25/11/2024 | 03:57 GMT+7, Hà Nội

Sử dụng kem trộn, mặt thiếu nữ chi chít mụn mủ, sưng nề

Cập nhật lúc: 21/12/2018, 03:30

Dùng kem trộn trị mụn trứng cá, cô gái 19 tuổi phải nhập viện vì sưng nề vùng mặt, mụn mủ, vảy tiết nhiều.

Sử dụng kem trộn, mặt thiếu nữ chi chít mụn mủ, sưng nề 0

Bác sĩ nội trú Nguyễn Thị Thảo Nhi, Bệnh viện Da liễu Trung ương, Bộ môn Da liễu (Trường Đại học Y Hà Nội) cho biết, ngày 18/12, bệnh viện tiếp nhận trường hợp bệnh nhân nữ (19 tuổi) bị sưng nề vùng mặt, mụn mủ, vảy tiết nhiều sau khi dùng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc đến khám.

Theo kể lại, qua lời giới thiệu của người thân và quảng cáo trên facebook, bệnh nhân đến một spa và được tư vấn mua bộ mỹ phẩm chăm sóc da điều trị mụn trứng cá gồm 12 sản phẩm, một số loại trong đó đựng trong chai thủy tinh không có nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và hạn sử dụng.

Sau 1 tuần sử dụng, bệnh nhân bắt đầu thấy mặt xuất hiện nhiều mụn mủ, mẩn đỏ và ngứa rất nhiều. Bệnh nhân quay lại spa được tư vấn tiếp tục sử dụng và được giải thích đó là phản ứng đẩy nhân mụn của thuốc và kết hợp với chích nặn nhân mụn.

Sau 2 tuần, bệnh nhân thấy tình trạng da ngày càng xuất hiện nhiều mụn ủ, vảy tiết và sưng nề mặt nhiều mới ngưng sử dụng và đến Bệnh viện Da liễu Trung ương khám.

Theo các bác sĩ, đây chỉ là một trường hợp điển hình trong số rất nhiều trường hợp đến khám tại bệnh viện Da liễu trung ương do viêm da tiếp xúc với mỹ phẩm.

ThS.BS Hoàng Văn Tâm, Phó Trưởng Khoa Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ điều trị Khoa Điều trị bệnh da nam giới, Bệnh viện Da liễu Trung ương cảnh báo, đặc điểm của các loại kem trộn này là trắng sáng “thần tốc” và giảm mụn trứng cá nhanh chóng khiến người dùng rất thích thú.

Tuy nhiên chỉ sau một thời gian dùng thuốc, người bệnh trở thành một "con ma di động" với các đợt bùng phát trứng cá dữ dội và tiếp tục phụ thuộc vào thuốc dẫn đến hội chứng "nghiện corticoid bôi" không khác gì nghiện thuốc phiện.

Trong quá trình thăm khám, các bác sĩ cũng gặp khá nhiều những trường hợp bị nám khắp mặt sau điều trị kem trộn có chất làm trắng hydroquinone và corticoid. Trong đó có những trường hợp sau khi bôi kem trộn có corticoid được một thời gian trên mặt xuất hiện lông dài và rậm, teo da, giãn mạch, mỏng da, rạn da…

Nói về hội chứng nghiện corticoid bôi, ThS. Tâm phân tích đây là tình trạng da trở lên đỏ, sưng nề, xuất hiện mụn mủ… sau khi ngừng sử dụng thuốc. Tình trạng này xuất hiện theo chu kì, giảm khi sử dụng lại thuốc.

Thông thường dùng corticoid bôi liên tục trong 2-4 tháng có thể gây ra tình trạng nghiện thuốc. Corticoid bôi càng mạnh thời gian để gây nghiện thuốc càng ngắn, giãn mạch mạnh gây đỏ da, phù nề, gây sẩn mụn mủ.

Tuy nhiên, theo ThS. Tâm, có một thực tế là có đến 50% bệnh nhân nghiện corticoid bôi cho rằng mình không phải là nghiện corticoid, do đó không tuân thủ điều trị hoặc bỏ điều trị. 

Với người bản lĩnh và tuân thủ điều trị của bác sĩ thì sau 1 thời gian cơn nghiện sẽ thưa dần và giảm dần về cường độ và cuối cùng khỏi, ngược lại sẽ tái nghiện và bị nặng hơn.

Để điều trị vấn đề này rất nan giải, vừa điều trị cơn nghiện cho bệnh nhân, vừa phải động viên tâm lý, ổn định tư tưởng cho họ vì có trường hợp rơi vào trầm cảm, thậm chí tự tử.