24/11/2024 | 04:13 GMT+7, Hà Nội

Sốt xuất huyết chưa qua, lại lo thêm bệnh tay chân miệng

Cập nhật lúc: 19/09/2017, 13:40

Trong lúc dịch sốt xuất huyết vẫn diễn biến hết sức phức tạp, Bộ Y tế lại cảnh báo bệnh tay chân miệng cũng đã bắt đầu vào mùa.

GS.TS Nguyễn Thanh Long - Thứ trưởng Bộ Y tế cảnh báo, bên cạnh đối phó với dịch sốt xuất huyết vẫn căng thẳng trên cả nước, ngành y tế không được lơ là với tay chân miệng bởi đã bắt đầu vào mùa bệnh, với hơn 51.000 ca mắc tay chân miệng từ đầu năm đến nay tại 63 tỉnh thành; tăng hơn 3%.

Đáng chú ý, số ca mắc tay chân miệng đang có chiều hướng tăng hơn ở vài tuần gần đây và có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh trong vài tuần tới, khi học sinh đã chính thức trở lại trường học.

Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh.

Hướng dẫn trẻ rửa tay bằng xà phòng và nước sạch để phòng bệnh.

Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận hơn 160 bệnh nhi mắc tay chân miệng, không có trường hợp tử vong. Tại TP.HCM, trong nhiều tuần gần đây, mỗi tuần ghi nhận khoảng 170 bệnh nhân mắc tay chân miệng, tăng mạnh so với các tuần trước đó. Tổng số ca mắc bệnh này từ đầu năm 2017 ở TP.HCM khoảng 3.000 ca.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh tay chân miệng là bệnh nhiễm virus cấp tính, lây truyền theo đường tiêu hóa, thường gặp ở trẻ nhỏ và có khả năng gây thành dịch lớn. Bệnh có quanh năm và tăng mạnh vào khoảng thời gian từ tháng 3-5 và tháng 9-11. Bệnh rất dễ lây cho người khác nếu vệ sinh không đảm bảo.

Tại Việt Nam, dịch tay chân miệng bắt đầu tăng cao trong những năm 2011, 2012 và tiếp tục đà này đến năm 2017. Có nhiều tuýp virus gây bệnh, một người có thể mắc nhiều tuýp khác nhau. Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh cũng như thuốc điều trị đặc hiệu.

Biểu hiện của bệnh thường là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và niêm mạc miệng. Tuy nhiên cũng có một số trường hợp biểu hiện không rõ ràng, thậm chí khi xét nghiệm mới phát hiện mắc bệnh.

Để phòng bệnh, người dân cần rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, lau sạch các bề mặt và các vật dụng, đồ chơi bị nhiễm bẩn bằng xà phòng và dung dịch sát khuẩn thông thường ít nhất 2 lần trong ngày. Đồng thời cho trẻ ăn chín, uống chín, không ăn chung thìa, bát, tránh tiếp xúc gần với bé đã mắc bệnh…

Tại Hà Nội, TTYT Dự phòng đã yêu cầu TTYT các quận, huyện, thị xã rà soát lại hóa chất, máy móc để tập trung tiêu độc, khử trùng tại các trường mầm non, mẫu giáo vì chủ yếu người mắc bệnh là trẻ dưới 5 tuổi.

Việc làm này được thực hiện song song với các hoạt động phòng chống dịch sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác.