22/11/2024 | 12:54 GMT+7, Hà Nội

Sự hỗ trợ và nỗ lực tự thân

Cập nhật lúc: 08/06/2020, 15:00

Không hình sự hóa quan hệ dân sự; giảm tiền thuê đất; giảm phí dịch vụ hàng không; giảm lãi suất cho vay từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho phép chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Không hình sự hóa quan hệ dân sự; giảm tiền thuê đất; giảm phí dịch vụ hàng không; giảm lãi suất cho vay từ Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; cho phép chuyên gia, nhà quản lý doanh nghiệp, nhà đầu tư, lao động kỹ thuật cao là người nước ngoài làm việc trong các dự án đầu tư được nhập cảnh vào Việt Nam để duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh… Nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đã được Chính phủ triển khai tại Nghị quyết số 84/NQ-CP, ngày 29-5-2020, về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự xã hội trong bối cảnh đại dịch Covid-19.

Ngay từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, Chính phủ đã xác định 2 “mặt trận”: Chống dịch và bảo đảm tăng trưởng kinh tế. Vì thế, bên cạnh các giải pháp chống dịch quyết liệt, Chính phủ đã có những giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, kinh doanh kịp thời. Lúc này, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát chặt, các giải pháp phục hồi sản xuất, khôi phục tăng trưởng kinh tế - “mặt trận” thứ hai lại càng được đẩy mạnh.

Thực tế, nhìn lại 5 tháng đầu năm 2020, sự đồng hành của các cơ quan nhà nước với doanh nghiệp trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh đã được thể hiện rõ nét ở hai khía cạnh. Thứ nhất là việc chủ động khống chế dịch bệnh, với những phản ứng linh hoạt, tức thì, hiệu quả và tạo ra sự đồng lòng cao. Nhờ thành công trong khống chế dịch bệnh mà thiệt hại về kinh tế - xã hội giảm đáng kể, thị trường trong nước được bảo vệ và Việt Nam có thể đón thêm cơ hội mới khi sớm tái khởi động nền kinh tế.

Thứ hai là các bộ, ngành, địa phương nỗ lực triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chỉ thị số 11/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19; Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; Nghị quyết số 42/NQ-CP của Chính phủ về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 và bây giờ là Nghị quyết số 84/NQ-CP là những hỗ trợ kịp thời, linh hoạt, sát tình hình thực tế.

Bên cạnh các cơ chế, chính sách, Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã chủ động gặp gỡ, đối thoại với cộng đồng doanh nghiệp; chủ động lắng nghe ý kiến, đề xuất, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp thông qua cải cách hành chính, khơi thông thị trường, chia sẻ cơ hội đầu tư… Hàng trăm nghìn khách hàng là doanh nghiệp đã được cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm, hạ lãi suất tín dụng hoặc vay mới khôi phục sản xuất, kinh doanh với lãi suất ưu đãi (thấp hơn 0,5-2,5% so với trước dịch Covid-19), với tổng dư nợ hàng triệu tỷ đồng.

Các chỉ số thống kê trong tháng 5 - tháng đầu tiên đời sống trở lại trạng thái bình thường mới sau giãn cách xã hội, đã phản ánh chính xác bức tranh sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp. Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 11,2%; 10.700 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 36,1%; hoạt động thương mại, dịch vụ cũng tăng 26,9% so với tháng 4-2020…

Dù tính chung 5 tháng đầu năm 2020, các chỉ số kinh tế tăng trưởng đều thấp hơn, thậm chí giảm so với cùng kỳ năm 2019, song vẫn cho thấy rõ những tác động tích cực từ các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

“Doanh nghiệp không xin tiền, chỉ xin cơ chế”. Điều đó cho thấy sự hỗ trợ bằng tài chính chỉ mang tính ngắn hạn. Một môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, không có rào cản mới là cách hỗ trợ doanh nghiệp bền vững. Dịch Covid-19 càng buộc sự thay đổi này phải nhanh và quyết liệt hơn nữa. Đó là cách tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh hiệu quả và mang tính dài hạn nhất.

Mặt khác, nó cũng có nghĩa, muốn thúc đẩy sản xuất, kinh doanh không chỉ trông đợi vào sự hỗ trợ mà còn đòi hỏi nỗ lực tự thân của mỗi doanh nghiệp. Trong những lúc dịch Covid-19 gây ra khó khăn nhất, cộng đồng doanh nghiệp đã phản ứng linh hoạt trong thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, ứng dụng mạnh công nghệ số, tiết giảm chi phí. Dù khó khăn nhất, nhân lực vẫn được coi là tài sản quý để khi có điều kiện có thể sẵn sàng phục hồi sản xuất. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp không chỉ thích ứng để tồn tại mà còn cho thấy ý chí vươn lên, sẵn sàng tái cấu trúc doanh nghiệp, thị trường, đón cơ hội mới nhằm hướng đến những mục tiêu phát triển mới.

Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tiếp tục nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp một cách hiệu quả hơn nữa. Bản thân doanh nghiệp cũng cần nỗ lực, nuôi dưỡng khát vọng, đón những cơ hội để khôi phục sản xuất, kinh doanh, góp phần vào tăng trưởng kinh tế nói chung. Sự nỗ lực song hành này sẽ giúp nước ta sớm vượt qua khó khăn, duy trì đà tăng trưởng của nền kinh tế.