 2 tuổi lên TV trong chương trình “Mike Douglas Shows” phát bóng và gạt bóng cùng Bob Hope, 3 tuổi đánh 9 lỗ golf mất 48 gậy, 5 tuổi lên bìa tạp chí Golf Digest. Nếu không được làm quen với golf sớm như thế, liệu thế giới có một “Siêu Hổ” như ngày nay? Vậy nên, việc gì có thể làm sớm, hãy làm ngay khi có thể!

Hiệp hội Thể thao các trường đại học toàn quốc của Mỹ - hay còn được biết tới với tên viết tắt quen thuộc NCAA - là đích đến mơ ước của bất cứ ai, không riêng gì người Mỹ mà bao gồm tất cả những người muốn trở thành vận động viên và kiếm tiền bằng thể thao chuyên nghiệp. Điều đáng ngạc nhiên về hệ thống NCAA là những đội mạnh về thể thao cũng thường rất có tiếng trong hệ thống giáo dục Mỹ. Một người dù chơi thể thao giỏi nhưng không đảm bảo việc học thì chắc chắn không thể tiếp tục nhận học bổng và thi đấu cho tuyển trường - đó là quy định bắt buộc. Trưởng thành từ môi trường NCAA nên việc những huyền thoại như Anorld Palmer, Jack Nicklaus hay Phil Mickelson đều có tấm bằng đại học trong tay là điều không lạ lẫm ở xứ cờ hoa.

Thái Nguyên