19/01/2025 | 07:16 GMT+7, Hà Nội

Sự bất lực hay bất thường trong quản lý trật tự đô thị tại Hoàng Liệt?

Cập nhật lúc: 01/08/2020, 08:00

Lấn chiếm vỉa hè ngang nhiên như "chốn không người" là thực trạng tại phường Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội). Nguyên nhân đến từ sự bất lực hay bất thường trong công tác quản lý của chính quyền địa phương?

Lời tòa soạn: Tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường tại Thủ đô Hà Nội đã xảy ra và lặp đi lặp lại trong suốt một thời gian dài. Dù thành phố đã đưa ra nhiều biện pháp xử lý nhưng ý thức của một số bộ phận người dân còn mang tính chống đối đã khiến hiệu quả của “cuộc chiến giành lại vỉa hè” chỉ mang tính thời điểm.

Vỉa hè bị chiếm dụng vì mục đích tư lợi - nếu còn tồn tại sẽ dần trở thành “điểm đen”, gây nguy cơ về mất an toàn giao thông và là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường. Đã có nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) thương tâm xảy ra do người dân phải đi bộ dưới lòng đường vì vỉa hè bị lấn chiếm nhưng không bị xử lý “đến nơi, đến chốn”.

Chính vì thế, chúng tôi khởi đăng tuyến bài về những vấn đề bất cập còn tồn đọng liên quan đến việc lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để thông qua đó, chung tay cùng các cấp chính quyền Thủ đô trong việc tuyên truyền, xử lý triệt để các sai phạm; lập lại trật tự công cộng, trật tự đô thị cho từng địa bàn dân cư.

Phường Hoàng Liệt có bốn khu đô thị (KĐT) gồm: bán đảo Linh Đàm, Bắc Linh Đàm, Tây Nam Linh Đàm và Pháp Vân - Tứ Hiệp với 82 tòa nhà chung cư, trong đó có 75 tòa đã đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có số ít tòa nhà có tầng hầm để xe ô tô khiến nhu cầu gửi xe ở đây trở thành vấn đề nóng trong những năm qua - nguyên nhân dẫn đến hàng loạt các bãi xe tự phát xuất hiện nhằm mục đích thu lợi, bất chấp các quy định của pháp luật.

"Bóp nghẹt" vỉa hè khu vực

Tại KĐT Linh Đàm - nơi có mật độ dân cư và mật độ phương tiện dày đặc nhất khu vực với 12 tòa nhà, khoảng 10.000 hộ dân, 32.000 nhân khẩu và hơn 1.000 xe ô tô nhưng không có hầm để xe ô tô. Điều đó đã khiến vỉa hè, lòng đường, góc công viên, hay bất cứ khoảng đất trống nào ở đây đều dễ dàng biến thành nơi trông giữ phương tiện. Ô tô, xe máy đỗ "thản nhiên" ngay dưới lòng đường, không quan tâm người đi bộ sẽ phải di chuyển như thế nào.

Bãi xe ô tô "điền vào chỗ trống" tại khu chung cư Linh Đàm nhìn từ trên cao (Ảnh: Moitruongdothi)

Theo khảo sát, các bãi xe trái phép này vẫn vô tư thu phí cao dù không có bất cứ phương tiện bảo hộ bảo đảm an toàn, phòng chống cháy nổ nào. Những bãi xe có sức chứa hơn 500 xe vẫn thường xuyên quá tải nên việc ô tô, xe máy đỗ kiểu "điền vào chỗ trống" xảy ra như "cơm bữa".

Phương tiện lấn chiếm vỉa hè, người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường

"Do dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nên thời điểm này chợ không họp đông, bình thường giờ cao điểm khoảng 17-19h là xe máy, ô tô, người đi bộ di chuyển xen kẽ với nhau dưới đường, tiềm ẩn quá nhiều nguy cơ nhưng tình trạng các điểm giữ xe trái phép vẫn ngang nhiên tồn tại mà chưa thấy bị xử lý đến nơi đến chốn" - một người dân địa phương chia sẻ.

Từ đường Nguyễn Hữu Thọ vào khu đô thị phía các khu chung cư Linh Đàm, không khó để thấy hình ảnh vỉa hè bị "chiếm dụng" gần như toàn bộ. Từ các ngân hàng, các tiểu thương, hộ kinh doanh đều cố gắng "biến" vỉa hè thành của riêng để vụ lợi, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng mà người dân quanh khu vực xứng đáng được hưởng.

Những hình ảnh lấn chiếm vỉa hè quen thuộc như "cơm bữa" tại Linh Đàm (Hoàng Liệt).

Không những thế, những hộ dân sống tạikhu biệt thự Linh Đàm còn tự ý lát lại vỉa hè bằng đá, gạch khác với chủng loại vỉa hè chung khi chưa được sự cho phép của các cấp chính quyền, dẫn đến việc mất mỹ quan đô thị, phá vỡ sự đồng bộ trong quy hoạch vỉa hè của khu vực.

Một căn biệt thự "tiêu biểu" cho vấn nạn phá vỡ quy hoạch đồng bộ về vỉa hè và cây xanh  tại khu vực mà  đượcvẫn tồn tại trong thời gian dài, không có bất cứ dấu hiệu việc thực hiện trả lại  nguyên trạng vỉa hè.   

Theo phản ánh của các cư dân thuộc KĐT Pháp Vân - Tứ Hiệp, khu vực này cũng đang bị "bóp nghẹt" bởi sự xuất hiện của nhiều điểm trông giữ xe ô tô tự phát, vỉa hè, lòng đường được tận dụng triệt để.

"Một số khu vực sân chơi dành cho trẻ em tại các tòa nhà như NƠ 1, NƠ 2, NƠ 5, NƠ 7, NƠ 22, NƠ 23 nhiều hôm cũng bị xe ôtô đậu kín khiến việc đi lại còn khó khăn, nói gì tới việc trẻ nhỏ có chỗ vui chơi. Bà con cư dân cũng đã phản ánh nhiều lần tới chính quyền phường, quận nhưng không hiểu sao các điểm trông giữ trái phép này đến nay vẫn tồn tại" - một cư dân sống tại đây thông tin.

Không gian vỉa hè  tại khu vực bị chiếm dụng "ngang nhiên" mà chưa thấy cơ quan chức năng vào cuộc xử lý dứt điểm.

Khu đất nông nghiệp dọc tuyến phố Linh Đường (phường Hoàng Liệt) vốn được chuyển đổi mục đích sử dụng làm khu trưng bày sản phẩm, thuộc quyền quản lý của Hợp tác xã dịch vụ Hoàng Liệt, thế nhưng nay bị biến tướng thành nhà hàng, sân bóng, gara ô tô, bãi đỗ xe...

Tại dự án bãi đỗ xe tại Khu đô thị mới Tây Nam hồ Linh Đàm (phường Hoàng Liệt) do Tập đoàn Vinh Quang làm chủ đầu tư có diện tích hơn 5.600m2. Theo quy hoạch, lô đất trên được dùng làm hệ thống đỗ xe tự động; dự kiến đáp ứng tối đa 460 chỗ đỗ xe. Thế nhưng, trên đất dự án bãi đỗ xe này đã bị biến tướng thành hàng loạt ki-ốt lớn nhỏ, được xây dựng kiên cố dùng cho mục đích kinh doanh. Việc này khiến cuộc sống của người dân khu vực bị ảnh hưởng nặng nề, mất đi tiện ích đáng có khi không có bãi gửi xe.  

Trong khu Vui chơi giải trí Công viên Bắc Linh Đàm cũng đang tồn tại một quán bia lấn chiếm đường ven hồ làm nơi kinh doanh, mở cả ngày lẫn đêm gây mất an ninh trật tự trên địa bàn và mất mỹ quan đô thị, đồng thời khiến người dân bị "chiếm mất" một phần diện tích công cộng đáng lẽ được sử dụng của công viên này.

Liên quan đến các yêu cầu về điểm trông giữ xe, Sở Giao thông Vận tải cho biết các điểm trông giữ phải đảm bảo các vị trí ra, vào bãi trông giữ xe tiếp giáp với đường, phố phải được gia cố nhằm đảm bảo êm thuận, an toàn giao thông, bố trí nhân viên hướng dẫn phương tiện ra vào.

Sự bất lực hay bất thường trong công tác quản lý của chính quyền địa phương?

Năm 2019, UBND TP Hà Nội và Sở GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo UBND quận Hoàng Mai, UBND phường Hoàng Liệt và các cơ quan chức năng vào cuộc xử lý triệt để, nhưng các bãi trông giữ xe trái phép tại phường Hoàng Liệt vẫn ngang nhiên tồn tại cho đến tận thời điểm hiện tại.

Ngày 19/2/2020, lực lượng liên ngành bao gồm Công an quận Hoàng Mai, Công an phường Hoàng Liệt, UBND phường Hoàng Liệt và lực lượng Thanh tra giao thông cũng đã tiến hành kiểm tra hoạt động trông giữ phương tiện tại tuyến đường ven Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao quận Hoàng Mai.

Ngày 6/5/2020, cũng lực lượng chức năng của phường và Đội Thanh tra GTVT quận Hoàng Mai kiểm tra, phát hiện vi phạm vẫn tồn tại. Và bất ngờ là bãi xe không phép này đã "phình to" lên nhiều so với thời điểm trước.

Liên quan đến vấn nạn này, ông Vũ Đức Minh - Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt đã từng khẳng định, lực lượng chức năng phường đã liên tục kiểm tra xử lý các bãi trông giữ xe vi phạm, nhưng thực trạng không có bãi đỗ xe tại các khu chung cư ở Hoàng Liệt đang nằm ngoài tầm giải quyết của chính quyền phường. 

Phường đã báo cáo, đề xuất với cấp trên nhiều giải pháp xử lý tình trạng thiếu bãi giữ xe để bảo đảm giải quyết dứt điểm tình trạng trông giữ phương tiện không phép cũng như đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho người dân trên địa bàn và kiến nghị sở, ngành liên quan cho mở rộng bãi xe đã cấp phép và cấp phép tạm cho những vị trí đủ điều kiện. 

Chính quyền địa phương đang bất lực trước sai phạm hay có sự bất thường trong công tác quản lý, xử lý?

Tuy nhiên, "nói dễ làm khó", tính đến thời điểm hiện tại, sai phạm vẫn hoàn sai phạm, nguy cơ xảy ra TNGT vẫn đang "trực chờ" khi người đi bộ phải di chuyển dưới lòng đường, các phương tiện tham gia giao thông phải "vượt chướng ngại vật" qua các điểm giữ xe trái phép, qua các gánh hàng rong. Vậy, chờ đến bao giờ các cấp chính quyền địa phương mới có phương án cụ thể? 

Về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong việc cấp phép, quản lý và kiểm tra, giám sát đối với các bãi đỗ xe được quy định chi tiết tại Điều 56 Thông tư 63/2014/TT-BGTVT, Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ. Cụ thể như sau:

1.Yêu cầu đối với bãi đỗ xe:

a) Đảm bảo an ninh, trật tự; đáp ứng yêu cầu về phòng, chống cháy, nổ và vệ sinh môi trường;

b) Đường ra, vào bãi đỗ xe phải được bố trí đảm bảo an toàn và không gây ùn tắc giao thông.

2. Nội dung kinh doanh tại bãi đỗ xe

a) Dịch vụ trông giữ phương tiện.

b) Tổ chức các dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện.

c) Kinh doanh các dịch vụ khác theo quy định của pháp luật.

3. Quy định đối với đơn vị quản lý, kinh doanh bãi đỗ xe

a) Đảm bảo an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường và phòng, chống cháy, nổ tại bãi đỗ xe.

b) Niêm yết công khai nội quy, giá các dịch vụ tại bãi đỗ xe, tên và số điện thoại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để chủ xe phản ánh, khiếu nại khi cần thiết.

c) Bồi thường thiệt hại cho người gửi xe nếu để xảy ra mất mát, hư hỏng phương tiện nhận gửi.

d) Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

đ) Kinh doanh các loại dịch vụ quy định tại khoản 2 Điều này.

e) Thu tiền trông giữ phương tiện.

g) Không được để các chủ phương tiện kinh doanh vận tải sử dụng bãi đỗ xe để đón, trả khách.

h) Có quyền từ chối phục vụ đối với chủ phương tiện không chấp hành nội quy bãi đỗ xe.

Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi xây dựng, lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, thu phí đường bộ khi chưa được sự đồng ý của cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải sẽ bị xử phạt hành chính như sau:

1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Xây dựng hoặc thành lập bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ khi chưa được cơ quan quản lý nhà nước về giao thông vận tải đồng ý theo quy định;

b) Xây dựng bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ không bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật theo quy định.

2. Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây:

a) Thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản 1 Điều này còn buộc phải tháo dỡ công trình xây dựng trái phép và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra;

b) Thực hiện hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều này còn buộc phải xây dựng lại bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ, trạm thu phí đường bộ theo đúng quy định, bảo đảm tiêu chuẩn kỹ thuật.

Đến bao giờ những hình ảnh này mới chấm dứt?

Thế nhưng, trên địa bàn quận Hoàng Mai thì tình trạng vi phạm này vẫn đang xảy ra thường xuyên. Nhìn từ các sự việc trên có thể thấy dường như những chỉ đạo quyết liệt của UBND TP Hà Nội nhằm chấn chỉnh, tăng cường quản lý, kiểm tra, xử lý vi phạm tại các bãi trông giữ phương tiện trái phép vẫn chưa có tác dụng tại quận Hoàng Mai, khi mà những bãi trông giữ xe không phép vẫn xuất hiện dày đặc tại khu vực này.

Pháp luật đã có quy định, chế tài xử phạt cũng rõ ràng nhưng các lực lượng chức năng địa phương vì sao vẫn không thể xử lý dứt điểm, triệt để tình trạng trên. Chính quyền phường Hoàng Liệt đang bất lực trước các sai phạm trong khu vực hay phải chăng có sự bất thường, "bao che" trong công tác xử lý mới "giúp" các sai phạm diễn ra "ngang nhiên và ung dung" đến vậy?