19/04/2024 | 14:02 GMT+7, Hà Nội

Sông Tô Lịch giảm mùi hôi thối sau 4 ngày chạy thử nghiệm bằng công nghệ Nhật

Cập nhật lúc: 22/05/2019, 11:01

Sau bốn ngày chạy thử nghiệm công nghệ Nhật để xử lý ô nhiễm, sông Tô Lịch đã giảm được 90 % mùi hôi và không còn bùn, váng nổi trên mặt nước.

Dự án sử dụng công nghệ công nghệ Nano Bioreactor để xử lý ô nhiễm môi trường tại sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây được khởi động làm thí điểm vào ngay 16/05 vừa qua.

Được biết công nghệ Nano Bioreactor có công năng là xử lý được mùi hôi thối, làm cho nước trong hơn, lượng bùn lắng tụ lâu ngày sẽ được phân hủy; kích hoạt những vi sinh vật có lợi sẵn trong môi trường cần xử lý, tự phân hủy các chất gây ô nhiễm và chất độc hại, làm cho các vi sinh vật có lợi phát triển, tăng khả năng tự làm sạch sẵn có của tự nhiên…

Ngày 11/4/2019, đoàn chuyên gia Nhật Bản đã có buổi làm việc và báo cáo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Sau buổi làm việc, các cá nhân, tổ chức đã nhanh chóng bắt tay triển khai công việc. Và kết quả là ngày 16/5 vừa qua, dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây được chính thức khởi động trước sự chào đón của đông đảo người dân thủ đô.

ttxvn_nguyen_xuan_phuc

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Đoàn chuyên gia Nhật Bản hôm 11/4 tại Hà Nội về dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây 

Ông Nguyễn Văn Tuấn, một người dân sinh sống khoảng 50 năm nay tại số nhà 38 đường Nguyễn Đình Hoàn (bên cạnh bờ sông Tô Lịch) cho biết, người dân chúng tôi rất vui mừng khi có dự án làm sạch sông Tô Lịch này. Nếu dự án thành công, sẽ giải tỏa được bức nỗi xúc khó nói suốt hàng chục năm trời mà chúng tôi phải sống cạnh con sông ô nhiễm và tiềm ẩn nhiều nguy cơ bệnh tật này.

Từ khi đặt máy móc, công nghệ đó xuống đến nay là 4 ngày nhưng mùi hôi thối giảm hẳn. Nếu như trước đây mùi hôi thối là 100% thì nay đã giảm được 90%. Nếu đi qua hai khu vực, một khu vực được xử lý và vùng chưa được xử lý thì mùi hôi thối phân biệt rõ rệt. Bên được xử lý bằng công nghệ Nhật gần như không còn mùi hôi thối, và một bên chưa được xử lý thì mùi hôi thối nồng nặc.  

DSCN9077

Ngày 20/05, cơ quan chức năng đang tiến hành lấy mẫu sau 3 ngày thí điểm đưa công nghệ  Nano Bioreactor của Nhật để xử lý ô nhiểm trên sông Tô Lịch 

Trao đổi với anh Trần Thanh Toàn, một công nhân của Công ty môi trường Hà Nội, người phụ trách vớt rác, vệ sinh đang làm việc trên sông Tô Lịch cho hay, sau khi đặt thiết bị công nghệ để xử lý ô nhiểm trên sông Tô Lịch thì hiệu quả thấy rõ là mùi hôi thối giảm rất nhiều so với trước. Bên cạnh đó, nếu như trước đây có rất nhiều váng nổi lên, bùn nằm lưng lững giữa mặt nước thì nay không còn. Nước trên sông, đoạn được xử lý mặc dù mới được bốn ngày nhưng nước đã loãng, chuyển sang màu xanh và không còn đen và đặc sánh như trước – anh Toàn nói.

Như vây, với những gì Tiến sĩ Tadashi Yamamura - chuyên gia môi trường Liên Hiệp Quốc, chủ tịch Tổ chức Xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản báo cáo trong buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ngày 11/4/2019. Và bài phát biểu khẳng định trong buổi khởi động làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây ngày 16/5 vừa qua, rằng việc sử dụng công nghệ Nano Bioreactor để làm sạch sông Tô Lịch thì sau 3 ngày mùi hôi thối sẽ giảm đáng kể, và sau khoảng thời gian 2 tháng các chất thải và bùn dưới sông sẽ bị phân hủy đã được chứng minh và hoàn toàn có cơ sở.

DSCN9080

Bất ngờ với mẫu nước được lấy từ sông Tô Lịch sau ba ngày sử dụng công nghệ Nano Bioreactor của Nhật  

Thời gian qua,sau khi dự án thí điểm làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ tây được khởi công, đã có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh vấn đề này. Khoan hãy phân tích đúng, sai, các ý kiến đó xuất phát từ đâu, và trình độ chuyên môn có đúng với lĩnh vực mà họ đang nói hay không.

Nhưng một thực tế là, sông Tô Lịch đang trở thành dòng sông “chết”, người dân Thủ đô, đặc biệt là đông đảo người dân sinh sống hai bên bờ sông đang phải hứng chịu mức độ ô nhiễm trầm trọng suốt hàng chục năm qua. Cùng với đó, nhiều cơ quan, ban ngành đang vào cuộc quyết liệt để tìm mọi cách, mọi giải pháp khả thi để làm sống lại dòng sông, giúp người dân thoát cảnh sống trong ô nhiễm. 

Do đó, việc đồng hành của mỗi công dân với đề xuất làm sạch sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây không chỉ có ý về mặt nghĩa kinh tế, xã hội, môi trường và rất nhân văn trên, cũng là một hành động có ý nghĩa vì cộng đồng, giúp người dân hai bên bờ sông Tô Lịch nói riêng và người dân Thủ đô nói chung có được thêm cơ hội sống trong một môi trường trong lành hơn.

Trong buổi làm việc ngày 11/4/2019 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam đặc biệt quan tâm đến môi trường, vấn đề lớn trong quá trình phát triển đất nước. Về đề nghị tài trợ miễn phí thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc Hồ Tây bằng công nghệ mới, Thủ tướng hoan nghênh đề xuất này, cho rằng, đây là một ý tưởng tốt, phù hợp chủ trương của Đảng và Chính phủ Việt Nam nhằm tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nuớc.