21/01/2025 | 03:57 GMT+7, Hà Nội

Sự thực về công dụng của thẻ đeo chống virus

Cập nhật lúc: 22/02/2020, 10:26

Mấy tuần gần đây, những người bán hàng online đang quảng cáo giới thiệu về thẻ chống virus giúp người đeo phòng chống virus trong khi dịch Covid-19 đang hoành hành. Vậy thực hư về công dụng của chiếc thẻ này như thế nào?

Theo quảng cáo, thẻ chống virus có tác dụng trong 1 tháng, có thể diệt được virus, kháng khuẩn. Bên Nhật, người Nhật đeo thẻ chống virus này này để bảo vệ cơ thể trước virus, dịch cúm, virus corona, vi khuẩn, bụi, phấn hoa… Sản phẩm cao cấp của Nhật Bản đã được kiểm định chất lượng khắt khe, mang hiệu quả cao và an toàn cho sức khỏe. Ngoài việc đeo khẩu trang ở nơi công cộng thì 1 chiếc thẻ Toamit trước ngực sẽ tạo nên hàng rào vô hình để bảo vệ cơ thể trước những tác nhân gây hại từ môi trường. Thành phần natri clorit carbon dioxide, đã được chứng minh với khả năng kháng virus, kháng khuẩn, chống bụi, phấn hoa. Thẻ đeo này vô cùng tiện dụng, phù hợp với mọi đối tượng: trẻ em, người lớn, phụ nữ mang thai,... Không gây độc hại cho sức khỏe hay kích ứng.

Để tăng sức thuyết phục, người bán còn có những bài phản biện rất “chuyên nghiệp” kiểu như: Nhưng nhiều bạn bị thần thánh hóa việc đeo thẻ lên. Cứ nghĩ đeo vào là bảo vệ 100%. Bạn đeo thẻ, bạn bay nhảy đến chốn đông người. Bạn không vệ sinh tay chân, không tăng đề kháng cơ thể thì chắc là đeo thẻ có công dụng. Làm ơn hiểu là dùng thẻ chỉ tăng thêm bảo vệ cho bạn mà thôi. Phòng còn hơn chống. Xin hãy là nhà tiêu dùng thông thái. Bạn có điều kiện thì hãy mua thêm thẻ để bảo vệ thêm, chớ người bán không bảo bạn mua đi thì bạn an toàn 100%.

Hiện Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ chống virus này.

Có lẽ do quảng cáo khá thuyết phục nên nhiều người dân vẫn đổ xô đi mua, khiến giá của sản phẩm này tăng cao, thậm chí có những thời điểm còn khan hàng. Chiếc thẻ chống virus có giá niêm yết nơi là 250.000 đồng, 310.000 đồng hay thậm chí lúc khan hàng đã lên đến 450.000 đồng -500.000 đồng/ thẻ.

Theo phân tích của nhóm y học cộng đồng, dịch từ các phân tích của các bác sỹ người Nhật: Những thẻ này được gọi chung là thẻ ngăn virus, phấn hoa, mùi hôi… khử trùng không gian. Tất cả các Cty làm ra thẻ này đều quảng cáo là làm từ Chlorine Dioxide. Các chế phẩm Chlorine Dioxide có bán trên thị trường dường như có một mức độ hiệu quả khử trùng nhất định trong không gian kín, nhưng cũng có các loại di động như loại bút và loại thẻ tên thì hiệu quả khử trùng không thể được đánh giá ở một mức độ nhất định và an toàn cho cơ thể con người chưa được kiểm chứng. Chúng không chứng minh được có tăng nồng độ hóa chất ở không gian xung quanh và làm giảm mật độ mầm bệnh xung quanh. Trước khi đánh giá hiệu quả của các sản phẩm chứa Chlorine Dioxide, phải hiểu rằng Chlorine Dioxide là một chất không được cấp phép và chưa được phân loại là chất khử trùng tại Nhật Bản. Chúng được phân loại là hàng tạp hóa, không phải dược phẩm hoặc thuốc bán và không có cần phải dán nhãn các thành phần chính của sản phẩm.

Về tác dụng diệt khuẩn, Chlorine Dioxide cho thấy tác dụng diệt khuẩn mạnh hơn Natri Hypoclorite, nhưng việc sử dụng khí Chlorine Dioxide trong không gian kín không được khuyến cáo do có nhiễm độc sinh học. Như đã đề cập ở trên, có các tiêu chuẩn môi trường làm việc ở Hoa Kỳ về sự an toàn của Chlorine Dioxide, nhưng không có tiêu chuẩn nào ở Nhật Bản. Sự an toàn của phơi nhiễm lâu dài ở nồng độ thấp chưa được xác minh. Mặc dù Chlorine Dioxide cũng là phụ gia thực phẩm, một số sản phẩm cho thấy nó an toàn, nhưng điều đó không có nghĩa là nó an toàn ở các sản phẩm khác. Khi trẻ em với các sản phẩm khử trùng Chlor treo trên cổ, có thể gây bỏng ngực do hóa chất, do đó, ngay cả phụ gia thực phẩm không phải lúc nào cũng an toàn. Vậy thì nhiều người sẽ thắc mắc vì sao chúng lại được bán ở tiệm thuốc để người dân mua dùng. Đơn giản, vì nó không phải là dược phẩm y tế mà chỉ là sản phẩm hàng tạp hóa nên vẫn sẽ bán được ở đó. Trên thị trường có hàng trăm ngàn sản phẩm thương mại, trong đó có thực phẩm chức năng, những hàng hóa như thế này không được kiểm soát nghiêm ngặt như dược phẩm nên có rất nhiều sản phẩm kém chất lượng và quảng cáo sai công dụng. Vì vậy, đừng nghĩ cứ bán ở tiệm thuốc, hàng Nhật, bán ở Nhật sẽ là đồ an toàn, chất lượng.

Vì thế, những thẻ này chưa được công nhận có tác dụng ngăn ngừa virus ở Nhật, chúng chưa được cấp phép và được công nhận là dược phẩm. Trước khi mua bất kì sản phẩm nào phải tìm hiểu rõ về nguồn gốc, công dụng, độ an toàn, nguy hại của nó, có cần thiết để mua hay không… hãy hỏi các chuyên gia/ bác sĩ/ dược sĩ. Đừng tin những quảng cáo rao bán.

Còn theo PGS.TS Trần Đắc Phu, cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng (Bộ Y tế), hiện Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 chưa có khuyến cáo về phương pháp phòng bệnh bằng loại thẻ chống virus này. Cơ quan y tế của Việt Nam cũng chưa nhận được thông tin chính thức từ các nhà khoa học hay chuyên gia phòng bệnh truyền nhiễm, chống dịch của các tổ chức quốc tế về việc đeo thẻ giúp phòng dịch bệnh. Trên thế giới cũng chưa có quốc gia nào khuyên người dân sử dụng để phòng bệnh Covid-19. Một số bác sĩ cũng cho biết hiện nay chưa có công cụ nào chống dịch Covid-19 nào thần kỳ đến vậy. Đây chỉ là cách phòng tránh virus corona mơ hồ từ cư dân mạng, người dân nên cảnh giác kẻo "tiền mất, tật mang" vì chủ quan khi đeo thẻ mà lơ là phòng bệnh. Nếu là sản phẩm trôi nổi, không rõ nguồn gốc, cơ quan quản lý thị trường sẽ tiến hành kiểm tra, thu hồi.

Người dân cần thực hiện các khuyến cáo của Bộ Y tế trong thực hành phòng chống bệnh Covid-19. Cách đơn giản nhất, hiệu quả nhất để phòng chống dịch do virus corona mới hiện nay vẫn là rửa tay bằng xà phòng và nước sạch ít nhất 20 giây, rửa tay liên tục trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh, sau khi xuống xe ô tô, đi vào nơi làm việc. Người dân nên dùng khẩu trang ở nơi có nguy cơ lây lan cao như khi đi phương tiện công cộng, đến BV, đeo khẩu trang ở nơi đông người. Nếu ngồi trong lớp học, văn phòng làm việc không cần thiết phải đeo khẩu trang.