Tác hại của rượu đến sức khỏe con người
Cập nhật lúc: 23/02/2017, 07:50
Cập nhật lúc: 23/02/2017, 07:50
Rượu làm tăng hoạt động GABA (gamma – aminobutyric) và ức chế ảnh hưởng của glutamate, khiến thông tin truyền đi trong não bộ chậm hơn bình thường.
Các tế bào thần kinh ở não bộ rất nhạy cảm trước bất cứ chất độc nào, do đó với lượng cồn lớn trong rượu được đưa vào từ đường máu sẽ gây ra những rối loạn trầm trọng trong sự hoạt động của vỏ não và làm cho vỏ não không còn kiểm soát, điều chỉnh được hoạt động của các trung tâm dưới vỏ.
Từ đó, gây ra các hành động tiêu cực của người uống như đi đứng loạng choạng, phản ứng chậm, mất kiểm soát và liều lĩnh hơn. Ngoài ra, lượng cồn có trong rượu còn làm cho trí nhớ của bạn bị suy giảm.
Rượu thấm qua nhau thai rất dễ dàng để vào máu của bào thai. Nếu thai phụ uống rượu mạnh thường xuyên có thể gây dị tật bẩm sinh, rối loạn phát triển, ảnh hưởng đến hành vi của trẻ sau này.
Tỉ lệ mắc phải hội chứng nhiễm độc rượu ở bào thai là 0,5-3/1.000. Ảnh hưởng của rượu tác động đến sự phát triển của tất cả các cơ quan.
Nguy cơ dị tật do rượu thường nghiêm trọng vào thời kỳ phát triển phôi, hình thành các cơ quan. Hệ thần kinh trung ương được phát triển sớm nhất và kéo dài đến tuần lễ thứ 16 của thai kỳ. Do đó rượu tác hại nhiều nhất đến não bộ.
Uống nhiều hơn mức cho phép an toàn và trong khoảng thời gian dài sẽ dẫn đến các bệnh tim mạch:
Uống quá nhiều rượu làm tăng huyết áp, một trong những yếu tố nguy cơ lớn nhất gây ra đau tim hay đột quỵ. Tăng huyết áp cũng một phần là hậu quả của tăng cân từ uống rượu quá mức, do rượu là đồ uống chứa nhiều calo.
Uống nhiều rượu làm suy yếu cơ tim, làm tim không thể bơm máu một cách hiệu quả. Từ đó gây ra bệnh cơ tim và có thể gây tử vong sớm do suy tim.
Rượu bị phân hủy từ ethanol thành các acetaldehyde (chất rất độc) có thể gây viêm loét dạ dày. Khi lượng bia, rượu đưa vào cơ thể quá nhiều sẽ gây ra bệnh viêm dạ dày cấp, lóet dạ dày và tá tràng.
Nghiện rượu cũng gây ra các biến chứng như thủng dạ dày và chảy máu dạ dày.
Khi rượu vào cơ thể, nó được hấp thu nhanh với 20% hấp thu tại dạ dày và 80% tại ruột non, sau 30-60 phút toàn bộ rượu được hấp thu hết.
Sau đó, rượu được chuyển hóa chủ yếu tại gan (90%). Chính vì lý do này mà chức năng ngăn các chất độc khác nhau do máu mang từ ruột hoặc ở ngoài đến của gan bị suy giảm, dẫn đến việc gan bị nhiễm mỡ, xơ gan và nghiêm trọng hơn nữa là ung thư gan.
Rượu làm giảm khả năng tấn công vi khuẩn và phòng ngừa bệnh tật của hệ miễn dịch. Chính vì thế mà người say rượu rất dễ bị cảm, trúng gió…
Hơn thế, rượu còn làm thay đổi sự hóa ứng động bạch cầu, số lượng tế bào limpho T, hoạt tính của NK (natural killer cell), do đó người nghiện rượu dễ mắc các bệnh nhiễm khuẩn như viêm phổi, lao phổi, nếu không phát hiện sớm có thể tử vong.
Rượu làm suy yếu sự trao đổi chất, gia tăng axit uric – nguyên nhân của bênh gout. Người uống rượu cũng sẽ thường cảm thấy đau nhức, mỏi xương khớp.
Đối với nam giới, rượu làm ảnh hưởng đến chất lượng tinh trùng, khi kết hợp với trứng để thụ thai dễ dẫn đến suy yếu thế hệ.
Đối với nữ giới, nghiện rượu sẽ làm suy yếu vùng hạ đồi - tuyến yên, buồng trứng dẫn đến trứng không rụng nữa, làm bất thường phát triển nội mạc tử cung, rối loạn kinh nguyệt, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của chị em, gây nguy cơ sinh non cao và là một nguyên nhân gây vô sinh.
Đặc biệt, nếu phụ nữ đang mang thai mà uống nhiều rượu sẽ khiến cho thai nhi phát triển không bình thường, thai nhi dễ bị tổn thương sau khi sinh.
Rượu là một chất tác động tâm thần mạnh. Sử dụng rượu nhiều sẽ gây ra một số các bệnh lí rối loạn tâm thần.
Rượu làm hoang tưởng, ảo giác, kích động vận động nặng lên ở giai đoạn cấp của bệnh, mặc dù vẫn tuân thủ điều trị bằng thuốc... nó còn làm tăng lo âu, sầu uất, trầm cảm, làm gia tăng các ý tưởng tự sát hoặc xu hướng kích động tấn công.
08:57, 29/01/2017
05:54, 04/01/2017
06:31, 01/10/2016