28/03/2024 | 22:24 GMT+7, Hà Nội

Sự đảo chiều ngoạn mục của xuất nhập khẩu

Cập nhật lúc: 02/01/2022, 13:45

Đã có thời điểm trong năm 2021,Việt Nam phải chứng kiến cảnh thâm hụt thương mại rất sâu. Thế nhưng, kết thúc năm, nước ta lại xuất siêu 4 tỷ USD. Điều này cho thấy, cán cân thương mại đã đảo chiều 1 cách ngoạn mục.

Đầu năm 2021, Bộ Công Thương dự báo kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam có mức tăng trưởng khoảng 5%. Cán cân thương mại duy trì ở mức cân bằng, hoặc nhập siêu nhẹ. Thế nhưng, trên thực tế, kim ngạch xuất nhập khẩu năm nay đã thực sự bùng nổ.

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa năm 2021 ước đạt 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 336,25 tỷ USD, nhập khẩu ước đạt 332,25 tỷ USD. Tính chung năm 2021, cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 4 tỷ USD.

Đáng nói, trong giai đoạn tháng 5 đến tháng 9/2021, Việt Nam phải chứng kiến hiện tượng thâm hụt thương mại rất lớn. Đã có thời điểm, nước ta nhập siêu lên tới 3,7 tỷ USD (vào tháng 8/2021). Điều này cho thấy, cán cân thương mại đã đảo chiều một cách ngoạn mục.

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương đánh giá: Con số xuất siêu 4 tỷ USD trong năm 2021 không phải là cao, và chỉ bằng 1/5 so với năm 2020. Thế nhưng, trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng, thì con số này rất đáng khích lệ.

“Kết quả xuất, nhập khẩu, đặc biệt là xuất khẩu đã cho thấy sự kiên trì của các doanh nghiệp để nỗ lực vượt qua khó khăn trong giai đoạn giãn cách. Đặc biệt, sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128, các doanh nghiệp đã nhanh chóng phục hồi sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, bắt kịp các cơ hội để duy trì tăng trưởng xuất khẩu”, ông Hải nói.

Sự đảo chiều ngoạn mục của xuất nhập khẩu
Sự đảo chiều ngoạn mục của xuất nhập khẩu

Về cơ hội, thị trường xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước đã và đang triển khai mạnh mẽ tiêm vaccine cùng với việc nới lỏng các biện pháp giãn cách. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định thương mại tự do, đặc biệt là các FTA thế hệ mới sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của Hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. 

Tuy nhiên, một số rủi ro tiềm tàng cho xuất nhập khẩu như thương mại toàn cầu phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19; xu hướng bảo hộ đang xuất hiện trở lại; giá hàng hóa tăng mạnh có thể làm gia tăng chi phí đầu vào phục vụ sản xuất; giá cước vận tải tăng cao và xảy ra tình trạng thiếu hụt container vận chuyển. 

Dự báo về mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong năm 2021, ông Hải, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp, làn sóng chuyển dịch đầu tư của các doanh nghiệp FDI sang Việt Nam tập trung vào những ngành sản xuất máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính và linh kiện. 

Nhờ đó, nguồn lực cho sản xuất, xuất khẩu của các ngành hàng này dự kiến sẽ được bổ sung đáng kể. Do vậy, Bộ Công Thương đánh giá các mặt hàng công nghệ như: điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; và máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác tiếp tục là những sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu cao của Việt Nam trong năm 2022.

“Bên cạnh đó, với sự phục hồi của các thị trường xuất khẩu quan trọng, xuất khẩu các mặt hàng như dệt may, da giày, đồ gỗ, thuỷ sản dự kiến sẽ cũng có những kết quả tích cực”, ông Hải cho biết.

Nguồn: https://congluan.vn/su-dao-chieu-ngoan-muc-cua-xuat-nhap-khau-post175451.html