19/01/2025 | 13:19 GMT+7, Hà Nội

Sự thật về việc Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ

Cập nhật lúc: 06/07/2017, 09:00

Theo Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bá Nha - Trưởng khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai, việc Bộ Y tế ra quyết định cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ cần được làm rõ để tránh gây hoang mang cho các mẹ bầu.

 

Gây tê tủy sống là việc tiêm thuốc gây tê hay thuốc giảm đau vào khoang nằm giữa màng nhện và màng mềm của cột sống. Thuốc tê sẽ tác dụng vào các rễ thần kinh gây mất cảm giác, liệt vận động.

Gây tê tủy sống là phương pháp thường được sử dụng khi sinh mổ lấy con. Tuy nhiên, vừa qua Bộ Y tế đã có công văn ký công văn chính thức gửi các cơ sở y tế yêu cầu bác sĩ cấm gây tê tủy sống đối với một số hợp mổ lấy con khiến nhiều phụ nữ đang mang bầu và những người đã từng sử dụng phương pháp này cảm thấy hoang mang, lo lắng.

Nhằm giải đáp các thắc mắc này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư Tiến sĩ Phạm Bá Nha - Trưởng khoa Phụ sản - Bệnh viện Bạch Mai để giải đáp một số thắc mắc xoay quanh vấn đề này để các mẹ có thể yên tâm hơn khi sinh đẻ.

PGS-TS Phạm Bá Nha

PGS-TS Phạm Bá Nha

Thưa bác sĩ, thông tin Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ đẻ do có quá nhiều tác dụng phụ trong những ngày gần đây khiến rất nhiều phụ nữ đang mang bầu và những người đã từng sử dụng phương pháp này cảm thấy hoang mang. Với chuyên môn của mình, xin bác sĩ nhận xét về quyết định của Bộ Y tế và tác dụng/hậu quả của phương pháp gây tê tủy sống này. 

Việc dư luận cho rằng Bộ Y tế cấm gây tê tủy sống khi mổ lấy thai là chưa chính xác. Văn bản này của Bộ Y tế chỉ cấm gây tê tủy sống trong trường hợp sản phụ có bệnh nặng và có thể diễn biến xấu trong quá trình mổ, hoặc các trường hợp sản phụ như nhau bong non, nhau cài răng lược, tiền sản giật nặng, sản giật… chứ không phải là cấm hẳn.

Nói một cách khác thì nếu sản phụ có sức khỏe bình thường thì gây tê tủy sống vẫn là một phương pháp gây tê an toàn chứ không có gì bất thường hết. 

Nếu như sản phụ có sức khỏe không phù hợp với phương pháp gây tê tủy sống, có thể thay thế bằng phương pháp nào an toàn hơn, thưa bác sĩ?

Hiện nay có hai phương pháp để mổ lấy thai là gây mê nội khí quản và gây tê tủy sống. Trong các trường hợp bệnh nhân nặng, ca mổ có tính chất phức tạp sẽ được gây mê nội khí quản. Đây là phương pháp gây mê toàn thân và có thể kiểm soát hô hấp tốt đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Về mặt chuyên môn, không phải đến tận bây giờ mà trước đây cũng đã có các khuyến cáo của hội Gây Mê Hồi Sức, hội Sản Phụ khoa về vấn đề này và các bệnh viện hiện nay vẫn đang áp dụng chặt chẽ các quy định điều này.

Thưa bác sĩ, nhiều sản phụ lo lắng về việc mẹ gây tê tủy sống thì con sinh ra sẽ bị ảnh hưởng đến sức khỏe. Điều đó có hay không?

Rất nhiều sản phụ nghe đến việc tiêm thuốc tê vào cơ thể thì cho rằng nó sẽ ảnh hưởng đến em bé khi ra đời. Tuy nhiên, trên thế giới và ở Việt Nam, có đến 95% sản phụ phải nhờ đến phương pháp giảm đau này khi sinh con bằng phương pháp mổ đẻ. Các chuyên gia y tế cũng đã đánh giá đây là phương pháp an toàn cho cả mẹ và con vì thế thai phụ có sức khỏe bình thường hoàn toàn yên tâm khi gây tê tủy sống. 

Với những sản phụ có sức khỏe bình thường thì phương pháp gây tê màng cứng có tác dụng phụ nào sau khi sinh?

Bất kỳ phương pháp giảm đau nào cũng có các tai biến và biến chứng. Tuy nhiên, các tai biến và biến chứng của phương pháp giảm đau này khá ít gặp và thường không quá nghiêm trọng.

Có thể phương pháp này sẽ khiến phụ nữ đau lưng hay đau đầu sau khi sinh xong. Tuy nhiên, tác dụng phụ này sẽ dần biến mất và hoàn toàn có thể điều trị chứ không phải là vĩnh viễn như nhiều người đang đồn thổi.

Tuy nhiên, nếu có vấn đề về sức khỏe hoặc từng có tiền sử bệnh tật, sản phụ cần thông báo với bác sỹ gây tê để họ có thể cân nhắc kỹ từng trường hợp bệnh nhân và tiến hành việc gây tê cũng như đảm bảo việc sinh nở theo một quy trình kỹ thuật chặt chẽ để giảm các tai biến và biến chứng cho cả sản phụ và em bé khi chào đời.

Xin cảm ơn bác sĩ!